Bé mồ côi hai từ
ItaExpress - Tôi ngoái lại nhìn lần nữa căn nhà sàn bé bằng hộp diêm, cậu bé bồ côi vẫn đứng, da đen như bồ hóng nhanh nhánh dưới ánh nắng ngó theo tôi cười tươi, bắt gặp cái nhìn của tôi, em bẽn lẽn như vừa làm điều gì vụng dại.
Khi chiếc xe rì rì vượt đèo, khi những con gió Lào thốc thẳng vào mặt chúng tôi như muốn thử thách lòng kiên trì của thành viên Quỹ ITA-s; khi tôi không dám ngoái nhìn lại con dốc ngoằn ngèo như một con trăn bé tí tị dài mải miết đằng sau, thì tôi mới chợt hiểu, tại sao các cộng tác viên đã nhận lời rồi lại từ chối. Dakrong, Hướng Hóa vẫn hun hút tít tận ngọn núi nào trong muôn trùng của dãy Trường Sơn hùng vĩ?
Tìm chắc thằng bồ côi à?
Hơn 12h trưa, tôi có mặt tại cầu treo Dakrong; trông xa, cây cầu như một cánh chim bay ngang dòng Dakrong, mảnh mai và bí ẩn. Quanh quất có vài ngôi nhà, tôi không hy vọng lắm vào một địa chỉ rất mông mênh (theo tôi nghĩ trước đó): xã Darkrong, huyện Dakrong, tỉnh Quảng Trị. Ấy thế mà khi tôi vừa rụt rè hỏi nhà em Hồ Văn Trung thì người ta đã ồ lên: Thằng bồ côi à? Tìm chắc thằng bồ côi à?... Theo lời chỉ dẫn của người đồng bào, tôi men theo con đường, mà có lẽ đấy cũng chẳng phải là con đường, tìm đến nhà Trung, học sinh lớp 5, Trường tiểu học số 1, xã Dakrong, huyện Dakrong, tỉnh Quảng Trị…Để rồi, những điều mắt thấy, tai nghe không khỏi ngậm ngùi, xót xa.
Sắn sống và sắn chín
Sau khi treo qua 4 bậc ngôi nhà sàn bé như cái hộp diêm, một người đàn bà đen như bồ hóng đang ăn sắn (khoai mì) sống, dòm tôi lom lom, miệng vẫn thản nhiên ăn. Chỉ khi tôi hỏi về Trung, người đàn bà ấy mới cười, hàm răng đen hơi ngượng ngịu (có lẽ thế), và bước vào nhà. Chúng tôi vào theo, ngôi nhà nhỏ, không có đồ đạc gì, người đàn bà mà tôi ngỡ là mẹ của Trung vội với chiếc chiếu hoa ra mời khách. Một người đàn ông da cũng đen như bồ hóng đang nằm rên hừ hừ trên giường, mãi khi gần ra về tôi mới biết đó là chú của Trung. Một cậu bé nằm bệt ngủ lăn lóc dưới sàn nhà, dáng co lại như con tôm, Quanh nhà, trên những bức vách nứa là những chiếc giấy khen học sinh giỏi của Hồ Văn Trung từ lớp 1 đến lớp 5 được bọc vào nilon, găm vào vách; có mấy bộ quần áo nhàu nhĩ vắt lung tung, ba chiếc gùi trống và…. hết. Chẳng còn gì nữa. Người đàn bà kiệm lời lúi húi xuống chái bếp. Có lẽ cô nấu cơm chăng? Vì đang buổi trưa. Nhưng không, khi nụ cười đen tiến gần lại, khói trên chiếc rổ bốc ra nghi ngút và thơm phức, tôi mới vỡ nhẽ, bữa trưa cho 3 anh em Trung và người chú đang bị ốm kia là vài miếng sắn luộc ấy.
« Bị con ma Lai nó làm rồi »
Trung không có nhà, Nhung, em gái Trung đi gọi được Trung từ đâu đó chạy về. Em cũng đen… như bất kỳ một người đồng bào Vân Kiều nào mà tôi gặp. Rụt rè, bẽn lẽn và, cũng như người đàn bà kia, giờ tôi mới biết là bà nội Trung, em rất ít nói, chỉ trả lời những lời hỏi thăm, hay những câu hỏi của tôi không quá hai từ. Mà hình như ai trong ngôi nhà sàn tuềnh toàng này cũng thế.
- Dạ Trung đi đâu rồi hả bác?
- Vắng rồi.
– Trung được mấy anh chị em thế?
- Ba.
- Trung đi học có xa đây không?
- Kia
....
