“Quyền lực” của VAMC
Chỉ còn hơn 2 tuần nữa, Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sẽ chính thức thành lập và đi vào hoạt động theo nội dung của Nghị định 53/2013/NĐ-CP đã được Thủ tướng phê duyệt.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây cũng đã công bố dự thảo Thông tư quy định về việc mua, bán, xử lý nợ xấu của VAMC, dự kiến có hiệu lực cùng với Nghị định 53 là ngày 9/7/2013, trong đó hướng dẫn chi tiết hơn về hoạt động của VAMC.
Theo nội dung dự thảo, VAMC sẽ có một loạt các vai trò, nghĩa vụ nhằm giúp quá trình xử lý nợ xấu của nền kinh tế diễn ra nhanh chóng, quyết liệt hơn và là công cụ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động của các TCTD. Nhìn ở một góc độ khác, VAMC cũng có những “quyền lực đặc biệt” mà các công ty xử lý nợ khác phải “thèm khát”.
Quyền của VAMC
Đầu tiên là VAMC được chọn nợ để mua. Không giống như các AMC của ngân hàng, VAMC đưa ra tiêu chí rõ ràng về việc mua nợ. Theo đó, công ty này chỉ mua các khoản nợ xấu có giá trị từ 3 tỷ đồng trở lên với tổ chức và 1 tỷ đồng trở lên với cá nhân; khách hàng vay phải còn tồn tại; khoản vay đó phải có khả năng thu hồi, phải có trên 65% giá trị tài sản đảm bảo là bất động sản và đó còn phải là khoản vay “sạch” tức phải hợp pháp và không có tranh chấp.
Thứ hai, VAMC có quyền yêu cầu TCTD bắt buộc phải bán nợ. Nếu các TCTD có nợ xấu từ 3% trở lên không bán nợ cho VAMC thì NHNN sẽ vào cuộc thanh tra một phần hoặc toàn diện. Sau thanh tra, nếu phát hiện ra TCTD cố tình giấu nợ thì đầu tiên là buộc TCTD đó phải bán nợ, tiếp đến NHNN cũng có thể yêu cầu TCTD phải tăng vốn điều lệ; phải áp dụng một số tỷ lệ an toàn cao hơn quy định; có giới hạn tăng trưởng tín dụng; hạn chế hoạt động, chia cổ tức, cổ phần, chuyển nhượng tài sản và tái cơ cấu bắt buộc.
Hiện nay, theo số liệu của thanh tra NHNN, có khoảng 30 TCTD đang thuộc diện bị buộc phải bán nợ cho VAMC.
Tỷ lệ “ăn chia” của VAMC dù chỉ ở mức 2% trên tổng số tiền thu hồi được, tuy nhiên số tiền thu được mỗi năm khoảng 60 -160 tỷ đồng (dự kiến xử lý được 80.000 – 100.000 tỷ đồng nợ xấu trong 5 năm) sẽ bù được các chi phí liên quan hàng năm, coi như VAMC không mất chi phí hoạt động.
VAMC ngoài ra còn được áp dụng các cơ chế tài chính đặc thù về tiền lương, thưởng và không phải dự phòng cho các khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt. VAMC cũng không áp dụng quy định về đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước.
“Con nợ” được gì?
Theo nội dung của dự thảo, các khách hàng hay “con nợ” cũng sẽ có những lợi ích riêng khi thuộc diện bán nợ cho VAMC.
Đầu tiên đó là họ được cơ cấu lại nợ. Các khách hàng vay sẽ được giãn nợ, gia hạn nợ, được giảm lãi suất về mức trung bình của các NHTMNN (hiện dưới 13%/năm). Được biết, các khoản nợ rơi vào nợ xấu đều có lãi suất rất cao, phổ biến trên dưới 20%/năm.
Các khách hàng cũng được hỗ trợ bằng cách cho vay vốn hoặc bảo lãnh cho vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Tiếp đến, VAMC cũng có thể giảm hoặc miễn lãi quá hạn thanh toán mà khách chưa có khả năng trả nợ. Đây là nội dung vô cùng quan trọng, giúp cho khách hàng giảm được gánh nặng đáng kể, vốn là nguyên nhân cơ bản khiến cho họ rơi vào tình trạng vỡ nợ do lãi quá hạn thường ở mức rất cao, có khi lên gấp rưỡi hoặc gấp đôi so với lãi gốc.
Lợi ích của TCTD bán nợ
Nhiều ý kiến cho rằng, các ngân hàng không mấy mặn mà với việc VAMC ra đời bởi họ sẽ phải gồng mình trả nợ khi mỗi năm phải trích lập dự phòng rủi ro 20% cho khoản nợ đã bán. Tuy nhiên, trên thực tế các TCTD có nợ xấu cao hầu hết đều trông chờ vào sự có mặt của VAMC để các khoản nợ xấu được xử lý nhanh hơn và sớm trở lại quỹ đạo phát triển bình thường.
Theo dự thảo, các TCTD sẽ được VAMC ủy quyền cho thực hiện xử lý nợ xấu. Điều này có nghĩa trong một số trường hợp, VAMC chỉ giữ vai trò giám sát, còn việc xử lý nợ xấu vẫn do các TCTD thực hiện và tránh được những xáo trộn về hoạt động.
Sau khi tiến hành bán nợ cho VAMC, TCTD có thể sử dụng trái phiếu đặc biệt đó để mang lên NHNN cầm cố và vay tái cấp vốn với một mức lãi suất theo quy định của NHNN, thường là ưu đãi hơn so với lãi suất thông thường.
Các ngân hàng bán nợ cũng sẽ được một khoản lợi không nhỏ đó là tiền thu hồi nợ gửi tại ngân hàng bán nợ và không tính lãi, không được thanh toán trước thời điểm đáo hạn trái phiếu đặc biệt. Hiện tại, tiền gửi liên ngân hàng kỳ hạn 1 năm đang hưởng lãi suất khoảng 8%/năm.
Với những quyền lợi trước mắt như vậy, VAMC được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu cho nền kinh tế, giúp làm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng. Theo thống đốc Nguyễn Văn Bình, ngay trong năm nay, VAMC có thể giúp nền kinh tế xử lý được từ 45.000 – 70.000 tỷ đồng nợ xấu và đưa tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống về mức an toàn là dưới 3% vào năm 2015.
Theo Thành Hưng/ Trí Thức trẻ
Tin đã đăng
- Đề xuất xây dựng ngân hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa
- 24 ngân hàng lỗ trong 5 tháng đầu năm
- Cảng Vân Phong sẽ gỡ “gánh nặng” cho Vinalines
- Một tập đoàn Mỹ muốn đầu tư vào sân bay Cam Ranh
- Ngày 20/6, chào thầu 1 tấn vàng
- Thuế thu nhập doanh nghiệp còn 22% từ 1/1/2014
- 8 ngân hàng hỗ trợ 1.200 tỷ đồng cho doanh nghiệp nhỏ
- Viettel sẽ đầu tư sang Hoa Kỳ
- Mở rộng cánh đồng mẫu lớn để tăng chất lượng gạo
- Tăng trưởng tín dụng: 3/4 con đường trước mặt