Động lực thị trường ở đâu?

Bên lề một hội nghị, giám đốc đầu tư một trong những quỹ lớn nhất Việt Nam được hỏi rằng “Bao giờ thị trường lên?”. Câu trả lời là “Chờ bàn tay Chính phủ”. Nội dung vị giám đốc quỹ muốn chuyển tải là chỉ khi nào Nhà nước nới rộng hầu bao, thị trường mới xanh bền vững.

Trò chuyện với ĐTCK về chiến lược của quỹ thời điểm này, vị giám đốc cho hay, với những DN chủ chốt trong danh mục, nếu tăng vốn, quỹ vẫn tham gia, nhưng mua bán trên thị trường thứ cấp thì tạm dừng. Hành động đứng ngoài của các quỹ là một trong những lý do khiến thanh khoản của thị trường những phiên gần đây giảm mạnh.

Cũng câu chuyện về sức cầu, tổng giám đốc một DN sản xuất thép nói, DN hiện trông chờ vào khách hàng tiêu thụ lớn nhất: các công trình sử dụng vốn ngân sách, vốn đầu tư công. Nói một cách gián tiếp là trông chờ vào tiền nhà nước.

Tại sao từ lãnh đạo những quỹ đầu tư nước ngoài năng động nhất đến các DN tư nhân quy mô lớn đều có tâm lý trông chờ vào bầu sữa nhà nước? Câu trả lời có nhiều, nhưng được tập trung viện dẫn là chính sách chưa rõ ràng, khiến DN và nhà đầu tư thiếu định hướng để đưa ra một kế hoạch dài hạn.

Lấy ví dụ về chính sách đưa vốn ra thị trường. Trần lãi suất huy động đã hạ xuống 9%/năm, ngân hàng dồi dào vốn, những dự đoán và nhận định về con số "khủng" tín dụng, có thể lên đến 200.000 tỷ đồng, sẽ được bơm vào nền kinh tế trong nửa cuối năm 2012 liên tục được đưa ra. Nhiều người tin rằng, từ tháng 7, cơ chế giải phóng tín dụng bắt đầu được thực thi. Con số tín dụng mà nền kinh tế nhận được hàng tháng có thể vào khoảng 21.000 tỷ đồng, chưa kể con số đầu tư công rất lớn dự kiến giải ngân từ nay đến cuối năm. Nhìn lại gói kích cầu năm 2009 có giá trị 143.000 tỷ đồng, con số trên có quy mô lớn hơn nhiều.

Tuy nhiên, trên thực tế, khó có thể dùng mệnh lệnh hành chính để buộc các ngân hàng đưa vốn ra thị trường. Bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT HDBank cho hay, có DN đưa cả dự án lớn, trụ sở trên khu đất vị trí đẹp vào làm tài sản đảm bảo để vay vốn. Tuy nhiên, khi ngân hàng thẩm tra hồ sơ, hiệu quả hoạt động của DN quá kém, trong khi tài sản dự định dùng để đảm bảo thì DN phải “chia năm, xẻ bảy” quyền sử dụng với nhiều nơi. Do vậy, ngân hàng đã từ chối cho vay.

Vị chủ tịch này cũng phàn nàn về quan điểm cho rằng, ngân hàng quá chặt chẽ với DN khiến dòng vốn ách tắc. Dư vốn, muốn cho vay nhưng hơn ai hết, các ngân hàng cổ phần phải lấy yếu tố an toàn làm trọng. Nếu các ngân hàng chưa thực sự cảm thấy an toàn thì chính sách giải phóng tín dụng không thể đi vào thực tế. Và khi không thể tiếp cận vốn, DN vẫn liêu xiêu thì gói hỗ trợ miễn giảm thuế 29.000 tỷ đồng cũng không còn ý nghĩa. Vậy nên, có thể nói, nếu giữa cam kết và thực hiện còn khoảng cách thì kỳ vọng tái tạo sức bật cho các DN và nền kinh tế cũng rất mơ hồ.

Trở lại với TTCK, dù sắc xanh đã trở lại trong phiên cận cuối tuần này, nhiều NĐT vẫn cho rằng tư thế ngủ đông còn tái diễn, xu hướng giảm điểm vẫn đang giữ vai trò chủ đạo và hồi phục có diễn ra cũng chỉ được xem là một nhịp “nảy” mang tính kỹ thuật rất ngắn hạn để chờ động thái chính sách rõ ràng hơn.

Theo Người quan sát
ĐTCK

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as