Kỳ VI: Lang thang ngoại ô
Đường xa, nhưng bù lại phong cảnh nơi đây rất đẹp. Những khu rừng, triền đồi, cánh đồng, vườn cây, làng xóm trải miên man qua cửa xe, tưởng chừng như bất tận.
Cả tuần ở bên này đi lại thật khủng khiếp. Bình quân mỗi ngày phải đi chừng 300-400 km. Cũng may đường xá tốt, không có cảm giác xa như ở nhà. Thành thử nếu không thấy online ở khách sạn, không phải giờ ngủ, bữa ăn và không ra phố thì chắc chắn lúc ấy tôi đang ở trên xe. Sang đây là đi và đi, và ăn uống, gặp gỡ, đặc biệt là rất ít ngủ.
Những cánh đồng lúa mì |
Buổi chiều đầu tiên đi liền một mạch từ Praha về Ot, khoảng 400 km, chỉ trong vòng gần 3 tiếng đồng. Xe chạy êm ru trên những làn đường phân luồng rất quy củ. Séc không rộng lắm, dân cư nhà cửa thưa thớt, đường xá cực dễ đi. Thế nên sang được gần một tuần thì tôi đã rong ruổi hết từ đông sang tây, từ bắc xuống nam, từ nông thôn về thành phố. Đi nhiều thế nhưng không thấy mệt, lại còn tranh thủ chụp ảnh mọi nơi mọi lúc nếu có thể. Đường xa, nhưng bù lại phong cảnh nơi đây rất đẹp. Những khu rừng, triền đồi, cánh đồng, vườn cây, làng xóm trải miên man qua cửa xe, tưởng chừng như bất tận. Lúc thì là những triền lúa bát ngát, trải một sắc vàng nâu màu mỡ của mùa sắp thu hoạch. Lúc là những rừng thông, rừng bạch dương trập trùng, lúc lại là những làng xóm, thị trấn hiện ra với những ngôi nhà như trong tranh vẽ. Có lúc bắt gặp cả một cánh đồng hoa hướng dương vàng rực, rồi những cánh đồng hoa cải (những loại cây này dùng chủ yếu để lấy tinh dầu, không phải để nấu canh cải cá rô hay lấy hạt hướng dương để…cắn như ở ta). Hoặc những vườn táo trĩu quả, chín đỏ ối không người hái. Lại có những thành phố nhỏ, thị trấn mơ màng dưới những hàng dương. Có những thành phố lớn và hiện đại hơn với những nhà cao tầng san sát. Tôi thích những vẻ đẹp này. Mặc dù đô thị Séc chắc chắn không thuộc những đô thị hiện đại nhất trên thế giới. Ở đây, trừ Praha, cảm gíac ở đâu và thứ gì cũng có vẻ đẹp ổn thỏa mênh mang vừa phải, không quá hoành tráng, không quá cao lớn, không quá diễm lệ nguy nga…
Ngôi làng nhỏ ngoại ô Ostrava |
Thế nên dù ngồi trên xe, cổ tôi lúc nào cũng đeo cái máy ảnh, tranh thủ nhìn và chụp như lấy được. Vì chắc chắn những góc nhìn này khó có cơ hội để trở lại nhìn ngắm lần thứ hai. Chụp khi xe dừng, khi xe đi chậm, thậm chí ngay cả khi xe chạy tớ cũng cố chụp với tốc độ đặt lên đến 400. Những ngày về sau đi về phía Bắc, cảnh đẹp hơn nhưng nhiệt tình cũng phần nào giảm, tôi chỉ chụp những lúc dừng xe hoặc lúc nào thấy thực hứng thú.
Buổi sáng khi còn ở Ostrava, thường dậy sớm, tranh thủ đi bộ lang thang xung quanh khách sạn. Gọi là xung quanh nhưng có khi đi đến cả gần 2 cây số mới về, tất nhiên không quên đem theo máy ảnh. Séc mùa hè mặt trời mọc sớm, lại chỉ thực sự hoàng hôn vào lúc 9h tối, nên cảm giác ngày ở đây dài kinh khủng, làm được bao nhiêu là việc. Ánh sáng đẹp nên ảnh chụp cũng được nhiều. Tất nhiên không phải lúc nào cũng chụp được ảnh. Vì tôi cũng phải đi làm một số công việc chung là mục đích chính của chuyến đi. Đi làm việc cũng phải đi, xe đi 20km mới đến, về cũng thế. Đi ăn tối: 20km. Đi uống bia 10km. Đi uống cà phê: 15km, đi xem chợ người Việt trong vùng: 40km. Ở nhà mà thế thì ngại lắm. Nhưng ở đây thấy rất bình thường, chỉ đi 15-20 phút là đến nơi, ăn uống xong lại về, thấy vẫn còn sớm sủa, lại đi tiếp. Một anh lái xe kiêm hướng dẫn viên người Việt ở đây lâu năm đoàn nhờ được khá nhiệt tình, có thể đi mọi nơi mọi lúc. Anh ta nhiệt tình đến mức còn gạ mọi người đi thêm chỗ nọ chỗ kia… thành thử bây giờ quan niệm đi 40-50 km là gần lắm. Cũng may chi phí ăn ở và đi lại không phải lo nghĩ vì đã được người khác lo hộ. Giá cả ở đây cũng ko đắt đỏ gì mấy, và có người sắp xếp đảm bảo hay, ngon bổ rẻ… Thế nên đi 100 km cũng thường, 200 km cũng đi ngay…
