Giá cả vẫn nóng
Giá một số mặt hàng vẫn tiếp tục tăng theo hướng bất lợi cho người tiêu dùng, bất chấp các nỗ lực của Nhà nước nhằm kiềm chế đà tăng giá.
Tăng nhiều và đều là những mặt hàng thiết yếu như lương thực - thực phẩm.
Bữa cơm ngày càng đắt đỏ
Ngày 5-11, tại chợ đầu mối Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình, TP.HCM) giá heo hơi đạt 28.000 đồng/kg, đây là mức cao nhất trong vòng một tháng gần đây. Theo ông Nguyễn Xuân Trang, trưởng ban quản lý chợ, giá heo tăng do lượng hàng về chợ giảm 500-600 con/ngày, chỉ còn 2.600-2.700 con/ngày. Sau đợt dịch bệnh vừa qua, khi người chăn nuôi chưa kịp hồi phục đàn heo lại phải đối đầu với “cuộc đua” giá thức ăn chăn nuôi.
Giá thịt heo ở các chợ lẻ trên địa bàn TP.HCM cũng tăng thêm 4.000-6.000 đồng/kg. Trong khi đó giá gia cầm đứng ở mức cao, giá gà ta dao động 105.000 - 110.000 đồng/kg.
Rau quả cũng tăng giá do mưa kéo dài. Tăng mạnh là xà lách búp và xà lách lụa, mức tăng 2.000 - 4.000 đồng/kg. Giá nhiều loại rau khác tăng 500-2.000 đồng/kg; như cải ngọt, cải bẹ xanh, bắp cải thảo và mướp đắng tăng khoảng 500 đồng/kg, dưa chuột và cà chua tăng 1.000-1.500 đồng/kg.
Giá hàng hóa trong siêu thị tăng 15-20%. “Nhà cung cấp nào cũng cầm bảng giá tăng hơn trước đến chào hàng. Tăng mạnh là nhóm hàng thực phẩm từ bột mì, gia vị đến dầu ăn, bánh kẹo... Hàng nhập khẩu nằm trong diện giảm thuế cũng tăng nhưng mức nhẹ hơn” - bà Nguyễn Ánh Hồng, giám đốc siêu thị Maximark (đường Ba Tháng Hai, TP.HCM), cho biết.
Phân bón : chưa vào vụ vẫn “sốt”
Mặc dù ĐBSCL chưa vào vụ xuống giống đông xuân nhưng thị trường phân bón đã nóng lên từng ngày. Công ty cổ phần đạm Phú Mỹ đã điều chỉnh giá bán urê Phú Mỹ lên 4.900 đồng/kg. Tại chợ “sỉ” phân bón Trần Xuân Soạn (Q.7, TP.HCM), urê Phú Mỹ và urê Trung Quốc được bán với giá 5.100-5.200 đồng/kg. Giá bán lẻ tại ĐBSCL lên tới 5.500-5.600 đồng/kg.
Trong khi đó giá bán sỉ phân DAP cũng đã lên tới... 8.600 đồng/kg, tăng 3.400-3.500 đồng/kg so với đầu năm. Phân kali có giá 6.700 đồng/kg, tăng 2.200 đồng/kg. Ông Lê Quốc Phong - giám đốc Công ty phân bón Bình Điền - cho biết do ảnh hưởng của giá thế giới, giá kali và DAP nhiều khả năng sẽ tăng thêm trong thời gian tới.
“Giá phân urê vẫn thấp hơn rất nhiều so với giá thế giới...” - ông Đinh Hữu Lộc, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần đạm Phú Mỹ, cho biết. Theo ông Lộc, hiện giá urê thế giới đã lên tới 315-330 USD/tấn, tính ra đã ở mức 5.100-5.200 đồng/kg về đến cảng VN. Đặc biệt, nguồn urê nhập khẩu chủ lực của VN là hàng Trung Quốc hiện đang gặp khó khăn do chính phủ nước này hạn chế xuất khẩu và đã đánh thuế lên tới 20%.
Tháng mười một, giá tăng thêm bao nhiêu?
Báo cáo mới nhất của Bộ Công thương về tình hình giá cả, trong tháng mười một, giá lương thực và thực phẩm sẽ tiếp tục đứng ở mức cao. Bên cạnh nguyên nhân giá thế giới tăng thì nguyên nhân bất thường về thiên tai và nhu cầu đẩy mạnh xuất khẩu cuối năm sẽ khiến giá cả thêm căng thẳng.
Trong đó, giá lúa gạo tăng là do các đơn vị đẩy mạnh thu mua để hoàn thành các hợp đồng xuất khẩu gạo. Tại ĐBSCL, giá lương thực một số nơi đã tăng thêm 50-100 đồng/kg. Trong khi đó, do ảnh hưởng lũ lụt, Tổng cục Thống kê dự báo năm 2007 sản lượng lúa cả nước sẽ giảm khoảng 250.000 tấn.
Các mặt hàng thực phẩm vẫn đang có xu hướng tăng trở lại sau một vài tuần ổn định. Do ảnh hưởng lũ lụt , nguồn cung rau quả bị ảnh hưởng nặng nề. Giá nhiều loại rau quả đã tăng rất mạnh, ở những vùng bị mưa lũ có thời điểm giá tăng gấp 2-3 lần bình thường.
Mặt hàng sữa chỉ có một số loại giảm giá nhẹ, nhiều loại vẫn tiếp tục tăng giá.
NH.Bình - T.V.N. - Đ.Phúc - Ngọc Sơn
Tin đã đăng
- Không quản lý giá bằng mệnh lệnh hành chính
- Ôtô cũ hạng sang 'lo' hết đường về cảng
- Việt Nam tụt 4 hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu:Tụt, nhưng không phải kém đi
- Thị trường ô tô cuối năm bắt đầu sôi động
- Việt Nam tụt 4 bậc về năng lực cạnh tranh
- “Ngùn ngụt” giá gas
- Dưới mắt các nhà đầu tư nước ngoài : Việt Nam còn nhiều cơ hội để làm tốt hơn
- Bãi bỏ ngay những quy định cản trở phát triển doanh nghiệp dân doanh
- Nhìn lại 3 năm hỗ trợ khu công nghiệp ở vùng khó khăn
- Ngành chế biến thực phẩm tăng tốc đầu tư