Chứng khoán chực chờ lao dốc

Nhiều khả năng chỉ số VN Index sẽ bị đánh xuống không thương tiếc, thậm chí trong trọn 5 phiên giao dịch của tuần này. Tất nhiên, HNX sẽ không là một ngoại lệ trong bối cảnh chung.

TTCK đã vừa trải qua một tuần lễ có giá trị ngang bằng với thất bại. Vì sao thế?

Cơ cấu 4 phiên giảm trong khi chỉ có một phiên tăng điểm đã phản ánh rõ nhất thế bế tắc không cưỡng lại được của thị trường. Cho dù khối lượng và giá trị giao dịch có trội hơn tuần trước nữa, nhưng điều này là hoàn toàn dễ hiểu bởi phiên bật mạnh đầu tuần trước đã khơi dậy khá nhiều kỳ vọng cho nhà đầu tư về tương lai hồi phục của thị trường sau khi đón nhận những tin tức tốt lành về giảm lãi suất.

Nhưng chính xác, giảm lãi suất đã đến từ "phương thức" tin đồn. Phát xuất từ ngày cuối tháng 11 và tồn tại trong vài ngày sau đó, luồng thông tin này đã nhanh chóng bị dập tắt, không chỉ bởi xác nhận của một vài quan chức thuộc Ngân hàng Nhà nước, mà còn do khá nhiều ý kiến "bất ngờ" xuất hiện trên các diễn đàn và báo chí trong tuần qua, nghiêng về quan điểm chưa nên nới lỏng tiền tệ và do đó chưa nên hạ lãi suất.

Những động thái liên quan đến lãi suất, dù có bao hàm tính hoài nghi tự thân của nó hay không, cũng đã mau chóng làm cho tâm lý nhà đầu tư nguội lạnh. Đáng kể hơn, có lẽ tâm lý của nhóm tạo lập thị trường cũng không còn mấy hào hứng để đưa chỉ số vào một con sóng như đã từng như thế vào giai đoạn từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 9/2011.

Phép thử lãi suất, hay nói cách khác là phép thử với tin đồn về lãi suất đã trôi qua, chỉ để lại một dấu ấn nho nhỏ. Ít nhất, thị trường đã không hề phản ứng tích cực với xu hướng giảm lãi suất.

Còn chuyện lãi suất có được thực giảm hay không và khi nào được kéo giảm lại đang trở nên mù mờ một cách đầy khó hiểu. Như thông báo của Văn phòng chính phủ sau phiên họp thường kỳ Chính phủ vào đầu tháng 12, "quả bóng" được đặt vào chân của Ngân hàng Nhà nước, giảm bao nhiêu và vào lúc nào là do cơ quan này "sút".

Nếu cứ căn cứ theo logic diễn biến của luồng dư luận về hoạt động sáp nhập ngân hàng và những ý kiến liên quan đến chủ đề nới lỏng tín dụng, có thể chưa mấy hy vọng rằng lãi suất huy động sẽ được Ngân hàng nhà nước cho giảm ngay trong tháng 12 này.

Mà lãi suất huy động không được giảm thì lãi suất cho vay càng có cớ để duy trì ở vùng "giá" cao, cho dù khá nhiều ngân hàng lớn nhỏ vẫn đang trong tình trạng ứ vốn, còn đại đa số doanh nghiệp vẫn chưa thể "tiếp cận được nguồn vốn vay giá rẻ".

Đối với TTCK, điều hiển nhiên nhất hiện thời là hầu như không thể có hy vọng nào cho triển vọng lãi suất cho vay giảm sẽ kéo theo luồng tiền từ ngân hàng chảy vào khu vực cổ phiếu. Nếu có chăng, khả năng hiếm hoi này chỉ xảy ra trong năm sau. Còn trước mắt, cho dù lãi suất cho vay có được giảm về vùng 16-18% đối với phi sản xuất thì cầm chắc là chỉ có rất ít nhà đầu tư dám gồng mình vay mượn ngân hàng để thảy vào "thùng không đáy".

