Kỳ tích từ những nhành lan quý

Họ sống ở những địa phương khác nhau, có những thăng trầm không giống nhau..., nhưng họ đều có đầu tư đúng chỗ và trở thành tỷ phú từ chính đồng đất quê hương mình. Họ chính là những nhành lan quý, tô đẹp thêm mùa xuân.

Con ngao làm nên điều kỳ diệu

Đến Nam Định, chỉ cần hỏi đường về làng tỷ phú, ngay lập tức, chúng tôi được chỉ lối về xã Giao Xuân, huyện Giao Thủy. Và rồi, Giao Xuân hiện ra trước mắt chúng tôi với hàng chục biệt thự rộng hàng trăm mét vuông, chẳng có dáng vẻ lam lũ của một xã nông thôn ven biển. Dù không điện thoại hẹn trước và lại đến vào ngày nghỉ, nhưng chúng tôi vẫn được ông Nguyễn Văn Khuyến, Chủ tịch UBND xã vui vẻ đón tiếp. Vừa rót nước, ông vừa hồ hởi khoe: "Giao Thủy hiện có không dưới 40 tỷ phú, trong đó không ít người sở hữu tài sản có giá trị vài chục tỷ đồng. Họ đều là những người nông dân chân lấm tay bùn, dựa vào sức mình, nhờ sự lên ngôi của con ngao mà làm nên điều kỳ diệu".

Với bờ biển dài 2,6 km, nghề nuôi ngao (người địa phương thường gọi là con vạng) đã xuất hiện ở Giao Thuỷ từ lâu nhưng chỉ thực sự phất lên trong mấy năm gần đây. Tuy chưa từng một ngày nuôi ngao, nhưng ông Khuyến vẫn nhớ như in thời điểm đầu năm 2004. Lúc đó, "đầu ra" cho con ngao bỗng nhiên chững lại, khiến hàng tấn ngao thương phẩm bị ế. Người tiêu dùng trong nước khi ấy cũng chưa chuộng dùng ngao như bây giờ, nên chẳng còn cách nào khác người Giao Thủy đành chấp nhận nhìn ngao mỗi ngày một già đi và có nguy cơ chết dần, làm tiêu tan bao công sức tiền của của họ.

Thế nhưng, đúng vào lúc tưởng như đen tối, thất vọng nhất, điều kỳ diệu đã xảy ra. Không nỡ phụ lòng người nông dân cần cù, chịu khó, trong thời gian nằm ở bãi biển chờ "nút thắt" đầu ra được gỡ bỏ, những chú ngao đã sinh ra vô vàn ngao con. Người dân Ngao Xuân bừng tỉnh vì đã tìm ra cách làm ăn mới. ông Khuyến cho biết, thay vì phải lặn lội đến Cần Thơ, Thái Bình... để mua ngao giống về nuôi trong 2 năm rồi bán ngao thương phẩm, người Giao Thủy không những đã có thể chủ động nguồn giống, mà còn trở thành đầu mối cung cấp giống ngao cho những địa phương khác, với giá hàng chục triệu đồng/kg. Cùng thời gian đó, một dự án của Thụy Điển đã tiến hành trồng rừng ngập mặn tại Giao Thủy, giúp ổn định môi trường sống của con ngao. Việc tiêu thụ con ngao cũng dần thuận tiện hơn, với sự quay trở lại của các mối buôn từ Trung Quốc và sự ưa chuộng của người tiêu dùng nội địa.

Vậy là đã có đủ "thiên thời, địa lợi, nhân hoà ", nghề trồng ngao cứ thế phát triển, cuộc sống người trồng ngao cứ vậy phất lên.

Thông thường, với một vây ngao (khoảng 1-3 ha bãi biển), người ta phải đầu tư khoảng 700 triệu đồng tiền giống. Ngoài chi phí về thuê đất, thuê nhân công, người dân không phải mất tiền mua thức ăn nuôi ngao, vì đã có những sinh vật phù du trong nước biển. Theo chủ trương xuất khẩu thủy hải sản, người dân Giao Thủy cũng không phải đóng thuế khi xuất khẩu. Nếu thành công, khoản vốn trên sẽ đẻ ra số lãi khổng lồ, trung bình là gấp 7 lần, ít cũng là 2-3 lần, còn nhiều thì có thể lên tới 10 lần.