Cánh đồng hướng dương |
Đi xa không ngại, 2 ngày sau thì chúng tôi được mời cái là đi liền. Mặc dù tiệc rượu ở cách Koprivince những hơn 300 km. Bữa tiệc rượu được diễn ra ở một hầm rượu trong một ngôi làng cổ vùng Moravia ngay biên giới Séc và Slovakia, do bạn Tiệp phía công ty đối tác mời. Gọi theo kiểu mình thì cũng gần như đi uống rượu dân tộc, và tiệc rượu được bày ngay cửa cái hầm rượu có tuổi đời hơn 800 năm. Đây là một cái hầm rượu truyền thống (được bảo quản hàng chục đời theo kiểu gia truyền) với hàng trăm các loại rượu mà dù chủ hầm cố mời, chúng tớ cũng không làm sao mà nếm hết được. Chúng tôi vào thăm hầm, nhưng không được phép chụp ảnh. Cái hầm lạnh và tối tăm, nhưng có mùi vang ngào ngạt. Đủ các loại thùng, chai, hũ, phễu thủy tinh, bình đo, bình lọc… chum lọ gì đấy xếp như trong một xưởng thủ công. Có thùng được khắc rõ năm sản xuất 1847, 1930… và ông chủ hầm nông dân rất tự hào giới thiệu những thùng rượu đã có hàng trăm năm tuổi. Mặc dù bữa tiệc chỉ có duy nhất một bàn, nhưng có hẳn một ban nhạc đồng quê phục vụ những bài nhạc dân ca Tiệp, có violon, violoncen, piano, kèn… và hát phối bè rất rộn ràng, ăn ý, rất phiêu… Có lò sưởi đốt củi cháy bập bùng cả tối. Những bài dân ca này khiến mấy bạn Tiệp đứng hết cả lên nhảy múa rồi hát theo và chúng tôi chỉ có nước ngồi và lắc theo như kiểu ngồi ở sàn nhảy. Cuối cùng thì cũng nhờ được một bạn Tiệp năn nỉ giùm cho chụp ảnh cái hầm rượu bên trong. Bạn Tiệp đi vào mươi phút sau ra, nháy nhẹ tôi vào, anh bạn thầm thì: “Tôi phải nói với ông chủ hầm là cậu ở mãi Việt Nam sang họ mới cho chụp đấy, nhưng chỉ một mình cậu thôi”. Tôi biết ý lẻn ngay vào trong và bấm được vài chục phát. Cái hầm mốc này thì không biết ông chủ kia giữ làm gì nhỉ?
Thị trấn tỉnh lẻ |
Ăn tối xong lúc 10h trời cũng mới vừa tắt nắng. Chúng tôi về ngay trong đêm, chạy xe thêm vài tiếng là về đến Koprivince. Lại thêm vài tiếng tranh thủ gà gật, vì rượu uống vào người ngợm lâng lâng rất phê. Xe về gần đến Ot thì hai ba anh già trên xe đổi hướng nói chuyện về chủ đề đi xài hàng Tây. Anh lái xe hưởng ứng nhiệt tình. Chuyện này không chỉ dừng lại ở nói, thế nhưng tôi chưa thể nói chuyện này ngay ở đây được. Đaị khái là xe về đến khách sạn cũng hơn 3h sáng. Các bác nhà ta hể hả ra trò.
Cánh đồng đã thu hoạch và những cuộn rơm. |
Những ngày sau cứ thế mà đi. Lên Karlovary 600 km. Đi biên giới Chev cũng gần thế. Đi chợ người Việt ở Chev (chợ này có tên là Thăng Long), ở Praha 4 (chợ này tên là Sa Pa), chợ Đông Đô. khu thương mại Chodov… Rồi đi đủ các nơi anh Việt kiều lái xe kia cho rằng hay, cần đi cho biết. Đi cho đến khi các anh già trong đoàn thấy chán và mệt thì tôi đi một mình với anh lái xe. Thậm chí khi không có anh lái xe, 11h đêm ở Praha tôi lẻn ra ngoài khách sạn mua vé đi thử Metro một vòng. Xong về quảng trường, bảo tàng chụp ảnh đêm tiếp. Chả thấy có gã đầu trọc nào. Chỉ thấy ở đâu cũng rất bình an. Và khách du lịch thì có nhan nhản ở khắp nơi ở Praha, đi lại thăm thú chơi bời suốt đêm vô cùng hào hứng.
Chả biết đi đêm lắm có ngày gặp… ma hay không. Nhưng cứ nghĩ rồi chắc sẽ hiếm có cơ hội quay lại, lại vác cái máy ảnh ra ngoài và đi bộ hoặc leo lên xe. Về đến phòng thì tranh thủ xem ảnh, blogging và .. post ảnh. Và sau đó thì ngồi tính xem, hỏi người ta xem có nơi nào cần đến… Những ngày này tôi cực ít ngủ… Không ngủ thì chẳng có mơ mòng gì cả. Chỉ có những con đường vàng rực hướng dương hiện ra.
Đang ở trong những ngày cuối của chuyến đi. Cũng sắp phải xa nơi này rồi…
(Còn nữa…)
Kỳ VII: Praha - Những ngày cuối
Phạm Trung Kiên