itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Dây trói cua

Dây trói cua

Dân ở vùng bán đảo Cà Mau – nơi được mệnh danh là vùng đất nhiều cua, cua là đặc sản – ai cũng hiểu rằng, từ xưa, sợi dây dùng để trói cua có công dụng là khống chế cặp càng to, khoẻ và rất nguy hiểm của nó, không cho nó kẹp người. Thế nhưng ngày nay sợi dây trói cua ấy còn có một công dụng khác, đó là công dụng… gian lận.

Kể từ năm 1979 – 1980, khi cua bắt đầu tham gia xuất khẩu ra nước ngoài và trở thành đặc sản trong nội địa, giá cả tăng vọt gấp nhiều lần thì người đánh bắt cua, thương lái đã có ý thức gian lận rồi.

Hồi đầu bắt được con cua, mua được cua gặp được sợi dây nào thì trói cua bằng sợi dây ấy, như: dây chuối, dây dừa… thế nhưng người ta nhúng nước cho sợi dây ấy nặng thêm, có người còn cho mấy cây đinh tổ bố vào cái sợi dây hay cho đất vào. Họ làm như vậy vừa tăng trọng lượng, vừa tăng “cỡ” cho cua. Thí dụ: cua 400g giá chỉ có 50.000 đồng/kg nhưng nếu biết cách “ăn gian” thêm 100 gam nữa thì cua sẽ “nhảy” vào cỡ nhất, giá tăng lên gấp đôi.

Ban đầu người bán đảo Cà Mau chỉ làm ăn gian lận lẻ tẻ nhưng 5 – 7 năm sau thói ăn gian ấy được người mua cảm thấy chuyện “phải như thế”, thế là thị trường cua ở bán đảo Cà Mau đồng loạt gian lận thành một cái nếp mua bán bình thường. Xã hội cũng dần thích nghi. Bây giờ ra chợ Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng (các tỉnh khác thì không thấy có) mua cua về ăn và tháo dây trói cua cân thử, cứ 1kg cua sẽ có 300 – 400g dây trói cua. Người bán đã gian lận người mua 30 – 40%.

Một người là đại lý thu mua cua khá lớn ở Xóm Lung, thuộc huyện Giá Rai nói với người viết rằng, mỗi tháng anh ta mua 500kg dây trói cua. Dây trói cua là loại dây lác, được các cơ sở sản xuất dây trói cua cung cấp. Gần đây lại xuất hiện loại dây vải do các con buôn từ Sài Gòn đem về bán. Nhu cầu này xuất hiện khi thị trường Trung Quốc không chấp nhận dây lác. Một ông chủ trại đáy tên Mi ở Láng Tròn nói rằng từ ngày thị trường chấp nhận dây vải thì người đánh bắt cua tiện lợi hơn, như trại đáy anh đánh bắt được cua thì cứ lấy quần áo cũ, hoặc “nùi giẻ” mà trói. Thậm chí có bữa anh dùng cả cái quần lót cũ của vợ. Người viết bài này hỏi: “Anh kể chuyện tiếu lâm cho tôi nghe chắc?”, anh Mi khẳng định: “Chuyện có thật 100%”.

Các đại lý mua dây trói cua đem về rồi họ còn phải gia công lại, đem ngâm nước, sau đó thì dìm chúng vào cát để sợi dây nặng thêm.

Nhà văn N.T.T, quê Cà Mau, ngụ tại Sài Gòn, khi về Bạc Liêu chơi, vợ dặn phải mua quà là cua biển đặc sản của Bạc Liêu. Mua 3kg cua xong, anh nhờ người quen xả những cọng dây tổ bố ra rồi dùng dây nhỏ trói lại giúp anh. Anh làm việc ấy bằng thái độ tự trọng quê hương, vì sợ mất hình ảnh bán đảo Cà Mau trong mắt vợ anh và người Sài Gòn. Anh rên rỉ: “Tại sao người ta không tăng giá cua một chút mà lại đi làm cái việc thất đức như thế?” Điều thất đức mà anh nói là việc làm ấy vừa trái pháp luật, vừa mất văn hoá trong kinh doanh, vừa làm mất hình ảnh quê hương xứ sở.

Câu hỏi của anh tôi không trả lời được và cũng không biết hỏi ai. Việc gian lận ấy xảy ra hàng ngày, nhan nhản trước mắt và xã hội đã quen dần. Các cơ quan quản lý thị trường không làm gì hết thì mình biết kêu ai cho thấu.

Theo SGTT