“Sóng lớn” nhân sự
Ngành NH hiện nay không chỉ được dự báo sẽ khủng hoảng thừa nhân sự mà còn đang có biến động lớn về nhân lực ở cả với NHTM lớn và NHTM nhỏ, cả với nhân sự cao cấp lẫn nhân viên NH cấp thấp.
Từ đầu năm đến nay nhiều NHTM đã công bố thay tổng giám đốc (CEO) và nhiều lãnh đạo cao cấp khác. Lý do thay có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là có sự đổi chủ NH. Đơn cử, VietABank đã có CEO mới ông Phạm Duy Hiếu sinh năm 1978 thay cho ông Phạm Duy Hưng, NH này cũng đã thay chủ tịch HĐQT mới là ông Phạm Hữu Việt thay cho ông Đỗ Công Chính (đại diện vốn của SJC) trước đây.
Theo đó, ở VietABank cũng đã xuất hiện nhiều gương mặt mới lãnh là lãnh đạo dàn khung đa phần đều rất trẻ. Đại hội cổ đông mới đây của OCB cũng đã thông qua việc bầu ông Trịnh Văn Tuấn giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT OCB thay cho ông Nguyễn Quang Tiên và bầu ông Nguyễn Đình Tùng giữ chức vụ Quyền Tổng giám đốc OCB.
Ông Tùng từng giữ chức Phó Tổng giám đốc VIB, Phó Tổng giám đốc Maritime Bank, đồng thời là Phó Chủ tịch HĐQT của MeKong Bank. TienPhong Bank cũng vừa bầu ông Đỗ Minh Phú làm Chủ tịch HĐQT.
Ông Phú hiện là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI (cổ đông chiến lược TienPhong Bank), với tỷ lệ sở hữu vốn đến 20%. Ông Đỗ Anh Tú, Tổng giám đốc Diana, em trai ông Phú cũng được bầu làm ủy viên HĐQT TienPhong Bank.
Đặc biệt, sau đại hội cổ đông vài ngày, cuối tuần qua Sacombank đã chính thức thay CEO. Cụ thể, kể từ ngày 1-6 ông Phan Huy Khang, hiện là Phó Tổng giám đốc, tạm thời giữ chức vụ Quyền Tổng giám đốc, thay thế ông Trần Xuân Huy.
Trước đó, ông Khang cũng được bầu bổ sung làm thành viên HĐQT Sacombank nhiệm kỳ 2011-2015. Ông Khang từng là CEO Southern Bank. Còn ông Trần Xuân Huy hiện là Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank. Các bộ phận quan trọng khác của Sacombank cũng có sự thay đổi.
Theo đó, bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh thôi giữ chức Trưởng phòng Kế toán kiêm Kế toán trưởng, thay vào đó là ông Huỳnh Thanh Giang. Nhìn vào cơ cấu HĐQT Sacombank cho thấy phần lớn các thành viên chủ chốt đều đến từ Southern Bank và Eximbank.
Dự kiến, Sacombank sẽ còn có nhiều thay đổi trong thời gian tới. Một cán bộ Sacombank tiết lộ hiện nay có làn sóng chảy nhân sự từ SouthernBank sang Sacombank, trong khi đó nhiều nhân sự cao cấp lẫn cấp trung của Sacombank cũng đã chuyển sang các NHTM khác như Techcombank, Bản Việt…
Trước đại hội cổ đông vài tháng hầu như ngày nào NH này cũng có quyết định mới về bổ nhiệm, thay vị trí các dàn khung lãnh đạo bậc trung. Theo vị cán bộ này, trước đại hội nhóm cổ đông mới cam kết sẽ kế thừa những giá trị, con người của Sacombank nhưng thực tế họ đang có kế hoạch “thay máu” với danh nghĩa đổi mới để hoạt động hiệu quả hơn…
Một phó tổng giám đốc NH cổ phần cho biết năm nay hệ thống NHTM đang có sự khủng hoảng thừa nhân sự, nhất là khi xu hướng hợp nhất, sáp nhập đang âm ỉ, chuẩn bị diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới. Nhiều lãnh đạo từ phó tổng giám đốc trở lên ở những NH nhỏ đã lo đón đầu “nhảy” sang NH khác khi biết NH cũ sẽ có sự thay đổi lớn về nhân sự sau khi hợp nhất, sáp nhập.
Đặc biệt, do từ đầu năm đến nay NHNN đang tạm ngưng cấp phép mở rộng mạng lưới hoạt động nên nhiều NHTM thừa nhân sự bậc trung và thấp. Đơn cử, lãnh đạo một NH cổ phần lớn có trụ sở chính ở TPHCM thừa nhận trong quá trình tái cơ cấu nhân sự NH từ cuối năm ngoái đến nay NH đang dư ra 200 nhân viên do kế hoạch mở rộng mạng lưới bị đình trệ. Trước áp lực chi phí lương bổng, NH này đưa ra quy chế trong 3-6 tháng nhân viên NH không hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh sẽ bị sa thải.
Có thể thấy sự thay đổi về nhân sự ở hệ thống NHTM hiện nay về phương diện nào đó là quy luật tất yếu và tích cực trong lộ trình tái cấu NH, nhưng “biến động” lớn về nhân sự cũng đang khiến hiệu quả hoạt động của không ít NH bị ảnh hưởng.
Đặc biệt, những lãnh đạo cao cấp của NH này đi qua NH khác thường kéo luôn những khách hàng VIP qua. Hơn nữa, không loại trừ người mới là những CEO hay dàn khung lãnh đạo phải mất thời gian khá dài để hiểu hết về bộ máy vận hành của NH, từ đó mới có chiến lược quản trị hiệu quả và an toàn.
Bên cạnh đó, sự biến động nhân sự liên tục trong hệ thống NHTM thời gian qua đã dẫn đến ngành NH hiện nay không còn “hot” với lương cao và cơ hội thăng tiến như những năm trước đây.
Theo Thanh Thiên
Sài Gòn đầu tư
Tin đã đăng
- Đi nhanh để tránh tụt hậu
- Đan Mạch hủy 3 dự án viện trợ cho Việt Nam vì nghi án “gian lận”
- Bàn cách đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng: Dè chừng “dục tốc bất đạt”
- Công ty tài chính có thể “kết hôn” với ngân hàng
- Ngân hàng đang treo cá gỗ
- Trình Quốc hội đề án tái cơ cấu kinh tế để làm gì?
- Doanh nghiệp xi măng đứng trước nguy cơ phá sản
- Hàng loạt doanh nghiệp thủy sản sắp phá sản: Sụp đổ dây chuyền
- Giãn thuế cho doanh nghiệp
- Gặp anh nông dân “ném” tiền xuống biển