Lục bình sông Vàm Cỏ Đông, nguồn lợi chưa được khai thác
Cây lục bình (Eichhornia crassipers) là loài cỏ đa niên, là thực vật thủy sinh, sinh sản rất nhanh, xâm lấn các dòng chảy chính.
Hiện nay, lục bình đang xâm lấn khu vực sông Vàm Cỏ Đông làm tắc dòng chảy, cản trở sự đi lại của thuyền bè và gây khó khăn cho hầu hết các hoạt động trên sông.
Nhằm góp phần làm giảm tình trạng trên và tận dụng được các tiềm năng vốn có của cây Lục Bình, tôi xin cung cấp một số thông tin để bà con và quý độc giả tiện tham khảo.
Đặc điểm sinh trưởng và công dụng
Lục bình còn gọi là bèo tây, bèo Nhật Bản, bào sen. Lá đơn, lá mọc thành hoa nhị, cuống xốp phồng lên thành phao nổi khi còn non, trưởng thành cuống thon dài. Hoa lưỡng tính không đều, màu xanh tím nhạt, cánh hoa có một đốm vàng. Cây thân cỏ sống lâu năm, nổi trên mặt nước hay bám dưới bùn, rễ dài và rậm. Kích thước cây thay đổi tuỳ theo môi trường có nhiều hay ít chất màu, sinh sản bằng con đường vô tính. Từ các nách lá, đâm ra những thân bò dài và mỗi đỉnh thân bò cho một cây mới, sớm tách khỏi cây mẹ để trở thành một cá thể độc lập. Ao, hồ, đầm nước lặng nhiều màu thì lục bình phát triển rất nhanh, có thể cho 150 tấn chất khô /héc ta/năm.
Lục bình có những công dụng như trồng làm cảnh
Rễ bèo phơi khô làm vật liệu để chèn lót rất tốt, có sức đàn hồi cao, chịu được các hoá chất thông thường và ít bị nát vụn. Ở Nhật Bản người ta dùng lục bình để làm giấy và ép thành một thứ bìa nhẹ và cứng, dùng lục bình làm thuốc, chống ô nhiễm nguồn nước, có khả năng cung cấp năng lượng: cho lên men bằng vi khuẩn…
Lục bình thuộc nhóm thức ăn xanh, chứa hầu hết các acid amin không thay thế, giàu vitamin, khoáng đa lượng và vi lượng. Có thể sử dụng lục bình cho gia súc khi thiếu thức ăn xanh. Lượng chất khô thấp (6-7%), lượng xơ cao (trên 200g/kg), khoáng tổng số cũng cao (180 – 190g/kg chất khô) nên giá trị năng lượng thấp (1800 – 1900 Kcal) ứng với 7.6 – 8.0 Mj/1 kg chất khô (Nguyễn Văn Thưởng, 1992).
Sử dụng lục bình trong sản xuất thủ công mỹ nghệ
Hiện nay, nghề đang lục bình đã phát triển mạnh ở đồng bằng sông cửu long, đặc biệt ở các tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp – phát triển nghề này đã tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho các hộ thuần nông. Do đó, cây lục bình cũng được khai thác mạnh để cung cấp nguồn nguyên liệu cho sản xuất. Các nghiên cứu đánh giá và phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả có sự tham gia của nông dân cho thấy việc khai thác cây lục bình đã tạo thu nhập tăng thêm đáng kể cho nông hộ. Tỉnh An Giang được tổ chức Joint Grass-Root Fukuoka (Nhật Bản) tài trợ từ năm 2005, cung cấp kỹ thuật khai thác lục bình, cung cấp nguyên với sản lượng nguyên liệu thô cho thị trường sản xuất hàng TTCN từ lục bình, nhưng sản lượng này chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường này. Trong thời gian tới, nếu dự án phát triển tốt Joint Grass-Root Fukuoka cam kết sẽ hỗ trợ sản xuất lục bình và thành lập hợp tác xã sản xuất và se sợi lục bình nhằm cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở đan thủ công mỹ nghệ và xuất khẩu trực tiếp cho khách hàng nước ngoài, kết hợp đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động địa phương. Đây là cách phát triển sinh kế hiệu quả giúp những nông hộ thụ hưởng từ dự án ổn định sản xuất, tăng thu nhập và phát triển bền vững.
Sử dụng Lục bình làm phân hữu cơ
Lục bình cũng có thể ủ làm phân hữu cơ để giảm chi phí sản xuất, an toàn cho môi trường và người sử dụng. Ủ phân hữu cơ này khá đơn giản, dễ thực hiện. Bà con có thể chọn nền đất bằng phẳng, trải bạt hoặc vật dụng không thấm khác để lót nền, rải một lớp nguyên liệu lục bình với chiều cao từ một tấc đến vài tấc. Sau đó, tưới một lớp mỏng dung dịch chế phẩm sinh học TRICO-ĐHCT (đã được hòa tan với lượng nước thích hợp), rồi trải lên trên một lớp nguyên liệu lục bình làm phân. Cứ một lớp nguyên liệu lại tưới một lớp dung dịch, làm khoảng 1m3. Sau đó, đậy kín đống ủ bằng bạt và đảo đều trong thời gian 6 tuần. Cuối cùng, tưới dung dịch có chứa các vi khuẩn cố định đạm, hòa tan lân vào, đảo đều và tiếp tục ủ khoảng 2 tuần là sử dụng được. So với cách ủ theo tập quán của nông dân, phương pháp này giúp phân trong thời gian ủ không có mùi hôi khó chịu, không mất chất dinh dưỡng và có thời gian ủ ngắn hơn.
Sử dụng Lục bình làm thức ăn gia súc
Nông dân tận dụng nguồn lục bình sẵn có ở địa phương và phụ phẩm của trồng trọt như tấm, cám, kết hợp với thức ăn công nghiệp chất lượng cao để tạo ra hỗn hợp thức ăn có giá thành thấp mà có hiệu quả để nuôi heo, nhằm tăng tính ngon miệng và giảm chi phí thức ăn. Lục bình được sử dụng để làm thức ăn cho chăn nuôi bò, dê, heo, ở dạng tươi, ủ chua hay nghiền thành bột lá. Khi sử dụng để nuôi heo, nên lấy những cây còn non, vì cây già có nhiều chất xơ. Trong trường hợp thiếu thức ăn xanh như mùa đông thì có thể sử dụng lục bình già nhưng phải băm nhỏ, giả nát, nấu chín trộn với thức ăn khác. Để nâng cao giá trị làm thức ăn của lục bình, người ta ủ lục bình lên men chua bằng cách phơi nắng rồi ủ chua theo tỉ lệ 4 lục bình 1 mật đường làm thức ăn cho heo là kinh tế hơn, giảm được chi phí dùng mật đường, dự trữ được nhiều ngày.
Đinh Trần
Tin đã đăng
- Việt Nam - Điểm du lịch trăng mật lý tưởng cho khách Tây Ban Nha
- CEO Việt Nam kết nối vì cộng đồng
- Sẽ có công ty máy bay "taxi"
- Đầu tư xây dựng đường cao tốc ITA – Long An
- TPHCM: KCN Tân Tạo dẫn đầu thu hút đầu tư
- Đầu tư 50 triệu USD xây dựng phim trường đầu tiên tại miền Trung
- Nhịp sống Cao Viên
- Tìm thế đứng trong thời hội nhập của doanh nghiệp nhỏ
- Chòng chành sự nghèo nơi bãi chim
- 1,3 tỷ USD vào Khu công nghệ cao TP.HCM