Tiền chạy

Lãi suất tiết kiệm giảm khiến dòng tiền tiết kiệm đang chuyển dần sang các kênh đầu tư khác khiến nhiều ngân hàng (NH) bắt đầu lo lắng thiếu hụt thanh khoản.

Tiền tiết kiệm bỏ ngân hàng

Cuối tháng 5, Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh và Xứ Wales (ICAEW) đưa ra báo cáo nhấn mạnh các nhà đầu tư quốc tế đã quyết định bơm tiền vào thị trường chứng khoán Đông Nam Á, trong đó chứng khoán Việt Nam tăng hơn 10% (tính đến thời điểm tháng 3/2013).

Làn sóng đầu tư của khối ngoại đẩy giá trị cổ phiếu tăng vọt đã hấp dẫn các nhà đầu tư nội địa tham gia. Điều này khiến khối ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần trong nước không khỏi lo lắng khi chứng kiến dòng tiền tiết kiệm đang chuyển hướng.

Theo Cục Thống kê TP.HCM, số dư tiền gửi tiết kiệm từ dân cư trên địa bàn thành phố trong tháng 5 giảm 5% so với tháng 4/2013. Cụ thể, số liệu dự ước của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại TP.HCM cho thấy, huy động vốn toàn địa bàn đến ngày 23/5 tăng 0,8% so với đầu tháng 5/2013, trong đó tiết kiệm từ dân cư cùng thời điểm chỉ tăng 0,79%.

Một lãnh đạo NHNN xác nhận, tiền gửi tiết kiệm dân cư tại 14 NHTM cổ phần tại thành phố trong tháng 5/2013 có giảm sau khi một số NH lớn giảm lãi suất huy động. Mặc dù mức lãi suất của các NHTM cổ phần giảm không sâu như các NHTM Nhà nước, nhưng tâm lý người gửi tiền ít nhiều dao động dẫn đến rút tiết kiệm khỏi NH.

Nguyên nhân chủ chủ yếu là do trong tháng 5, giá vàng trong nước giảm đến 4,22% so với tháng 4/2013, giá USD lại tăng 1,2%, thị trường chứng khoán tăng 10% và nhiều gói hỗ trợ mua bất động sản (BĐS) với lãi suất rẻ đã tác động đến tâm lý người gửi tiền.

Điều này khiến không ít NH bắt đầu lo lắng vì tổng dư nợ tín dụng của TP.HCM trong tháng 5 đã tăng đến 1,4% so với tháng 4/2013. Bởi vậy, khi được hỏi, nhiều NH cho biết, mặc dù vốn huy động của NH vẫn tăng trưởng tốt nhưng không đều và có nhiều biến động gần đây.

Đó là chưa kể NHNN mạnh tay xử phạt đối với NH huy động tiền đồng vượt trần lãi suất, đang khiến các NH nhỏ và vừa phải đối mặt với không ít khó khăn trong việc giữ chân nguồn tiền tiết kiệm, đó là chưa nói đến việc phải cạnh tranh gay gắt mới có thể thu hút được nguồn tiền nhàn rỗi mới.

"Người dân vẫn có xu hướng gửi ngắn hạn chờ sự thay đổi. Còn các nhà đầu tư lớn thì tìm cơ hội ở các lĩnh vực khác như chứng khoán, vàng, ngoại tệ... Do vậy, NH không chỉ giữ lãi suất huy động cao mà còn phải cộng thêm nhiều dịch vụ gia tăng để thu hút nguồn tiền.

Chẳng hạn, lãi suất tiết kiệm linh hoạt ngày sẽ có lợi hơn so với kỳ hạn tuần và tháng, vì lãi sẽ được nhập vào gốc hằng ngày, thay vì phải đợi đến khi đáo hạn (kỳ hạn tuần, tháng)... lãi mới được nhập gốc", vị này nói.

Phó tổng giám đốc một NHTM cổ phần nhà nước cho biết, giảm lãi suất huy động sẽ tạo điều kiện cho NH giảm lãi suất cho vay để chia sẻ với doanh nghiệp (DN). Nhưng người gửi tiền cũng luôn cần lãi suất cao nếu không họ sẽ bỏ NH để tìm kiếm kênh đầu tư lợi nhuận hơn.

Điều đó đang tạo áp lực lớn đến các NH, bởi chi phí cũng chỉ có thể tiết giảm đến một giới hạn nhất định chứ không thể giảm mãi được. "Cứ tiếp tục giảm, NH sẽ lại hổng chân vì thiếu hụt thanh khoản", vị này chia sẻ.

Lãi cho vay khó giảm thêm

Từ đó, các NHTM cổ phần thống nhất quan điểm là DN không nên kỳ vọng quá nhiều vào việc giảm lãi suất hay đừng quá phụ thuộc vào nguồn vốn NH. Trên thực tế, các NH cũng đang rất đau đầu trong việc cân nhắc nguồn vốn vào ra sao cho hợp lý, khi đó mới tính đến chuyện giảm lãi suất thêm hay không.

Theo ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank, mặc dù mặt bằng lãi suất đầu vào giảm sẽ tạo điều kiện tốt cho việc hạ thấp lãi suất thỏa thuận đầu ra, giảm áp lực cho DN trong mùa kinh doanh cuối năm nay, song với biên độ lãi suất tiết kiệm VND đang giảm dần về trần và dưới trần, các tổ chức tín dụng phải tính đến trường hợp khách hàng sẽ chú ý đến các kênh đầu tư khác.

Còn ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank phân tích, không phủ nhận lãi suất và tín dụng là một trong những nguyên nhân khiến DN "bế tắc" nhưng đó chưa phải là tất cả.

Có những nguyên nhân nghiêm trọng hơn được các chuyên gia kinh tế nêu ra từ cuối năm 2012 là nhiều DN không có khả năng trả nợ, không có dự án kinh doanh khả thi, không chứng minh được dòng tiền để đảm bảo khả năng trả nợ, nhiều DN còn nợ đọng... "Bởi vậy, vấn đề bây giờ là cần kích cầu, lấy lại niềm tin của người dân", ông Vinh cho biết.

Hiện nay, các NH đều đồng ý rằng mức lãi suất cho vay đã giảm mạnh từ mức trên 20% vào đầu năm 2012 xuống chỉ còn khoảng 10 - 12% trong thời điểm hiện tại là khá hợp lý.

Thậm chí, các NH lớn cũng đã chủ động giảm mạnh lãi suất cho vay cho các khách hàng có chất lượng tín dụng tốt nhằm chia sẻ và tháo gỡ những khó khăn với các DN. Đồng tình với quan điểm này, ông Sumit Dutta, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, nói rằng, dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều nữa và lãi suất đã gần như chạm đến mức thấp nhất của lịch sử.

"Chúng ta đã từng chứng kiến lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên NH đã xuống đến mức 1%. Điều đó chứng tỏ lãi suất khó có thể giảm mạnh được nữa", ông Sumit Dutta nói.

Theo VŨ HOÀNG

Doanh nhân Sài Gòn

eZ Publish™ copyright © 1999-2025 eZ systems as