Làng giũ... tôm
Mặt trời ló lên mặt sóng. Từ lúc nào, một góc bãi biển khu phố 5, Đức Long (Phan Thiết) mỗi lúc một đông người. Bãi biển bỗng chốc ồn ã tiếng người nói, tiếng ai đó cười ré lên, tiếng chân chạy thịch thịch gấp gáp, vội vàng…
Đó cũng là lúc trên bãi xuất hiện những tốp thanh niên, người lớn, xúm lại, khiêng những chiếc thuyền thúng từ bên trong bãi xuống sát mép nước, rồi từ đó bơi ra biển. Đó cũng là lúc tôi nghe một phụ nữ gọi theo một thanh niên tuổi ngoài 20 bơi chiếc thuyền thúng màu xanh cách bờ khoảng hai mươi mét: “Long ởi! Có con nào, ít nhiều cũng nhắn em, anh nhé?”. Chưa nghe Long trả lời thì có tiếng tinh nghịch đáp lại: “Lúc nào nó không mang theo, nhưng em có chịu mua đâu!”. “Đồ quỷ!” - người phụ nữ hét lên rồi cười rần rật. Tôi hòa trong cái vui, sự sống động của làng biển lúc ban mai, và cũng từ lúc ấy, tôi chú ý đến chàng trai bơi thúng màu xanh vì theo nhiều người trên bờ nói: cậu ta còn trẻ nhưng rất giỏi làm kinh tế.
Tôi hẹn Long - tên chàng trai - sáng hôm sau cùng ra biển. Nguyễn Thanh Long, năm nay 24 tuổi, cao và chắc chắn như một cột buồm.
Long nói 4 năm trước theo học nghề đi biển với người trong làng chài. Vừa khiêng chiếc thuyền thúng xuống nước, Long bảo tôi leo vào trong, rồi cầm lấy chiếc dầm khuấy mạnh để chiếc thuyền thúng ra xa bờ.
30 phút sau, chúng tôi ra tới khu vực mà theo Long nói đó là Nam Hòn Lao trên vịnh Phan Thiết. Những tia nắng sớm mai quét lên mặt nước, tạo nên những sắc cầu vồng óng ánh huyền ảo.
Trước mặt tôi mấy chục chiếc thuyền thúng, hàng trăm chiếc phao đủ màu sắc, dập dìu theo sóng nước. Long giải thích: phao là phần nổi của lưới bắt tôm hay còn gọi là giũ tôm.
Trong phạm vi của Hòn Lao trở ra vài cây số trên biển là nơi mà nghề giũ tôm hoạt động khá nhộn nhịp.
“Giũ tôm là thế nào mình chưa hình dung được? - Tôi nói và đưa mắt nhìn chàng thanh niên có nước da bánh mật rắn rỏi. Long không trả lời ngay mà buông tay chèo, chân xoài ra giữ thăng bằng thúng, tay cúi xuống mặt nước kéo lên một sợi dây cước dài có gắn phao, nói: “Đây là dây triên anh à. Là phần trên cùng của lưới”. Sau đó, lưới và dây triên được Long đưa vào lòng thúng, tay bắt đầu giũ giũ... còn mắt nhìn như soi xuống thúng.
“Nếu có con tôm hùm giống nào mắc lưới, khi mình giũ, nó sẽ rơi xuống. Ở hòn Lao này có nhiều loại tôm hùm giống lắm. Nào là tôm bông, tôm tre, tôm bò cạp (tôm đen)”...
Đến lúc này, tôi nhớ đến những chiếc lồng bè nuôi tôm trên vịnh biển Nha Trang. Năm trước, thăm vịnh, một người chủ lồng bè cho hay: tôm hùm hiện vẫn còn khó sinh sản trong môi trường nhân tạo. Do đó, việc nuôi tôm hùm thương phẩm phụ thuộc nhiều vào nguồn giống đánh bắt trên biển.
Nhiều lồng bè nuôi tôm hùm ở Nha Trang, Vũng Tàu..., luôn trong tình trạng thiếu nguồn tôm giống. Giá tôm hùm giống cứ thế mà tăng vùn vụt.
Một con tôm hùm bông giống bằng que tăm hiện được thương lái Phan Thiết mua từ 170 đến 300 ngàn đồng, tùy loại. Tôm hùm đẻ trứng vào hai mùa: tháng 6 đến tháng 9 và từ tháng 12 đến tháng 3.
Mỗi lần, tôm hùm mẹ đẻ hàng ngàn, hàng vạn trứng. Trứng tôm trôi trên sóng bám vào vách đá, rạn san hô..., nở thành post, lột vỏ nhiều lần, sống trong rạn đá. Những khu vực có rạn san hô, rạn đá: Hòn Lao, Hòn Rơm (Phan Thiết), mũi Khê Gà (Hàm Thuận Nam)..., là nơi sinh sống của tôm hùm.