Chỉ còn lại một chút cơ sở cho kỳ vọng về dòng tiền bổ sung vào TTCK. Đó là một chỉ thị mới đây được Chính phủ ban hành liên quan đến một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường bất động sản.

Trên danh nghĩa là về bất động sản, nhưng với nội dung chỉ đạo trong chỉ thị này về việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có biện pháp cho vay phù hợp với tình hình thực tế, cũng nhu xét đến nhu cầu một lượng vốn từ ngân hàng cần được giải phóng ngay để đắp bồi cho những dự án căn hộ đang bị đắp chiếu từ ít nhất nửa năm qua, nhà đầu tư chứng khoán có thể hy vọng rằng Ngân hàng trước hay sau, và có lẽ không bao lâu nữa, sẽ thực hiện một động tác dứt khoát nào đó liên quan đến chủ đề lãi suất.

Thế nhưng cái hy vọng cho TTCK lại phản ánh thêm một sự khó khăn nữa cho nó. Cần nhắc lại rằng từ cuối tháng 5/2011, TTCK và thị trường bất động sản đã nằm trong danh sách cần được Chính phủ cho uống thuốc trụ sinh chính sách. Tuy nhiên cho đến nay, tiếp sau một vài động thái "giải cứu" ban đầu, chính thị trường bất động sản lại nhận được sự ưu ái trước, thể hiện qua Chỉ thị số 2196 ngày 6/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong khi đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn loay hoay với đề án tái cấu trúc khối công ty chứng khoán. Ngoài thông tin về thuế thu nhập cá nhân đối với nhà đầu tư chứng khoán có thể được giảm đến 50% cho cả năm 2012, nhà đầu tư chưa có thêm cơ sở nào để có thể kỳ vọng thị trường sẽ hồi phục trong một sớm một chiều.

Trong hơn hai tuần qua, chỉ số chứng khoán vẫn tiếp tục trôi trượt theo kiểu Hy Lạp - một dạng thái mà chúng tôi đã nêu ra cách đây không lâu như một dự báo trung hạn cho TTCK.

Đà trôi trượt như thế vẫn chưa có điểm dừng. Khối ngoại vẫn bán ròng, các cổ phiếu có vốn hóa siêu lớn vẫn bị làm giá, nhóm cổ phiếu nhỏ và siêu nhỏ vẫn tiếp tục hạ giá mạnh và ngày càng sa chân vào vùng mất thanh khoản. Không chỉ cổ phiếu mà ngay cả những công ty chứng khoán có vượt qua được năm 2011 cũng đang không biết làm sao để có thể trụ được đến giữa năm sau...

Phía trước không còn thông tin gì tích cực, ít ra trong tuần này. Lãi suất giảm - hy vọng duy nhất có thể làm cho thị trường phục hồi vài ba phiên - gần như sẽ không còn mang tính động lực cho thị trường tạo sóng tăng vài chục phần trăm.

Trong khi đó, sự kiện nguy hiểm nhất của thị trường lại đến từ chỉ số VNI, khi cuối tuần qua chỉ số này đã chính thức phá ngưỡng 380 điểm và cũng đồng thời phá đáy cũ đã thiết lập vào giữa tháng 8/2011.

Trong quan điểm nhìn nhận của chúng tôi từ lâu nay, mặc dù việc dao động của VNI không có ý nghĩa gì lớn vì phụ thuộc phần lớn vào sự làm giá của các cổ phiếu siêu lớn, nhưng những trải nghiệm về chỉ số này từ cuối năm 2010 đến nay đã cho chúng ta nhiều cơ sở để dự báo về một tuần thất bại của thị trường trong tuần này.

Theo đó, nhiều khả năng chỉ số VNI sẽ bị đánh xuống không thương tiếc, thậm chí trong trọn 5 phiên giao dịch của tuần này - một hệ quả từ việc nó đã được kéo ngang trong hơn 2 tuần trước đó. Tất nhiên, HNX sẽ không trở thành một ngoại lệ trong bối cảnh chung.

Theo VEF

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as