Những khoản lợi nhuận bất ngờ

Trong tình cảnh khó khăn như hiện nay, DN báo lỗ là việc hết sức bình thường. Thế nhưng, lại có không ít DN đang trong tình trạng thua lỗ bỗng dưng thoát hiểm nhờ những khoản lợi nhuận bất ngờ.

Việc CTCP Đầu tư tổng hợp Hà Nội (SHN) công bố lợi nhuận quý II sau soát xét đạt 7,7 tỷ đồng đã khiến các cổ đông đang nắm giữ CP của DN này hết sức bất ngờ.

Trước đó, SHN công bố thua lỗ trong quý II hơn 23 tỷ đồng do chi phí tài chính gấp 3 cùng kỳ (61 tỷ đồng): chi phí lãi vay chiếm 17,8 tỷ đồng, lỗ đầu tư CK ngắn hạn 24,5 tỷ đồng, dự phòng giảm giá đầu tư dài hạn 17,4 tỷ đồng và chi phí khác hơn 1,4 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 17%.

Thế nhưng, theo báo cáo tài chính sau soát xét, SHN vừa nhận được một khoản rất lớn do đối tác bồi thường vi phạm hợp đồng mà giới đầu tư nói đùa là: “Tiền trời cho”. Được biết, tháng 3-2011 SHN ký hợp đồng hợp tác đầu tư với CTCP Beta (Bộ Quốc phòng) về việc hợp tác đầu tư dự án Thanh Hà.

Theo thỏa thuận, SHN đã chuyển cho CTCP Beta 38 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 6-2011, CTCP Beta lại có công văn gửi SHN đề nghị chấm dứt hợp đồng hợp tác đầu tư này. Với việc đơn phương phá vỡ hợp đồng, CTCP Beta phải trả lại cho SHN phần góp vốn 38 tỷ đồng và lãi vay hơn 2,6 tỷ đồng. Ngoài số tiền này, CTCP Beta cũng phải bồi thường cho SHN 35 tỷ đồng do vi phạm hợp đồng.

CTCP Mirea (KMR) cũng vừa công bố giải trình việc lợi nhuận quý II tăng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái (tăng 243%). Theo ông Shin Young Sik, Tổng giám đốc KMR, lợi nhuận tăng bất thường là nhờ đánh giá chênh lệch tỷ giá tại thời điểm 30-6 của các khoản mục phải thu của khách hàng, trả trước người bán và khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ được hơn 8,7 tỷ đồng.

Nhờ khoản chênh lệch này, lợi nhuận sau thuế của KMR đạt hơn 8,5 tỷ đồng (tăng 6 tỷ đồng so với cùng kỳ). Nếu không có sự biến động về ngoại tệ, KMR đã bị nằm trong danh sách các doanh nghiệp thua lỗ ngay trong quý II vừa qua.

Tương tự là trường hợp của CTCP Sông Đà 909 (S99), từ chỗ lợi nhuận quý II lỗ đến 4,8 tỷ đồng, đã được chuyển thành lời hơn 622 triệu đồng sau soát xét.

Theo giải trình của ông Phan Văn Hùng, Tổng giám đốc S99, do doanh thu xây lắp công trình thủy điện Sơn La (hạng mục gia cố mái đào và thu dọn lòng kênh) tại thời điểm lập báo cáo kết quả kinh doanh quý II mới tạm hạch toán doanh thu theo khối lượng hoàn thành trước ngày 30-6 theo đơn giá tạm tính.

Tuy nhiên, đến ngày 22-7, đơn vị mới ký xong phiếu thanh toán khối lượng xây lắp hoàn thành với chủ đầu tư và giá trị phiếu lớn hơn giá tạm tính. Do đó, khi lập báo cáo bán niên, S99 hạch toán bổ sung phần doanh thu còn thiếu, dẫn đến doanh thu thuần tăng hơn 3,4 tỷ đồng.

Dù không nằm trong tình trạng thua lỗ như các doanh nghiệp nêu trên, nhưng Tổng CTCP Phân bón và Hóa chất dầu khí (DPM) cũng may mắn có thêm khoản lợi nhuận đáng kể trong quý II vừa qua. Theo DPM, kết quả kinh doanh quý II-2011 tăng đến 60% so với cùng kỳ do giá bán phân urea kỳ này tăng 35% so với cùng kỳ năm trước, nên doanh thu và lợi nhuận tăng tương ứng.

Ngoài ra, do lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng tăng 30% so với cùng kỳ làm cho hoạt động tài chính từ lãi tiền gửi tăng lên tương ứng. Được biết, doanh thu thuần của DPM đạt hơn 2.504 tỷ đồng (tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước), lợi nhuận sau thuế đạt 821,4 tỷ đồng (tăng 61,7 % so cùng kỳ năm trước).

Theo Hải Hồ

Sài Gòn đầu tư tài chính

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as