itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Tin tức / Hãy cứu sông Mekong!

Hãy cứu sông Mekong!

Ngư dân Thái Lan bắt cá trên sông Mekong.

Đó là thông điệp của bức thư kiến nghị mà hơn 200 tổ chức và các nhà hoạt động bảo vệ môi sinh từ 30 nước trên thế giới gửi đến trước thềm Hội nghị thường niên khai mạc hôm nay 15-11 tại Siem Riep (Campuchia).

Tham gia hội nghị có Ủy ban sông Mekong (MRC- gồm 4 thành viên là Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam) và nhóm các nhà tài trợ (Ngân hàng Thế giới, Mỹ, Nhật Bản, Australia, một số nước châu Âu). Thư kiến nghị yêu cầu MRC thực thi ngay các biện pháp hữu hiệu và thiết thực nhằm bảo vệ môi sinh tại khu vực hạ lưu của sông Mekong, vốn đang bị đe dọa ảnh hưởng nghiêm trọng do các công trình thủy điện.
Theo kế hoạch, thời gian tới sẽ có 6 dự án xây dựng đập ngăn nước được triển khai tại khu vực hạ lưu dòng sông, trải dài ở 3 nước dọc sông Mekong là Lào, Thái Lan và Campuchia. Các dự án đã được cấp phép từ 10 năm trước, nhưng việc thi công đã bị trì hoãn vì lý do tài chính và bị phản đối vì sẽ gây tác hại lớn cho môi sinh. Nếu việc xây đập thành hiện thực, hàng chục ngàn cư dân phải rời nhà cửa, khoảng 1.300 loài thủy sinh với nhiều loại cá cực hiếm có nguy cơ biến mất.
Giáo sư Surichai Wun’gaeo, Giám đốc Viện nghiên cứu xã hội thuộc Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), nhấn mạnh rằng đối với hàng triệu cư dân ven sông Mekong, các công trình thủy điện sẽ hạn chế quyền đánh bắt cá, gây ảnh hưởng lớn đến nguồn thực phẩm và kế sinh nhai của họ.

Theo các tổ chức bảo vệ môi trường, nhiệm vụ quan trọng của MRC bây giờ là khuyến cáo chính phủ các nước về các mối nguy hại nghiêm trọng khi triển khai các dự án xây dựng đập nước trên sông Mekong.
Ngoài ra, MRC cũng cần thông tin đầy đủ đến các cư dân ven bờ Mekong về những thiệt hại mà họ phải gánh chịu, đồng thời lên kế hoạch thống nhất để bảo vệ các lợi ích chính đáng của các cư dân ven bờ sông Mekong. Là một trong những con sông có hệ động thực vật phong phú nhất trên thế giới, sông Mekong bắt nguồn từ vùng cao nguyên Tây Tạng, dài khoảng 4.880km, chảy qua lãnh thổ 6 nước là Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Myanmar, Thái Lan và Campuchia.

Theo SGGP