Để bắt tôm hùm giống từ biển về nuôi quả là việc không hề đơn giản. Những năm trước đây, người làm nghề phải sắm thuyền, sắm thiết bị lặn, lặn sâu xuống rạn, vách đá... bắt tôm. Công việc khá vất vả, đầy nguy hiểm, nhưng mỗi ngày cũng chỉ được vài ba con tôm giống. “Ở khu phố 5 Đức Long tụi em, người ta sống bằng cái nghề thả lưới bắt tôm này” . Lúc này trên mặt biển Nam Hòn Lao, mỗi lúc một đông người đi giũ tôm. Những chiếc thuyền thúng cứ bơi lên, bơi xuống, lúc đứng yên một chỗ. Long vừa phát hiện hai con tôm bông rơi từ trên tấm lưới xuống đáy thúng. Mặt chàng thanh niên hân hoan trông thấy.
Nhẹ nhàng và cẩn thận, Long bắt con tôm bỏ vào chiếc chai nhỏ, có dây đeo trên cổ: “ Gần 400 ngàn rồi đó anh. Người có tiền sướng thiệt. Chỉ có họ mới đủ tiền ăn con tôm trên dưới một triệu đồng mà người nghèo như mình cả đời không dám ăn. Nhưng cũng mừng, nhờ họ mà cái nghề nuôi tôm hùm tồn tại và mình có việc làm”. Cứ theo câu chuyện Long kể: nghề giũ tôm đầu tư ban đầu không lớn lắm, lao động nghèo có thể sắm được. Công việc lại không quá khó khăn, vất vả, không đòi hỏi kỹ thuật cao, chẳng phải lo giông bão thất thường như bao nghề đi biển khác.
Làm nghề giũ tôm chỉ cần sắm chiếc thuyền thúng trên dưới triệu đồng, vài tay lưới (tùy theo khả năng mỗi người) là có thể kiếm tiền hàng ngày. Cách thả lưới bắt tôm hùm như sau: người ta cột 2 bao cát ở hai đầu dây triên để khi chìm xuống lưới không bị trôi dạt. Trên thân triên, cách 1 mét người ta đặt một chiếc phao để lưới luôn luôn nổi. Bên dưới cách dây triên một khoảng không dài, người ta buộc túm lưới lại, thả lưng chừng trong nước (tôm tìm đến trú ngụ vì tưởng san hô, rạn đá ).
Lưới bắt tôm hùm giống thả ngoài biển ngày này sang ngày nọ, mặc cho gió, cho nắng (từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau). Đêm đêm, tôm hùm giống trôi trong nước, hoặc đi kiếm ăn, gặp túm lưới bèn chui vào trú ngụ. Hàng ngày, lúc mặt trời vừa mọc lên đầu con sóng, người làm nghề giũ tôm, không hẹn chèo thúng ra khu vực thả lưới... để tìm bắt tôm trong lưới. Với cách làm này, mỗi người có thể bắt từ 1 đến vài ba con /ngày, đuợc từ vài trăm ngàn đồng đến 1 triệu đồng. Tuy nhiên, có hôm phải về tay trắng. Mặt trời lên cao. Biển Hòn Lao vẫn ồn ã tiếng sóng vỗ, tiếng máy inh inh, tiếng cười sảng khoái của ai đó.
Có đôi ba người đang chèo thuyền thúng quay vào bờ. Long bảo ở lâu ngoài biển tôi không quen sẽ bị say nắng, vì vậy Long sẽ vào bờ sớm hơn một chút so với mọi ngày. Vừa nói, anh chàng vừa kéo nốt phần lưới còn lại, giũ giũ... một chú tôm bông rơi xuống khoang thúng. “Được thêm vài trăm nữa rồi anh à!” – Long cười nói. “Vụ tôm năm nay Long kiếm được bao nhiêu tiền”, tôi hỏi? “Chi phí rồi, còn giữ được vài chục triệu đồng!”.
Nhiều người thu nhập cao hơn em, chẳng hạn như chú Tư, ông Năm Hồng. Chú Tư, trước đây nghèo lắm. Chú “đi bạn” dăm bữa nửa tháng mới về, nhưng tiền chẳng đáng là bao. Được họ hàng, bạn bè giúp 3 triệu đồng, chú mua chiếc thuyền thúng cũ, một tay lưới rồi tham gia nghề giũ tôm. Công việc không vất vả như hồi “đi bạn”, nhưng thu nhập khá hơn nhiều.
Đến nay, chú Tư sửa được nhà, mua được xe máy, và sắm vài vật dụng khác trong nhà... “Nghề giũ tôm hiện là nghề “hot” của ngư dân nghèo. Nghề đã đem đến nhiều đổi thay, niềm vui và hạnh phúc cho nhiều người trước đó sống đời bấp bênh. Đến nay, vùng biển Nam Hòn Lao, mỗi ngày có gần 100 lao động làm nghề giũ tôm. Người ít vốn cũng sắm được một tay lưới. Mùa tôm tới sẽ có thêm ba, bốn chục lao động nữa tham gia, anh à!”- Long lại cười. Tiếng cười thật hồn nhiên.
Theo Quang Phát (Bình Thuận Online)