Thất nghiệp nhằm vào các ngành sử dụng nhiều lao động

Năm 2009 thất nghiệp có nguy cơ tăng ngược trở lại từ 4,64 lên trên mức 5%, trong đó các ngành sử dụng nhiều lao động, có tốc độ tăng việc làm cao sẽ bị ảnh hưởng rõ rệt. Cụ thể các ngành nông nghiệp, thuỷ sản, công nghiệp chế biến, thương mại, du lịch, khách sạn... sử dụng nhiều lao động và chịu tác động mạnh của khủng hoảng.

Nhận định trên được đưa ra tại hội thảo khủng hoảng kinh tế và thị trường lao động Việt Nam, do Viện khoa học lao động và xã hội thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 8/4.
Đảm bảo thu nhập tối thiểu để bảo vệ người lao động

Theo báo cáo của Viện trưởng viện Khoa học lao động và Xã hội, kinh tế thế giới khủng hoảng khiến nhiêud doanh nghiệp đã và đang cắt giảm quy mô sản xuất, quy mô lao động, đe doạ đến nỗ lực đảm bảo an ninh việc làm đối với người lao động. Năm 2008, theo ước tính sơ bộ, tổng việc làm mới chỉ tăng 1,82% so với năm 2007. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp là nguyên nhân khiến tốc độ tăng việc làm thấp. Dự kiến, khả năng tăng việc làm năm 2009 sẽ chỉ đạt mức như năm 2008.

Trong khi đó, bức tranh thất nghiệp năm 2008 có nguy cơ tăng ngược trở lại từ 4,64 lên trên mức 5%. Dựa trên số liệu điều tra lao động việc làm năm 2000- 2008 của Bộ LĐTBXH thì mức thay đổi việc làm của các ngành từ năm 2000 đến 2008 cho thấy, các ngành sử dụng nhiều lao động, có tốc độ tăng việc làm cao, sẽ bị ảnh hưởng rõ rệt hơn. Trong ngành nông nghiệp, khác với xu thế chung, việc làm sẽ không thể chuyển dịch sang các ngành khác. Năm 2008, sơ bộ có khoảng 165 nghìn người ( tăng 0,47%). Đó là chưa tính những người nông dân đi tạm thời ra khu vực thành thị hoặc thuộc nhóm bị dôi dư, bị sa thải trở về quê hương. Trong hai năm liên tiếp, do biến động giá cả, sản xuất bị đình đốn, ngành thuỷ sản tiếp tục giảm lao động với con số việc làm giảm 61 nghìn người.

Các ngành công nghiệp chế biến, thương mại, du lịch, khách sạn... là những ngành sử dụng nhiều lao động và cũng chịu tác động mạnh của khủng hoảng.

Cuộc điều tra về thay đổi việc làm của các ngành năm 2008 so với 2007 chỉ rõ ba ngành có mức giảm cao nhất là sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy và đồ dùng cá nhân và gia đình giảm 294 nghìn người, ngành công nghiệp chế biến giảm 100 nghìn người và lao động hoạt động trong lĩnh vực văn hoá và thể theo giảm 69 nghìn người, y tế và hoạt động cứu trợ giảm 28 nghìn người.

Từ các nghiên cứu năm qua của viện KHLĐ năm 2008 cho thấy, các phản ứng tiêu cực sẽ xảy ra nhiều đối với người lao động có thu nhập thấp. Nguy cơ giảm thu nhập của người lao động không có trình độ tay nghề sẽ gia tăng. Tương tự, tiền lương sẽ có xu hướng giảm trong các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Vì vậy cần chú ý đến các biện pháp đảm bảo thu nhập tối thiểu cho người lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, thu nhập thấp, làm việc cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Đồng thời thực hiện các giải pháp an sinh xã hội cho người lao động bị mất việc trong khi chờ đợi các thông tin tác động tích cực của luật bảo hiểm thất nghiệp.

Tìm việc làm cho hơn 494 nghìn người sẽ mất việc

Dựa trên một hàm toàn học, trong đó ước lượng được số việc làm của nền kinh tế bị mất đi do khủng hoảng trên cơ sở chênh lệch giữa việc làm theo các kịch bản tăng trưởng khác nhau. Viện khoa học lao động và xã hội thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cơ quan tính toán tổng số lao động mất việc làm năm 2009 là hơn 494 nghìn lao động. Con số trên bao gồm 89 nghìn lao động đã mất việc của năm 2008 và 405 nghìn lao động của năm 2009. Năm 2010 là 742 nghìn người. Con số này cũng nămg trong tính toán Cục lao động việc làm Bộ LĐ, TB&XH trước đó tính toán con số mất việc là 400 nghìn người theo một kịch bản xấu nhất của nền kinh tế.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Hương, nếu các chi tiêu công của Chính phủ tập trung nhiều vào hạ tầng, cơ sở, đô thị hoá... nơi có khả năng thu hút nhiều lao động đặc biệt là lao động di cư từ nông thôn và không có kỹ năng thì có thể chờ mong sẽ tạo nhiều việc làm trong khu vực này. Bà Hưởng chỉ rõ điểm mấu chốt là đảm bảo cho lao động tiếp tục chuyển dịch, thì phải tăng cường đào tạo nghề và thực hiện các chính sách hỗ trợ người di cư trong khi di cư và tại nơi đến.

Kết quả nghiên cứu của Viện KHLĐ năm 2008 cho thấy, nếu tăng 1% đầu ra sản xuất sẽ làm tăng 0,69 số việc làm. Các ngành có tương quan giữa lao động và sản phẩm đầu ra cao nhất là nông nghiệp, dịch vụ cộng đồng, cung cấp ga, điện nước và ngành xây dựng. Điều này cho thấy, lao động làm việc trong các ngành trên sẽ bị tác động lớn nếu sản xuất bị thu hẹp.

(VnMedia)

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as