Chứng khoán: Khi nào lấy lại đà tăng?

Theo các chuyên gia, do thị trường tiêu thụ chưa được cải thiện, chi phí vốn còn ở mức cao khiến nhà đầu tư chưa mạo hiểm mua vào cổ phiếu.

Khá nhiều thông tin tốt đã xuất hiện nhưng thị trường chứng khoán vẫn chưa thể bật lên. Trong ngắn hạn, thị trường cũng khó có thể lấy lại đà tăng mà nguyên nhân, theo các chuyên gia là do thị trường tiêu thụ chưa được cải thiện, chi phí vốn còn ở mức cao khiến nhà đầu tư chưa mạo hiểm mua vào cổ phiếu.

Nhà đầu tư không “mặn mà” với thông tin hỗ trợ

Khá nhiều thông tin tích cực đã xuất hiện trong thời gian qua. Cụ thể là việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự kiến thành lập công ty mua bán nợ với tổng giá trị nợ xấu được giải quyết là 100.000 tỷ đồng. Kế đó là thông tin Chính phủ định hướng nới lỏng chính sách tiền tệ, phấn đấu tăng trưởng tín dụng trung bình 2%/tháng cho đến cuối năm. Cuối cùng có thể kể đến thông tin chi tiêu công có thể giải ngân hàng tháng là 21.000 tỷ đồng so với mốc 66.000 tỷ đồng trong cả 5 tháng đầu năm.

Như vậy dư địa cung tiền từ chính sách tiền tệ và tài khóa nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm rất lớn. Tuy nhiên, có vẻ như các nhà đầu tư đã bị “trơ” với tin tốt và bằng chứng là thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 6 vừa qua diễn ra khá “tẻ nhạt”, chỉ dao động trong biên độ hẹp, quanh vùng 410-440 điểm đối với VN-Index và 70-77 điểm đối với HNX-Index.

Theo các chuyên gia, sở dĩ có tình trạng trên là do bối cảnh thế giới vẫn còn hết sức khó khăn. Dòng vốn ngoại tiếp tục rút ra khỏi các thị trường mới nổi trước diễn biến nóng lên của vấn đề nợ công châu Âu. Tại Việt Nam, dòng tiền tiếp tục rút ra khỏi TTCK trong tháng từ 14/5-13/6/2012 là 43 triệu USD, đưa lượng vốn vào Việt Nam tính từ đầu năm giảm 20,8 triệu USD. Động thái bán ròng của NĐTNN trong bối cảnh lực cầu yếu đã tác động không nhỏ đến thị trường chung.

Cùng với đó, các chuyên gia cũng cho rằng thị trường tuy đón nhiều tin tốt, song kinh tế vĩ mô trong nước chưa có nhiều cải thiện, tỷ lệ hàng tồn kho còn ở mức cao, tốc độ tăng trưởng còn thấp, dư nợ tín dụng tính đến tháng 6 vẫn chưa tăng trưởng so với năm 2011 cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục trong tình trạng khó khăn.... Với diễn biến này, Quý II tiếp tục là quý khó khăn đối với doanh nghiệp.

Chưa thể tăng ngay

Cuối tháng 6, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục giảm 1% đối với các loại lãi suất chủ chốt; lãi suất đối với các khoản vay vốn Nhà nước cũng được Bộ Tài chính điều chỉnh giảm mạnh. Điều này cũng có nghĩa là các giải pháp cả về tiền tệ và tài khóa tiếp tục được đẩy mạnh nhằm tháo gỡ hai nút thắt cho tăng trưởng là thị trường tiêu thụ thu hẹp và chi phí vốn ở mức cao. Mặc dù Chính phủ đã thực hiện chính sách tài khóa nới lỏng, tăng cường chi tiêu công để giải quyết vấn đề này, nhưng cần có thêm thời gian để thấy được kết quả thực tế của chính sách.

Trên thực tế, mức lãi suất cho vay đối với lĩnh vực khuyến khích hiện tại vào khoảng 12-13%, đang tiến đến mức lãi suất doanh nghiệp có thể chịu đựng được. Tuy nhiên trên thực tế, không nhiều doanh nghiệp có thể tiếp cận được mức lãi suất hấp dẫn này. Chi phí vốn vay trung bình hiện tại vẫn khoảng 17%/năm do đó, trong thời gian tới, lãi suất vẫn tiếp tục là gánh nặng đối với doanh nghiệp.

Thị trường tiêu thụ chưa được cải thiện, chi phí vốn còn ở mức cao khiến nhà đầu tư chưa mạo hiểm mua cổ phiếu. Các chuyên gia cho rằng, có 2 kịch bản có thể xảy ra trong tháng 7. Kịch bản lạc quan hơn, thị trường sẽ phản ứng tích cực với vùng hỗ trợ, tiếp tục xu hướng dao động tích lũy, chờ đợi tín hiệu tích cực hơn về vĩ mô. Ở kịch bản thứ 2, thị trường cần giảm xuống mốc điểm hấp dẫn hơn nhằm thúc đẩy lực cầu, trước khi tăng điểm trở lại. Ngưỡng hỗ trợ của thị trường trong kịch bản này là khoảng 395 điểm đối với VN-Index; 66 điểm đối với HNX-Index.

Theo Hà Linh
Báo GTVT

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as