Cảnh báo về tăng trưởng
Ấn tượng với những thành quả phát triển kinh tế, các nhà tài trợ hi vọng cam kết ODA cho Việt Nam năm nay sẽ cao hơn con số kỷ lục 4,44 tỷ USD của năm ngoái. Tuy nhiên, họ cũng đưa ra những cảnh báo cho nền kinh tế Việt Nam.
Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi của chúng tôi với ông Martin Rama, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB, tại cuộc họp báo diễn ra ở Hà Nội ngày 29/11, trước thềm Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ 2007 sẽ diễn ra vào ngày 6-7/12.
Viễn cảnh Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình sẽ ảnh hưởng như thế nào tới khoản tài trợ ODA dành cho Việt Nam, thưa ông?
Việt Nam là nước nhận viện trợ ưu đãi kể cả không hoàn lại lẫn cho vay không lãi. Khi Việt Nam giàu hơn thì sẽ không được hưởng nhiều như thế nữa.
Việt Nam hiện vẫn chưa đến mức như vậy nhưng với tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì cũng không nhiều năm nữa Việt Nam sẽ hết điều kiện để được hưởng. Do vậy, các tổ chức quốc tế đã bắt đầu chuyển sang kết hợp các điều khoản cho vay gần hơn với cho vay thương mại.
Đến năm 2012-2015 các nhà tài trợ sẽ giảm rất mạnh viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam. Trong thời gian trước mắt vẫn sẽ tăng viện trợ nhưng Việt Nam cũng cần phải sẵn sàng chuẩn bị tình hình là sẽ không được hào phóng như hiện tại nữa. Và việc vay vốn sẽ gần với các điều khoản thương mại nhiều hơn.
Ở Việt Nam hiện đang có xu thế các tập đoàn kinh tế mở rộng hoạt động sang lĩnh vực tài chính, nhiều công ty cũng lan sang mảng chứng khoán và bất động sản, ông có bình luận gì không?
Việc thành lập ngân hàng của các tập đoàn kinh tế lớn sẽ có những nguy cơ rủi ro xảy ra khi các tập đoàn không có quản trị tốt, không có năng lực để giám sát xem ngân hàng của mình làm những gì, hoặc khi tập đoàn đó không có thể chế giống như một ngân hàng thực thụ. Chẳng hạn như đối với các tập đoàn kinh tế lớn thay vì vay tiền ngân hàng hay phát hành trái phiếu thì các tập đoàn này lại nhận tiền gửi.
Tiếp theo, việc đa dạng hoá lĩnh vực kinh doanh của các tập đoàn kinh tế như mở công ty chứng khoán, công ty kinh doanh bất động sản... cũng là vấn đề gây quan ngại. Các tập đoàn bị thu hút bởi sự hấp dẫn của cơ hội kiếm tiền ở những lĩnh vực đó. Họ tận dụng lợi thế về quy mô ở một số lĩnh vực.
Việt Nam có ít công ty lớn ở lĩnh vực công nhưng có nhiều công ty tư nhân, đây là cơ hội để đẩy các công ty đó có sức mạnh toàn cầu. Nhưng việc đa dạng hoá lĩnh vực kinh doanh có vẻ không nhất quán với chính sách tận dụng thế mạnh của doanh nghiệp để phát triển lên tầm toàn cầu. Mối quan ngại và được quan tâm lớn nhất ở đây là sự không rõ ràng giữa lợi ích về tài chính và thương mại.
Vậy làm thế nào để các tập đoàn kinh tế Việt Nam đạt được thành công khi thực hiện việc mở rộng sang lĩnh vực đầu tư tài chính?
Các tập đoàn phát triển theo hướng đa ngành có thành công không? Cũng có thể có một số có tiềm năng phát triển. Như Vinashin chắc chắn sẽ còn phát triển tốt trong thời gian dài. Nhưng vấn đề là khi họ không đa dạng hoặc đầu tư vào những lĩnh vực không phải lợi thế cạnh tranh của họ thì họ còn làm tốt hơn hay không? Câu hỏi này vẫn để ngỏ.
Không có năng lực về mặt quản lý thì việc mở rộng các ngành chưa hẳn đã tốt. Thực chất đa dạng hoá không đáng lo ngại bằng việc huy động tiền trực tiếp từ công chúng và sử dụng số tiền đó không hợp lí. Nếu tập đoàn dùng nguồn lực của họ thì tốt thôi nhưng nếu họ huy động tiền từ công chúng thì đó là điều đáng lo ngại!
Trong trường hợp đó, cần giám sát các tập đoàn này mạnh mẽ hơn nữa. Và hi vọng sau giai đoạn chuyển đổi nền kinh tế thì sẽ chuyển sang công ty quản lí vốn nhà nước thực hiện quyền sở hữu Nhà nước ở các công ty như vậy. Khi đó các tập đoàn này mới thực sự được quản lí như một công ty tư nhân.
Theo ông, Việt Nam nên làm gì để kiểm soát tốt nhất việc tăng chỉ giá tiêu dùng như hiện nay?
Tính đến thời điểm này, việc duy trì tỉ giá hối đoại chẳng hạn ở mức 16.000 VND đối với một nền kinh tế mở như Việt Nam, khi tỉ lệ xuất khẩu trên GDP bằng 70%, điều đó dẫn đến giá cả quốc tế có tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam.
Ví như trong trường hợp giá thép, dầu trên thế giới tăng, chúng ta nhân với tỉ giá 16.000 là giá tăng ngay với tiền đồng do Việt Nam đã gắn tỉ giá hối đoái cố định với đồng USD. Nếu Việt Nam cho tỉ giá hối đoái giảm xuống lại làm mất tính cạnh tranh của hàng hoá.
Bên cạnh đó, một số yếu tố khác khiến chúng ta không thể kiểm soát được lạm phát như thiên tai, lụt lội. Tuy nhiên, vấn đề là rổ CPI của Việt Nam vẫn chưa phải hợp lý.
Ngoài ra, chính sách tiền tệ, tỉ lệ tín dụng quá cao, yếu tố ảnh hưởng bởi giá đất tăng làm giá thuê văn phòng, cửa hàng tăng cũng ảnh hưởng và việc phân phối hàng hoá cũng đắt hơn khi giá cả xăng dầu tăng. Do đó, Việt Nam cần có chỉ số giá tiêu dùng tốt hơn để phân tích lạm phát của mình.
Theo VnEconomy
Tin đã đăng
- Casino vẫn có thể được “thí điểm khi phù hợp”
- Các mạng di động đồng loạt giảm cước
- Lạm phát cả năm sẽ ở mức hai con số?
- Việt Nam ở vị trí trung tâm của khu vực Đông Á
- Cho vay tiêu dùng tín chấp: Người vay tiền đang bị “bóp cổ” !
- Giá cả sẽ “đua” theo giá xăng dầu
- Thị trường lịch vào mùa
- Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang Nhật Bản: Quẩn quanh với tư duy làng, xã
- Phồn vinh vì ai, cho ai?
- TPHCM kêu gọi đầu tư giai đoạn 2007 – 2010: Ưu tiên các dự án về hạ tầng