Quá chậm trễ
Gần 1 tuần đã trôi qua kể từ khi Thủ tướng Chính phủ đề nghị NHNN tìm cách giảm lãi suất nợ cũ cho doanh nghiệp, vẫn chưa thấy đơn vị này có động thái gì cụ thể để thực hiện chủ trương trên.
Giảm lãi vay nợ cũ có thể khẳng định, quan trọng hơn cả việc hạ lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước vừa mới thực hiện. Bởi việc này sẽ lập tức có tác dụng hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) đang trong tình trạng cực kỳ khó khăn hiện nay.
Chúng ta đều biết, những khoản vay cũ với lãi suất (LS) cao gấp đôi, thậm chí gấp ba so với lãi vay hiện hành mới chính là gánh nặng khiến các DN không thể xoay xở, không thể mở rộng đầu tư và rất nhiều trong số đó phải chấp nhận “chết”. Vì vậy, nếu không giải quyết được gánh nặng nợ cũ, việc hạ LS sẽ không có nhiều ý nghĩa. Điều này đã được minh chứng, trong suốt thời gian qua LS dù đã giảm, các chương trình cho vay ưu đãi từ các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng liên tục được tung ra nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn hết sức ì ạch. Từ mức "âm" trong 2 tháng đầu năm, đến tháng 3 vừa rồi tín dụng mới chỉ tăng 0,01%. Mức tăng này, theo nhận xét của Thủ tướng "mới chỉ ngoi lên mặt đất một tí". Bản thân các NHTM cũng thừa nhận, tình hình cho vay vẫn hết sức khó khăn... Tất cả biểu hiện này cho thấy, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế không còn, các DN đã kiệt sức.
Sự cấp thiết của việc giảm lãi vay nợ cũ là điều không cần phải bàn cãi; về chủ trương, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo cụ thể; về pháp lý, theo luật Thống đốc NHNN có quyền cho NHTM vay và định mức lãi suất phù hợp với tình hình kinh tế... Điều kiện cần và đủ đều có nhưng trong khi DN như ngồi trên đống lửa, nền kinh tế có nguy cơ đối mặt với tình trạng thiểu phát thì vẫn chưa thấy bất cứ động thái nào của NHNN về việc cụ thể hóa yêu cầu của Chính phủ.
Đáng nói là, sự chậm trễ, phản ứng thiếu linh hoạt, luôn đi sau thực tế thị trường của đơn vị này thể hiện rất nhiều lần trong suốt giai đoạn nước sôi lửa bỏng của nền kinh tế những năm vừa qua. Còn nhớ cách đây 2 năm, khi tăng trưởng tín dụng bắt đầu chậm lại, tồn kho tăng cao, DN không tiếp cận được vốn..., bản thân NHNN cũng biết rõ nguyên nhân do lãi vay các khoản nợ cũ quá cao.
Nhưng thay vì sử dụng chức năng, quyền hạn của mình để kịp thời điều tiết, đơn vị này lại chỉ "kêu gọi" các NHTM giảm xuống 15%. Kết quả là đến tận lúc này, vẫn có tới gần 6% DN phải chịu lãi vay trên 15%. Tương tự, việc điều hành LS của NHNN cũng luôn đi sau thực tế thị trường. Mới đây nhất là việc giảm LS đầu vào từ 7% xuống 6% nhưng trước đó, hàng loạt NHTM đã áp dụng mức, thậm chí với mức thấp hơn, chỉ 5%. Hiện LS ưu đãi của NHNN cũng cao hơn rất nhiều so với gói cho vay ưu đãi của một số NHTM...
Số lượng DN chết vẫn tăng lên, CPI đã giảm bất thường, những giải pháp kích cầu bất lực trước sự yếu đi của sức mua... Thực trạng hiện nay không cho phép sự chậm trễ và thiếu quyết liệt trong giải pháp và thực thi.
Thủ tướng sốt ruột chỉ đạo, người dân và DN sốt ruột chờ đợi... Không lẽ NHNN vẫn cứ đủng đỉnh?
Theo Nguyên Hằng
Thanh niên
Tin đã đăng
- Hấp thụ vốn của nền kinh tế còn ở mức thấp
- Lại nói chuyện doanh nghiệp dân doanh bị phân biệt đối xử
- TPHCM xây dựng nông thôn mới: 1 đồng của nhà nước bỏ ra huy động được 33 đồng của xã hội
- Ông lớn độc quyền điều hành thị trường điện cạnh tranh?
- Việt Nam xuất siêu sang Mỹ gần 3 tỉ USD
- Giật mình với thực phẩm quen thuộc bị nhiễm chì
- TP.HCM điều chỉnh quy hoạch xây dựng đến năm 2025
- TP.HCM huy động kiều hối được gần 1 tỉ USD
- Nông dân chờ, doanh nghiệp chưa vội
- TP.HCM ưu tiên phát triển dự án có quy mô từ 500 ha trở lên