Bình đẳng để cạnh tranh
Ước mơ "ra biển lớn" vẫn còn nguyên nhưng vấn đề hầu hết doanh nhân thực sự quan tâm lúc này lại chỉ quanh quẩn ở "ao nhà". Đó là một thực tế buồn sau 5 năm khủng hoảng với hơn 200.000 doanh nghiệp giải thể. Bản lĩnh, ý chí, khát vọng không thiếu nhưng cái mà họ cần là một môi trường bình đẳng để có thể cạnh tranh sòng phẳng và ổn định để có thể phát triển.
Bình đẳng về thời gian làm thủ tục thuế, hải quan như doanh nghiệp (DN) các nước trong khu vực, tương đương với 171 giờ/năm thay vì 870 giờ của các DN trong nước. Theo tính toán, giảm 1 ngày thủ tục thông quan xuất nhập khẩu, họ sẽ tiết kiệm được 1,6 tỉ USD. Nếu được bình đẳng khoản này, "nội lực" của họ sẽ tăng lên rất nhiều và giá thành sản phẩm chắc chắn cũng giảm mạnh.
Họ cũng mong muốn được bình đẳng với các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) về thuế, giá đất, và các ưu đãi khác. Chỉ tính riêng về thuế, DN FDI được miễn thuế thu nhập DN tối đa là 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Không có DN trong nước nào được hưởng chính sách này. DN FDI cũng được miễn thuế nhập khẩu hầu hết máy móc thiết bị tạo tài sản cố định... Đối mặt với các công ty nước ngoài mạnh về tài chính, giàu về kinh nghiệm lại được trang bị thêm hàng loạt các ưu đãi, họ bị chèn lấn và chấp nhận nhường sân ở nhiều lĩnh vực then chốt của nền kinh tế như xuất khẩu, bán lẻ, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi... Tại thời điểm này, rất nhiều lĩnh vực đã dư cung, nhiều lĩnh vực DN trong nước thừa sức đảm nhiệm như thép, dệt may... nhưng chúng ta vẫn tiếp tục ưu đãi cho các dự án mới, tạo thêm áp lực cho DN nội địa.
Họ cũng muốn được làm "con đẻ" như các DN nhà nước để tiếp cận vốn, tiếp cận đất dễ hơn; hưởng lãi vay rẻ hơn... chứ không phải luôn đứng ngoài những cơ chế, chính sách đãi ngộ như bao năm nay.
Bao năm nay, chúng ta vẫn và luôn đặt rất nhiều kỳ vọng vào đội ngũ doanh nhân trong nước. Từ mong muốn họ giữ vững thị phần khi mở cửa hội nhập đến nỗ lực xây dựng những thương hiệu đại diện cho hình ảnh quốc gia ở thị trường thế giới. Nhưng họ làm thế nào để quảng bá thương hiệu khi chi phí quảng cáo, tiếp thị, marketing bị khống chế? Họ xây dựng chiến lược phát triển bền vững thế nào khi lãi suất 3 tháng, điện 6 tháng điều chỉnh một lần? Họ mở rộng thị trường ra sao khi hàng giả, hàng lậu được bày bán công khai và tràn lan?... Cứ "xoay" như chong chóng với những điều đó nên với rất nhiều doanh nhân, khát vọng lớn đã nhường chỗ cho những lo toan nhỏ; chiến lược ra khơi được thay thế bằng kế hoạch cầm cự...
Chắc chắn trong ngày Doanh nhân VN 13.10 hôm nay, sẽ có không ít lời chúc các doanh nhân, DN Việt nuôi khát vọng, chí lớn, nắm thời cơ... Đó là một mong ước chân chính và cần thiết. Nhưng doanh nhân, DN Việt không phải là siêu nhân. Họ không thể vừa phải chạy đuổi theo sự thay đổi của chính sách; đối phó với sự thất thường của giá cả; cạnh tranh trong thua thiệt với DN ngoại..., vừa phải giữ thị phần ở sân nhà, mở rộng thị trường quốc tế, xây dựng thương hiệu mang tầm thế giới...
"Đội thuyền thúng ra biển" - có người đã ví von như vậy khi nói về các doanh nhân, DN Việt hiện nay. Đó là một thực tế đầy rủi ro. Chúng ta vẫn đang nỗ lực đàm phán để hội nhập sâu hơn, rộng hơn vào kinh tế thế giới. Vì vậy, hãy trang bị tàu lớn, chất lượng cao, công nghệ hiện đại để các DN, doanh nhân Việt nuôi lại và thực hiện khát vọng ra khơi một cách hiệu quả nhất. Đó mới chính là lời chúc thiết thực nhất cho các doanh nhân, DN nhân ngày của họ.
Nguyên Khanh/ Thanh Niên
Tin đã đăng
- Kinh tế 2015: Cần ”gỡ khó” hơn "ổn định vĩ mô”
- Thiếu thông tin về FTA: Doanh nghiệp thiếu chủ động hội nhập
- Năm 2015, DNNN phải thoái vốn ngoài ngành trên 16 nghìn tỷ đồng
- Vốn FDI vào nông nghiệp giảm 30 lần sau 15 năm
- Thẻ tín dụng: Dễ mất tiền oan!
- Quỹ ETF nội bắt đầu thấy “áp lực”
- Từ 10/11, VAMC được xác định giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá
- TP.HCM: Đến cuối tháng 9, tín dụng tăng 6,05%
- Đề xuất 3 nội dung về thuế tháo gỡ khó khăn cho Doanh nghiệp
- Tháng 9: Điểm mặt các mặt hàng “tỷ đô” của Việt Nam