Tín dụng ì ạch
Gần hết nửa chặng đường của năm 2014 nhưng tín dụng trong hệ thống ngân hàng vẫn chưa đạt số lẻ mà mục tiêu đầu năm đề ra. Khi sức khỏe của các doanh nghiệp chưa được cải thiện, các ngân hàng đang dần chuyển hướng tín dụng vào cá nhân.
Ngân hàng và doanh nghiệp đều thận trọng
Theo Ngân hàng (NH) Nhà nước chi nhánh TP.HCM, tín dụng tháng 6 của các NH trên địa bàn chỉ tăng 0,65% so với tháng 5, tính chung 6 tháng tín dụng tăng 1,32% so với cuối năm 2013. So với mục tiêu tăng từ 12 - 14% trong năm nay mà ngành NH đề ra thì tốc độ tăng trưởng này rất chậm.
Doanh nghiệp (DN) có phương án kinh doanh hiệu quả đã có thể tiếp cận được lãi vay 6 - 7%/năm, tương đương với lãi vay của các DN thuộc đối tượng ưu tiên. Còn lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường từ 9 - 10%/năm đối với vay ngắn hạn và 10,5 - 12%/năm đối với cho vay trung và dài hạn. Dù lãi vay đã giảm khá mạnh nhưng cho vay vẫn hết sức khó khăn. Lý giải việc này, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, dù nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục nhưng nợ xấu khiến các NH đưa ra các tiêu chuẩn khắt khe nên DN khó vay. Ngược lại, do sản xuất trì trệ, sức mua yếu, khả năng sinh lời chưa nhiều nên các DN cũng ngại vay. Nói chung, cả hai phía đều thận trọng hơn trong việc cho vay và đi vay.
Nhận xét này trùng khớp với kết quả điều tra xu hướng kinh doanh mà Tổng cục Thống kê mới công bố. Theo đó, trong 8.100 công ty tham gia khảo sát, tỷ lệ DN đang vay vốn để sản xuất kinh doanh là 49,5% tính đến cuối tháng 3; Hơn 50% DN còn lại không vay trong đó hơn 70% do không có nhu cầu và 22,9% cho rằng thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian; 18,8% DN cho rằng lãi suất quá cao; 15,7% DN có khả năng huy động vốn từ các nguồn khác; 14,4% DN không đủ tài sản để thế chấp; 7,8% cho rằng vốn tự có để đối ứng không đáp ứng yêu cầu của NH; 6,4% cho rằng phải trả thêm chi phí khác ngoài lãi suất.
Như vậy có thể thấy, các DN vẫn rất thận trọng trong việc mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh để tránh rủi ro. Họ vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng vào sự hồi phục của kinh tế trong nước và thế giới.
“Thông” tín dụng cá nhân
Khi tín dụng dành cho DN khó khăn, các NH chuyển hướng vào tín dụng cá nhân, hộ kinh doanh, tiểu thương. Các sản phẩm cho vay sản xuất kinh doanh, mua nhà, mua ô tô, tiêu dùng... được triển khai rầm rộ với lãi suất, thời gian ngày càng hấp dẫn hơn. Trước đây, cho tiểu thương ở chợ vay vốn chỉ được một số NH triển khai thì nay khá nhiều NH tham gia cạnh tranh ở phân khúc này.
Theo báo cáo thị trường tài chính tiêu dùng của Công ty cổ phần truyền thông tài chính (Stoxplus), tổng quy mô thị trường năm 2013 đạt gần 8,8 tỉ USD, tăng 15% so với năm 2012. Các khoản vay này bao gồm cả các khoản vay thế chấp, các khoản vay mua nhà ở, mua xe ô tô, xe gắn máy, thiết bị nhà bếp, thẻ tín dụng... Theo chuyên gia Đinh Thế Hiển, thị phần cho vay tài chính cá nhân với những khoản vay nhỏ theo hình thức tín chấp trước nay gần như không thấy sự tham gia của các NH. Họ chỉ tập trung cho vay mua nhà, mua ô tô... với mức cho vay thấp nhất cũng vài trăm triệu đồng, các khoản vay hầu hết đều có tài sản thế chấp. Thị trường cho vay theo phân khúc “ngách” với những khoản vay nhỏ, thủ tục hồ sơ nhanh gọn theo hình thức trả góp hiện nay gần như rơi vào các công ty tài chính, đặc biệt công ty tài chính nước ngoài.
Tuy nhiên, do tín dụng DN khó khăn, 2 năm trở lại đây, các NH cũng đã bắt đầu chuyển sang phát triển cho vay tài chính cá nhân. Trào lưu công ty tài chính sáp nhập với NH đang diễn ra rầm rộ. Năm 2013, NH TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) mua lại Công ty tài chính Việt-Société Générale (SGVF) và đổi tên thành Công ty tài chính HDFinance; NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) mua lại Công ty tài chính than khoáng sản Việt Nam (CMF); NH TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) dự kiến mua lại một công ty tài chính... Theo ông Đinh Thế Hiển, sự tham gia của các NH vào lĩnh vực tài chính tiêu dùng cá nhân sẽ tạo cho lãi suất vay cá nhân cạnh tranh hơn, người tiêu dùng tiếp cận được mức lãi suất thấp hơn.
Thanh Xuân/ Thanh Niên
Tin đã đăng
- Việt - Nhật tiếp tục đối thoại về phòng ngừa tham nhũng ODA
- Công nghiệp phát tín hiệu phục hồi nhanh
- Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư
- Ngân hàng tái điều chỉnh chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp
- Luật phải quán triệt “được kinh doanh những gì không cấm”
- TP.HCM vận động bỏ giấy phép đầu tư nước ngoài
- TP.HCM nỗ lực mở rộng cửa cho nhà đầu tư
- Việt Nam là lựa chọn hàng đầu của các tập đoàn đa quốc gia
- Giám sát thị trường tài chính, thiếu “nhạc trưởng”
- Thủ tướng chỉ đạo tăng cường độc lập, tự chủ về kinh tế