Tuy nhiên, không phải ai đầu tư vào con ngao cũng thành công và trở thành tỷ phú, bởi việc nuôi trồng ngao phụ thuộc chủ yếu vào nhiều yếu tố tự nhiên như bãi yên, biển lặng, sóng thăng - giáng đẹp... Nếu thời tiết đỏng đảnh nóng quá hoặc lạnh quá, ngao có thể chết hàng loạt. Thất bát cũng sẽ xảy ra nếu bão lũ đọt ngột xuất hiện và cuốn trôi tất cả...

Theo ông Khuyến, ở Giao Xuân, không ít người chịu cảnh phá sản vì nuôi vạng. Người trường vốn thì có thể tính chuyện "thua keo này, bày keo khác", nhưng với những người đi vay ngân hàng để đầu tư nuôi ngao, thì chỉ cần thất bát một vụ là "gục hẳn", không "gượng dậy" được. Tại Giao Xuân, đa phần người dân kinh doanh theo hình thức hộ cá thể, chỉ có gia đình ông bà Cửu Dung là thành lập doanh nghiệp. Họ là một trong những tỷ phú đầu tiên của Giao Thuỷ, cũng là người đầu tiên nghĩ đến và đã thành công trong việc nhân giống nhân tạo con ngao. Việc làm này xuất phát từ những trăn trở của họ về khả năng cạn kiệt của nguồn giống ngao tự nhiên vì cách khai thác ồ ạt như hiện nay. "Hy vọng, đến năm 2008, chúng tôi có thể nhân giống ngao nhân tạo đại trà để đáp ứng nhu cầu của địa phương, cũng như vùng trồng ngao lân cận", ông Cửu, chủ Doanh nghiệp Cửa Dung nói.

Con ngao và những người nông dân Giao Thủy đã làm nên điều kỳ diệu, tạo ra diện mạo mới cho quê hương. Dù vậy những tỷ phủ nơi đây rất khiêm tốn khi nói về mình. Họ còn đang lo lắng, bởi đầu ra con ngao vào thời điểm chúng tôi đến kém hơn so với trước. Con ngao Giao Thủy giờ đây đã có mặt tại thị trường EU, nhưng đều qua trung gian là đối tác nước ngoài (Hàn Quốc, Trung Quốc...). vì thế mơ ước của người dân Giao Thuỷ là dự án xây dựng nhà máy chế biến ngao ngay tại địa phương sẽ nhanh chóng trở thành hiện thực, giúp họ vững tin hơn khi nuôi trồng ngao.

Rời Giao Thủy, tôi cứ ấn tượng mãi với hình ảnh bãi biển thoai thoải, trải dài ngút tầm mắt, với hàng chục vây ngao lớn nhỏ cùng hình ảnh của vô vàn những nhà cao tầng, biệt thự rộng lớn của một xã thuần nông. Chắc chắn, khi những mơ ước, dự định nêu trên trở thành hiện thực, số tỷ phú tại Giao Thuỷ sẽ không chỉ dừng lại ở con số 40.

Kỳ tích từ những nhánh lan rừng

Dọc theo con đê đi qua xã Đông La, huyện Hoài Đức, Hà Tây, có đến hàng chục tấm biển ghi danh.những vườn lan khác nhau ẩn sau con đường bụi mù và lổn nhổn đầy ổ gà gạch đá đó là những vườn lan xanh mướt chứa đựng hàng tỷ đồng tiền vốn của gia chủ.

Tiếp chúng tôi, anh Như, phụ trách nong nghiệp của xã không giấu được mềm tự hào: "Xã Đông La co khoảng 30 vườn lan lớn nhỏ, tập trung chủ yếu ở thôn Đồng Nhân, một số ở thôn Đông Lao, La Tinh. Trong số đó, Trường Uyên, Huyền Chân, Thực Hà... là những vườn lan lớn, có tới hàng trăm loại phong lan khác nhau, giá trị lên tới hàng tỷ đồng". Nghề trồng lan xuất hiện ở Đông La từ gần 20 năm trước và phát triển mạnh cùng với thú chơi lan của người thành thị. Đa số chủ vườn lan nơi đây trưởng thành từ quãng thời gian bán phong lan dạo trên đường phố Hà Nội. Phương châm của họ là "lấy ngắn nuôi dài", lấy tiền thu của vụ trước đầu tư cho vụ sau.

