Doanh nhân Việt Nam sợ gì?
Một lần ở Sydney, tôi gặp anh bạn Việt kiều sống ở Úc đã trên hai mươi năm, sau câu chuyện về quê hương, anh khoe với tôi về con anh, một chàng trai sinh trưởng tại Úc, tốt nghiệp hạng ưu ngành công nghệ thông tin Đại học Sydney, hiện đang đi làm cho một công ty Úc với mức lương 190 nghìn đôla Úc một năm.
Anh say sưa nói: “Thế hệ người Việt ở đây như tôi với anh coi như bỏ đi được rồi, lớp trẻ như con trai tôi mới đúng là tương lai của người Việt mình.”
Tôi nói với bạn tất nhiên tương lai của người Việt ở Úc không thể trông chờ vào thế hệ tôi và anh, những người sinh trưởng ở Việt Nam rồi mới sang Úc lập nghiệp, và tôi rất mừng cho gia đình anh có cậu con trai học hành thành đạt như vậy, nhưng tôi không nghĩ rằng đó là tương lai của người Việt.
Theo ý tôi, nếu con trai anh dám mở một công ty phần mềm, dám cạnh tranh với các công ty của Úc bằng chính sản phẩm hoặc dịch vụ của cậu ấy, thì dù thu nhập hiện tại có kém hơn vài lần so với mức lương đi làm, tôi thấy đó mới là tương lai của người Việt.
Kiều bào ta ở nước ngoài, phần đông sinh sống ở các nước phát triển, rất chịu khó lo cho con cái học tập, tỉ lệ học giỏi và đỗ đạt của con em người Việt thường rất cao, nhưng phần lớn sự đầu tư này đều hướng đến một chỗ làm tốt, yên ổn với mức thu nhập dễ chịu trong các công ty của người da trắng.
Người Việt ở các nước phát triển nếu làm kinh doanh thường mở các dịch vụ như tiệm tạp hoá, cửa hàng thực phẩm Á châu, tiệm làm móng chân móng tay và đông nhất là nhà hàng.
Ở Úc có nhiều nhà hàng của người Việt cứ vài năm lại thay chủ mới, có khi chủ chỉ là quay vòng vợ chồng, con cái, anh em trong một gia đình. Người ta đổi chủ không phải vì làm ăn thất bát hoặc muốn sang cho người có khả năng quản lý tốt hơn, mà cái chính là để tránh phải nộp thuế lợi tức, cứ mỗi lần thay chủ mới thì trên giấy tờ nhà hàng đó lại thành doanh nghiệp mới, lại có thể khai báo với chính quyền là chưa có lãi. Nhà hàng là lĩnh vực đầu tư ngắn hạn, không thể cứ khai chưa có lãi dài dài được, nên vài năm lại phải thay chủ để nó luôn luôn là doanh nghiệp mới.
Đổ tại hoàn cảnh?
Các doanh nghiệp ở Việt Nam thường kêu ca lực cản cho sự phát triển của họ là môi trường kinh doanh còn nhiều trở ngại. Tất nhiên là có lý do đó. Nhưng nếu nhìn ra nước ngoài, nhiều kiều bào ta đang kinh doanh ở những nước tiên tiến có môi trường đầu tư tốt hơn ở trong nước rất nhiều, nhưng sao cũng không lớn lên được?
Ngoại trừ một vài quán Phở người Việt quen tên thường bảo nhau đến đấy ăn cho đỡ nhớ quê hương, hầu như chúng ta chẳng có lấy một thương hiệu nào khả dĩ làm cho người Âu - Mỹ phải biết đến.
Tính chung cả trong nước và ở nước ngoài, tỉ lệ người Việt giầu có ngày một tăng lên, xét ở khía cạnh đời sống đó là điều đáng mừng, chứng tỏ đồng bào ta rất biết cách làm ăn và nhiều người làm ăn khấm khá. Nhưng nếu đi sâu vào sự giàu có ấy mà tìm hiểu, sẽ thấy phần nhiều những đồng tiền được kiếm ra bằng cách không mấy đàng hoàng.
Thu nhập cá nhân kiểm chứng được hoặc thuế lợi tức doanh nghiệp thực nộp cho Nhà nước không tương xứng nếu không muốn nói là khác quá xa với sự giàu có kia.
Thời gian gần đây, trên nhiều diễn đàn, các doanh nghiệp trong nước thường nói đến cụm từ thương trường là chiến trường, đã là chiến trường thì ắt có ta và địch, có kẻ thù, và kẻ thù của doanh nghiệp chúng ta thường được miêu tả là các đại công ty nước ngoài.
Đúng là kinh doanh phải có thủ thuật, mưu kế, nhưng các tập đoàn, các công ty đa quốc gia kia không chỉ có vậy. Cái chính mà họ có là sự sáng tạo không ngừng vì nhu cầu của khách hàng, vì người tiêu dùng và sự sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Tôi có một người bạn là giám đốc một doanh nghiệp địa phương chuyên ngành vật liệu xây dựng. Khi tỉnh có chủ trương cổ phần hoá một số doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp của anh, thì anh đã mất nửa năm trời đôn đáo ra Hà Nội để tìm cách “chạy” cho doanh nghiệp của mình chui vào một Tổng công ty nhà nước, để tránh bị cổ phần hoá.
Những giám đốc doanh nghiệp không thực tâm muốn cổ phần hoá như vậy hiện rất nhiều. Mặc dù bên ngoài họ hô hào rất to ủng hộ chủ trương cổ phần hoá của Nhà nước.
Tôi nghĩ kẻ thù lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chính là nỗi sợ: sợ phải công khai, sợ phải minh bạch, sợ phải làm ăn đàng hoàng, sợ phải cạnh tranh sòng phẳng. Tính khuất tất trong cách làm ăn của doanh nghiệp người Việt, cả ở trong nước và nước ngoài, cả ở Đông Âu và Tây Âu, còn rất phổ biến.
Chừng nào chúng ta còn chưa học được cách làm ăn đàng hoàng, minh bạch, tìm kiếm lợi nhuận trong mối tương quan với lợi ích của người tiêu dùng, lợi ích của xã hội thì chúng ta còn chưa thể nói đến việc xây dựng nên những thương hiệu mạnh, vốn là niềm tự hào của quốc gia.
Theo BBC
Tin đã đăng
- Thị trường bất động sản: Tiềm ẩn nhiều nguy cơ nghiêm trọng
- Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2008 tiếp tục tăng
- Kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2008
- Nhà đầu tư ngày càng tin tưởng khi đầu tư vào Việt Nam
- Thâm hụt thương mại đã được cải thiện mạnh trong tháng 6
- Sáu tháng qua bất động sản (BĐS) được ĐTNN ưu tiên
- Sacombank lãi 754 tỷ đồng
- Không thể tách doanh nhân khỏi trí thức
- Doanh số ban ôtô tăng cao mặc dù kinh tế giảm
- Triển lãm và hội nghị quốc tế về máy công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại