Hoa Kỳ công nhận Kosovo
Hoa Kỳ đã chính thức công nhận Kosovo là một quốc gia có chủ quyền, trong lúc hàng ngàn dân chúng Serbia đã biểu tình tại Belgrade để chống lại động thái của Kosovo.
Một ngày sau khi Kosovo tuyên bố độc lập và được Hoa Kỳ ủng hộ, thì chính phủ Serbia đã triệu hồi đại sứ từ Washington về nước trong một hành động trả đũa.
Tại Liên Hiệp Quốc, tổng thống Serbia ông Boris Tadic đã thúc giục Hội Đồng Bảo An hãy hủy bỏ bản tuyên bố độc lập của Kosovo, mà ông coi là một hành động vi phạm luật quốc tế.
Pháp cũng đã công nhận nền độc lập của Kosovo, một tỉnh của nước Serbia mà từ lâu nay đã đòi ly khai.
Một số nước hàng đầu trong Liên Hiệp Âu châu cũng nói rằng họ sẽ làm như vậy.
Tuy nhiên, Tây Ban Nha và một số nước trong Liên Hiệp Âu châu nói rằng sẽ không công nhận Kosovo như là một quốc gia.
Họ mô tả động thái này như là một sự vi phạm luật quốc tế có tiềm năng sẽ khuyến khích các lãnh thổ đòi ly khai.
Thổ Nhĩ Kỳ công nhận Kosovo
Các phái viên nói rằng hành động này có một sức tượng trưng mãnh liệt bởi vì từ bao thế kỷ nay đế chế Ottoman đã thống trị vùng Balkan, bao gồm nước Serbia hiện nay và Kosovo.
Albania, nước đã ủng hộ mạnh mẽ cộng đồng ngưòi Albania tại Kosovo, cũng đã công nhận quốc gia mới này.
Trái lại, Moldova, hiện nay có gặp nhiều xáo trộn vì quân đòi ly khai trong vùng xuyên Dniester, nói rằng họ sẽ không công nhận nền độc lập của Kosovo.
Hôm qua, toàn thể dân biểu Kosovo đã đồng lòng bỏ phiếu muốn độc lập và đã khiến cho mọi người có mặt trong hội trường vỗ tay tán đồng.
Tại thủ đô Pristina, từng hàng dài người đã đứng dọc theo hai bên đường từ sáng sớm, và khi tin này được loan đi, người dân đã tỏ ra vui mừng.
Pháo đã nổ rền vang và cũng có nhiều tiếng súng ăn mừng cũng đã được bắn chỉ thiên.
Sau đó, một lá cờ mới của Kosovo được trưng ra trên đó có vẻ một bản đồ Kosovo và sáu ngôi sao, mỗi ngôi sao tượng trưng cho một nhóm sắc tộc chính.
Trong một cuộc họp báo, Thủ tưóng Kosovo, ông Hashim Thaci, đã ngỏ lời cám ơn cộng đồng quốc tế đã ủng hộ độc lập và ông đã hứa rằng Kosovo sẽ là một quốc gia dân chủ gồm nhiều chủng tộc.
Ông cũng đã thúc giục người Serbia, vốn là cộng đồng thiểu số, hãy tham gia vào việc xây dựng đất nước mới, sau khi họ được bảo đảm nhiều quyền lợi.
Trong lúc đó có tin nói rằng tại thành phố Mitrovica ở phía bắc của Kosovo, mà đa số dân là người sắc tộc Serbia, đã có một vài lựu đạn đã được ném vào hai trụ sở, một của LHQ và tòa nhà kia dược cho là trụ sở tương lai của Liên hiệp Âu châu.
Đám đông tuyên bố "Kosovo là trái tim của nước Serbia" trong lúc bị cảnh sát mặc sắc phục chống bạo động tấn công.
Các nhân vật chính trị tại Serbia đã thống nhất chống lại các diễn biến tại Kosovo.
Thủ tướng Serbia, ông Vojislav Kostunica, đã tố cáo tuyên bố độc lập của Kosovo là không hợp pháp.
Một vài thống kê
Được biết, dân số của Kosovo hiện nay là hai triệu người. Người sắc dân Albania chiếm đa số. Người Serbia chiếm 10%.
Kosovo từng được đặt dưới sự kiểm soát của Liên hiệp quốc từ khi NATO đẩy lui các lực lượng quân sự của Serbia ra khỏi đây vào năm 1999.
Sau đó, Liên minh Châu Âu đã đưa một lực lượng gồm 2.000 người vào tiếp quản sự kiểm soát của Liên hiệp quốc, trong khi NATO vẫn tiếp tục đảm bảo an ninh cho lãnh thổ này.
Các nhà lãnh đạo cao cấp của Kosovo theo kế hoạch sẽ đi đến một phòng thể thao lớn sau đó trong ngày, nơi Dàn nhạc Thính phòng Kosovo sẽ trình bày bản giao hưởng của nhà soạn nhạc người Đức nổi tiếng Beethoven có tên gọi "Ode to Joy", tụng ca niềm vui.
Bản đồ phân bổ sắc dân Albania và người Serbia tại Kosovo |
Theo BBC
Tin đã đăng
- Pakistan bắt đầu kiểm phiếu
- Tajikistan khủng hoảng năng lượng
- Kosovo tuyên bố độc lập
- 80 người chết vì bom ở Afghanistan
- Serbia không muốn Kosovo độc lập
- Điều tra vụ sát hại bà Bhutto đạt bước đột phá
- Đan Mạch in lại biếm họa Muhammad
- Nga đe dọa hướng hỏa tiễn sang Ukraina
- TQ và Nga đề xuất cấm vũ khí vũ trụ
- Mỹ buộc tội sáu nghi phạm 11/9