Bên ấm trà nóng, trong không gian mát mẻ, thoang thoảng hương thơm của hoa đai châu nở sớm, anh Thực, chủ vườn lan Thực Hà kể cho chúng tôi nghe những tháng ngày gian nan khi anh mới "nhập môn" kinh doanh, đầu tư hoa lan. Để có được giống lan, anh phải lặn lội vào tận rừng. Có những đợt, anh phải đi vài tháng mới kiếm được số lượng và chủng loại lan như ý. Có lan giống rồi, anh lại kỳ cạch đem ghép lên giá thể (gốc cây, mảnh xơ dừa...) rồi tỉ mẩn chăm chút từng ngày. "Hồi đó, chỉ cần phát hiện một giò lan nhú thêm chiếc rễ mới, tôi vui sướng vô cùng vì thấy rằng, công sức bấy lâu của mình đã được đền đáp", anh Thực bồi hồi nhớ lại. Và quả thật, lan rừng đã không phụ tình người hết lòng chăm sóc. Tích tiểu thành đại, thành công nhỏ tiếp sức thành công lớn, giờ đây, anh Thực sở hữu 2 vườn lan với tổng diện tích khoảng 1.200 m2, gồm hàng trăm giống, hàng vạn cây lan lớn nhỏ, với giá trị gần chục tỷ đồng.

Vừa thoăn thoắt chọn lựa đai châu giống, chị Uyên, chủ vườn lan Trường Uyên vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi: "Chị thông cảm, sắp Tết rồi, phải tranh thủ làm để kịp giao hàng cho khác". Nhớ lại quãng thời gian mới vào nghề, giọng chị Uyên trầm xuống: "Lúc đó, chúng tôi phải đi vay vốn của ngân hàng, bạn bè và người thân trong gia đình, việc làm ăn lúc đầu vất vả lắm vì chưa có kinh nghiệm, chưa có mối nhập hàng cũng như đầu ra ổn định. Có lúc chán nản, chẳng muốn làm...". Hiện tại, gia đình chị Uyên có 3 vườn lan, trong đó có vườn rộng cả ngàn mét vuông. Họ chuyên nhập các giống lan của Việt Nam, Lào, Thái Lan về trồng, chăm sóc và cung cấp cho các tỉnh, thành trên khắp cả nước. Trong gia đình anh chị, còn có 3 anh em trai và 3 chị em gái cũng làm nghề này và tất cả đều là chủ của những vườn lan lớn.

Lan được nhập về theo kg với giá 30.000 - 70.000 đồng/kg. Sau một thời gian được nuôi trồng, tạo dáng (khoảng 1-2 năm), mỗi giò lan được bán với giá từ vài chục ngàn đến hàng triệu đồng. Như vậy, việc đầu tư vào phong lan không mang lại lợi nhuận lớn như con ngao ở Giao Thủy. Tuy nhiên, nét mới trong kinh doanh của người nông dân xã Đông La là, nhiều vườn lan xây dựng cả trang web để quảng bá thương hiệu của mình. Người trồng lan còn tổ chức diễn đàn trên mạng để cùng giao lưu, trao đổi những kinh nghiệm làm ăn, khoe nhau những giống cây quý.

Giống như người dân ở Giao Thủy, nhiều tỷ phú lan ở Đông La cũng lo sợ một lúc nào đó, giống lan rừng sẽ bị cạn kiệt. Vì thế, nhiều người đã tìm cách nhân giống lan nhân tạo và lưa giữ những giống quý. Giữa vườn lan của anh Thực, có một chiếc lồng sắt đã gỉ. Người chơi lan nghiệp dư không thể biết rằng, chiếc lồng sắt cũ kỹ đó chứa cả niềm tự hào và cũng là trắn trở của anh. "Đây là giống hài bóng, một trong những giống lan quý của Việt Nam, nhưng cây mẹ đã bị bán ra nước ngoài. Cái cây lan bé tí, chỉ có vài chiếc lá nhỏ này mà tôi phải mua với giá 100 USD đấy", anh Thực nói.

Với người trồng và chơi lan chuyên nghiệp, những cây lan hài đột biến là rất quý. Với chúng tôi, những tỷ phú ở Giao Xuân, Giao Thuỷ, Nam Định và Đông La, Hoài Đức, Hà Tây cũng là những nhành lan quý hiếm, bởi họ đã biết thích nghi với điều kiện mới, nỗ lực vươn lên để cùng viết lên kỳ tích, kỳ tích không chỉ cho riêng họ mà cho cả quê hương mình.

Đầu tư

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as