Thái nguyên với cơ hội thuận lợi phát triển các KCN

Thái Nguyên là một tỉnh trung du miền núi có điều kiện kinh tế- xã hội còn nhiều khó khăn. Với 70% diện tích đất nông nghiệp, phần nhiều là ruộng bậc thang 1 vụ, đất bạc màu, năng suất không ổn định rất phù hợp với phát triển các KCN, đây chính là một lợi thế rất lớn để Thái Nguyên chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung phát triển công nghiệp để xứng đáng là “ cái nôi” của một “trung tâm công nghiệp gang thép” trước đây.

Hiện nay Thái Nguyên có KCN Sông Công do Công ty Phát triển hạ tầng các KCN tỉnh Thái Nguyên- Ban quản lý các KCN Thái Nguyên làm chủ đầu tư. KCN có nhiều lợi thế về mặt vị trí địa lý: gần trung tâm thành phố Thái Nguyên, cách sân bay quốc tế Nội Bài 40 km, cách cảng sông Đa Phúc 15 km, cách ga đường sắt Lương Sơn 500m, liền kề với trục quốc lộ 3.... Trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Thái Nguyên, KCN Sông Công là một trong những công trình trọng điểm, là “ bàn đạp” để tiếp tục triển khai các KCN khác ở trong tỉnh.

Tính đến nay KCN Sông Công đã thu hút trên 32 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký khoảng 16.000 tỷ đồng, vốn đã thực hiện gần 1000 tỷ đồng. Hiện nay đã có một số doanh nghiệp đi vào sản xuất, thu hút trên 5.000 lao động, mức lương bình quân từ 1 triệu đến 3 triệu đồng trên người.

Ngoài KCN Sông Công, Thái Nguyên đã và đang chú trọng phát triển nhiều KCN tạo thành “ chuỗi” liên hợp công nghiệp bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, một số nhà đầu tư đến với Thái Nguyên xin đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN như: Công ty TNHH Đầu tư và phát hạ tầng Lệ Trạch - Đài Loan, Công ty cổ phần Xuân Kiên VINAXUKI, Công ty cổ phần may xuất khẩu Thái Nguyên, Hợp tác xã Công nghiệp và Vận tải Chiến Công; Công ty cổ phần Đầu tư Châu á Thái Bình Dương, Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển hạ tầng Yên Bình.

Xuất phát từ thực tế trên, Ban quản lí các KCN Thái Nguyên đã xây dựng đề án điều chỉnh bổ sung các KCN tỉnh Thái Nguyên để UBND tỉnh Thái Nguyên lập tờ trình, trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị bổ sung vào Qui hoạch tổng thể KCN của Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.

Trong đề án có nội dung cơ bản như sau:

1. Điều chỉnh KCN Sông Công I từ 320ha xuống chỉ còn 192ha với lí do: KCN Sông Công I là đất đô thị có 1/3 nằm ở trung tâm thị xã do đó chi phí đền bù giải phóng mặt bằng quá lớn 3-4tỷ/ha, quá phức tạp khi phải di dân, lo khu tái định cư, xử lí ô nhiễm môi trường …

2. Đề nghị bổ sung vào danh mục các KCN Việt Nam trong quyết định số 1107/2006/QĐ-TTg ngày 21/8/2006:

- KCN Nam Phổ Yên: quy mô diện tích khoảng 300ha, bao gồm (Khu A, B, C, D) và đã có 04 chủ đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng đăng ký.

- KCN Tây Phổ Yên: thuộc xã Minh Đức với diện tích 490ha do Công ty cổ phần Xuân Kiên VINAXUKI làm chủ đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật KCN.

- Khu công nghiệp Điềm Thuỵ-Phú Bình: qui mô 300ha, bao gồm Khu A, B do Công ty Cổ phần Đầu tư Châu á Thái Bình Dương làm chủ đầu tư.

Thái Nguyên hiện có nhiều KCN, CCN tại các huyện, thành phố, thị xã và tổ hợp KCN, KCX và Khu đô thị Yên Bình với quy mô 2000ha, đang triển khai sẵn sàng đón tiếp các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng hoặc trực tiếp thuê đất chưa có hạ tầng để thực hiện dự án.

Tỉnh Thái Nguyên đang tập trung chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính, công tác đền bù giải phóng mặt bằng, nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ để thu hút các nhà đầu tư đến với Thái Nguyên, nhất là các nhà đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN …

Nguyễn Văn Tân - Trưởng ban quản lý các KCN Thái Nguyên

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as