Giàu nghèo cùng “khóc”
Đó là tâm trạng của những người đang ở chung cư, kể cả chung cư cao cấp. Họ ”khóc” không phải vì niềm vui được sở hữu một căn hộ, cũng không phải vì sự mất mát do ai đó cướp đoạt tài sản mà mình đã có trong khu chung cư. Ở đây, họ ”khóc” đơn giản vì không hài lòng với mức phí mà họ cho là quá sức chịu đựng.
Những tưởng khi mua được một căn hộ ở chung cư là sẽ được sống yên ổn với số tiền bỏ ra một lần, vậy mà mỗi tháng phải cắn răng mất đứt một số tiền không nhỏ cho cái gọi là phí dịch vụ quản lý điều hành chung cư. Và cái phí này không phải ở yên một chỗ mà gặp cơ hội là nó lại được các ông chủ đầu tư chung cư đó nhích lên.
Quả là đau khi sống trong căn hộ của mình mà giống như ở nhà thuê. Như một cư dân sống trong chung cư Keangnam (Hà Nội) cho biết với mức phí quản lý 18.600 đồng/m2/tháng, căn hộ có diện tích nhỏ nhất tại đây phải mất toi mỗi tháng 2 triệu đồng tiền phí, đó là chưa kể các loại phí khác phải đóng như phí gửi ôtô, xe máy... Một cư dân khác sống ở chung cư Golden Westlake (Hà Nội) cho biết một quý phải mất 8,1 triệu đồng để đóng phí dịch vụ cho căn hộ 145m2 của mình. Có người bực mình vì cái vụ phí này tính toán rằng nên lấy số tiền đóng phí đó đi thuê nhà, còn đồng tiền bỏ ra mua căn hộ thì đem làm ăn sinh lợi còn tốt hơn là tiếp tục sống với nỗi khổ mức phí cao.
Thật ra bực mình thì người dân nói vậy, thế nhưng ai cũng biết rằng để cuộc sống của mình trong chung cư được phục vụ tốt hơn, vẫn phải bỏ ra một số phí nhất định cho bộ phận quản lý tòa nhà. Cái mà họ bức xúc là mức phí thu không tương xứng với dịch vụ mà họ thụ hưởng. Nó được quy định tùy tiện, bất thường, đủ kiểu, thỏa theo nhu cầu lợi ích quá đáng của chủ đầu tư. Và đây cũng chính là căn bệnh của các chung cư hiện nay. Nó khiến túi tiền của nhà đầu tư càng lúc càng đầy và đẩy nỗi bất bình của người dân sống trong chung cư lên đỉnh điểm, đến mức họ phải liên kết lại, không chỉ cư dân trong chung cư mà còn với các chung cư cùng cảnh ngộ khác để đấu tranh với các ông chủ đầu tư muốn hưởng lợi nhiều lần (một lần khi bán căn hộ, lần khác là khai thác những căn hộ mà mình đã bán).
An cư mà chưa lạc nghiệp. Đó là nỗi niềm của những người mua chung cư để sống hiện nay. Để có mức phí “lạc nghiệp”, họ đòi hỏi được tự mình quản trị, điều hành lấy các loại dịch vụ trong chung cư. Thế nhưng “điều ước” này cũng khó thành vì các ông chủ đầu tư không muốn nhả quyền quản lý độc tôn của mình, vì sợ mất lợi ích. Trong khi đó chính quyền lại chưa làm hết trách nhiệm với đời sống của người dân ở chung cư. Mua chung cư để ở là xu hướng hiện đại và tương lai của hàng triệu người dân đô thị, thế mà cho tới giờ này những quy định ràng buộc có tính pháp lý để bảo vệ người dân sống trong chung cư cũng chưa rõ ràng. Như tại TP.HCM, chỉ với khung giá phí dịch vụ trong chung cư thôi, vậy mà mấy năm rồi vẫn chuẩn bị chưa xong để ban hành, nói gì đến những quy định cao hơn, thậm chí một bộ luật về chung cư.
Cứ thế, nhà đầu tư tiếp tục đắc thắng trong cuộc chiến giành quyền quản lý chung cư, chính quyền thì mãi loay hoay với các quy định chưa thành hình, còn cư dân chung cư thì cứ tiếp tục “khóc”!
NGUYỄN VỸ DU/ TTO
Tin đã đăng
- Thủ tục đầu tư: Một cửa nhưng... có khóa
- Tiếp tục khống chế tín dụng với bất động sản
- TP.HCM: Giá thực phẩm giảm mạnh
- Honda Việt Nam cầu cứu Chính phủ
- Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất đối với doanh nghiệp Nhật
- Doanh nghiệp gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn
- "Ôtô, điện thoại sang nhất thế giới đều có tại Việt Nam"
- Chính phủ phải có bàn tay sạch
- Đề nghị thanh tra toàn diện hệ thống ngân hàng thương mại
- Bóc mẽ đất "suất ngoại giao", "phần quan hệ"