Dưa hấu
Dưa hấu là loại trái cây gắn liền với tết, thông dụng trong mọi gia đình. Dưa hấu còn được sử dụng với nhiều chức năng khác nhau: thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm.
Dưa hấu (Citrullus lanatus) là một loài thực vật thuộc họ bầu bí (Cucurbitaceae). Dưa hấu có vỏ cứng, chứa nhiều nước (98%), có nguồn gốc từ miền nam châu Phi. Tại Mỹ, người ta sử dụng dưa hấu ngâm giấm như một loại gia vị. Theo một số nghiên cứu thì việc ăn dưa hấu đều đặn sẽ làm cơ thể nhẹ nhõm, thân hình mảnh mai, thon thả. Thành phần lycopen có thể ngăn ngừa một số bệnh ung thư ở tuyến tiền liệt, trực tràng và làm giảm nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim. Một khẩu phần 200g dưa hấu có thể cung cấp 25% nhu cầu hằng ngày về vitamin C.
Nước ép dưa hấu với chanh, mật ong, kèm theo một chút rượu hoa quả là thức uống giải khát giàu dinh dưỡng, có công dụng bồi bổ, nhuận trường, thông tiểu tiện. Ngoài ra, dưa hấu cũng có thể kết hợp với nước mía và đường phèn để thành nước tăng lực tự nhiên rất tốt.
Một số trường hợp hạn chế
Không phải lúc nào dưa hấu cũng bổ và có lợi cho cơ thể bạn. Những người bệnh và một số trường hợp sau đây nên hạn chế ăn dưa hấu.
Tiểu đường: dưa hấu chứa 5% các loại đường gluco, glucozo, sucroza và một số loại đường khác, do đó ăn dưa hấu làm tăng lượng đường máu.
Chức năng thận kém: nếu ăn nhiều dưa hấu sẽ gây ra tình trạng hấp thụ nước mà không kịp đào thải, thể tích máu tăng cao, gây ra chứng phù nhanh.
Viêm loét dạ dày: dưa hấu có tác dụng lợi tiểu, nếu ăn nhiều dưa hấu có thể làm cho toàn bộ phần nước cần thiết để phục hồi chỗ viêm loét bị đào thải ra ngoài, tình trạng bệnh thêm kéo dài.
Trước và ngay sau bữa ăn: thành phần nước trong dưa hấu có thể làm loãng dịch tiêu hóa trong dạ dày, ăn trước và ngay sau bữa ăn có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ tiêu hóa thức ăn.
Người bị lạnh bụng không nên ăn nhiều dưa hấu vì đây là loại thực phẩm sống và nguội, ăn nhiều có thể gây ra kém ăn, tiêu hóa không tốt, dễ làm chướng bụng.
Chọn và bảo quản
Chọn trái nặng tay, vỏ như sáp và bóng láng. Vỗ nhẹ lên vỏ nghe tiếng kêu đầy. Một vết vàng trên vỏ thường là dấu hiệu dưa vừa chín tới. Nên chọn trái nguyên vì dưa đã xẻ không đảm bảo độ tươi và vệ sinh. Bảo quản ngay trong tủ lạnh bởi nhiệt độ sẽ làm tăng quá trình chín và dưa trở nên có bột, xốp. Sau khi xẻ nên bọc kín lại và để nhẹ tay vì mặc dù có vỏ dày nhưng dưa hấu lại dễ bị dập.
Minh Quân/TNO