Chỉ khi gặp cô giáo của Trung, chúng tôi mới được nghe kể về hoàn cảnh nhà em. Người dân bản K.Lu bảo nhà Trung bị con ma Lai nó làm rồi. Ma Lai là giống ma ban ngày giống như người bình thường, chỉ khi buổi tối, dưới hình dạng chỉ có cái đầu và bộ lòng, nó mới đi ăn, ăn toàn đồ bẩn, đặc biệt nó rất thích ăn nhau thai, ăn máu đẻ… khi mẹ của Trung sinh em thứ 4, bị con ma Lai ăn mất em rồi, nên em gái Trung mất. Sau đó vào tháng, mẹ Trung đau ốm mà qua đời. Tang mẹ chưa qua khó đầu (giỗ đầu), ba của Trung vì quá đau buồn, phát bệnh, cứ lang thang hết rừng, hết rẫy, những nơi mẹ Trung đã từng đi. Rồi một ngày, ông không chịu nổi, ông thắt cổ đi theo vợ, để lại 3 anh em Trung hột gà hột vịt. Trung là con trưởng, dưới còn em trai và em gái…Người dân bản K.Lu gọi chúng là những đứa bồ côi. Chúng lăn lóc với nắng, với gió Lào. Bà nội đau ốm, chú thím thì cũng còn các em, mà họ cũng nghèo lắm….
Có lẽ bình thường em cũng ngồi học như thế này! |
… Tôi chẳng nói được nhiều chuyện với Trung, chúng tôi không dám ăn sắn, bữa trưa của cả nhà Trung (trừ bà nội vì bà đã ăn sắn sống trước đó rồi), không dám ăn vì chúng tôi sợ bị say nắng. Đói thế này, nắng thế kia… rủ Trung ra ngoài chơi và kiếm gì đó ăn, tìm mãi mới thấy một quán bán tạp hóa. Đã hơn 1h chiều, tôi hỏi:
- Trưa nay em đi đâu thế?
…..
- Em ăn cơm chưa?
- Chưa.
- Sao em chưa ăn?
- Không đói.
Cái rụt rè bên tô mì tôm nghi ngút khói và lon nước lạnh qua ngay, nhìn em ăn ngấu nghiến mà Hiệp, tình nguyện viên đi cùng tôi khẽ quay đi lau nước mắt. Trên đường về tôi hỏi:
- Sau này Trung muốn làm gì thế?
- Công an.
- Công an à? Giỏi thế. Gắng học nhé. Nếu em được học bổng của Quỹ ITA Vì tương lai, em sẽ làm gì đầu tiên?
Đang đi, em dừng ngay lại, mắt nhìn tôi, hình như là nghi ngờ, hình như là phập phồng:
- Mua sách.
- Thế những buổi không đến trường thì em làm gì?
- Bắt cá.
- Ở đâu em?
- Sông
- Để bán hay để ăn?
- Ăn.
Rồi lũi lũi, lùi lũi em đi, mái tóc cháy nắng khen khét, có lẽ khi chúng tôi đến, em đang bắt cá ở khúc nào trên dòng Dakrong trơ lổn nhổn những tảng cuội kia cũng nên. Đến trước nhà, tôi chào Trung ra về, không quên dặn lại “Gắng học em nhé! Trung ngoan và học giỏi thế, hy vọng em sẽ được Quỹ ITA-s cấp học bổng để mua sách”. Lần đầu tiên từ khi đặt chân đến K.Lu, tôi thấy em cười, và lần đầu tiên, em, người Vân Kiều đầu tiên nói với chúng tôi nhiều hơn hai từ: “Em chào chị”.
Lần đầu tiên tôi thấy em cười, bẽn lẽn như làm điều gì vụng dại |
Tôi ngoái lại nhìn lần nữa căn nhà sàn bé bằng hộp diêm, cậu bé bồ côi vẫn đứng, da đen như bồ hóng nhanh nhánh dưới ánh nắng ngó theo tôi cười tươi, bắt gặp cái nhìn của tôi, em bẽn lẽn như vừa làm điều gì vụng dại. Nắng vẫn táp trên đầu, gió Lào vẫn thốc ngược đường cuộc hành trình chắp cánh ước mơ.
Chúng tôi đã không hỏi chuyện em được gì! Hình như không phải vậy.
Đường lên Hướng Hóa hun hút tít tịt đâu trong trập trùng hùng vĩ Trường Sơn….
Bài và ảnh: Lại Thu Giang
Ý kiến
Log in or create a user account to comment.
Tin đã đăng
- Thủ khoa con nhà nghèo
- Giàu con út, khó con út
- Cô học trò muốn vẽ ước mơ
- Người cậu nghèo và những đứa trẻ đáng thương
- Trường THCS Tân Lân: Chắp cánh những ước mơ của tuổi thơ
- Ông Nguyễn Văn Hồng: “Biết đến khi nào mới trả hết nợ…”
- Bà Nguyễn Thị Hạnh - Nghèo đói và bệnh tật đeo mang…
- Ước mơ đời bình dị của người thương binh già
- Khát vọng vươn đến đỉnh cao tri thức