Phồn vinh vì ai, cho ai?
Trả lời chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Cao Đức Phát có nói lên một thực tế đáng suy nghĩ: Nước ta xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Thái Lan. Lần đầu tiên gạo Việt Nam bán ra thị trường thế giới ngang bằng giá gạo Thái.
Thế nhưng không ít nông dân thiếu ăn. Và có mấy gia đình dám dùng gạo chất lượng khá trong bữa ăn hàng ngày? Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp khẩn cấp Ban chỉ huy Phòng, chống lụt bão cuối tuần qua bàn việc đối phó đợt mưa to nữa đang rập rình ập xuống miền Trung vẫn chơi vơi trong lụt lội, quả quyết: "Chúng ta có gạo. Chúng ta có mì. Không có lý gì để dân các vùng ngập chịu đói"...
Đều đặn nâng cao số lượng và chất lượng gạo xuất khẩu là thành tựu tuyệt vời, là công sức chung của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các doanh nhân, các cấp lãnh đạo... nhưng trước hết và chủ yếu là công lao hai sương một nắng của nông dân. Làm sao để nông dân có thể thụ hưởng xứng đáng phần công sức mình bỏ ra là vấn đề cực kỳ trọng đại.
Cần khẳng định thực tế lớn: Ý tưởng xuyên suốt mọi chính sách của Đảng và Nhà nước ta từ trước tới nay - càng rõ rệt trong thời kỳ đổi mới - là tất cả vì dân, tất cả hướng về người dân, bằng những giải pháp đồng bộ, nâng cao mức sống người lao động vốn chịu thiệt thòi trong xã hội, kiên quyết không để cho cái hố ngăn cách giàu nghèo theo đà tăng tiến của đất nước mà doãng thêm. Chủ trương xoá đói giảm nghèo của ta hai thập niên qua đạt nhiều thành tựu, được thế giới công nhận, LHQ coi là một tấm gương.
Người viết bài này, tại một hội nghị quốc tế bàn chuyện giảm nghèo cách đây không lâu, nhờ vậy được dịp tự hào nêu cao thành tích và kinh nghiệm nước ta, nhân đó còn đại ngôn: "Thành tựu xoá đói giảm nghèo của Việt Nam đậm tính nhân văn". Chúng ta đã giảm nghèo đáng kể. Đó là sự thật. Nhưng trớ trêu thay, theo đà cuộc sống đang lên của đất nước và của toàn thế giới, cái chuẩn xoá nghèo lại tăng lên, cái ngưỡng cần vượt lại cao hơn. Vậy là phải lấy hơi, phải dồn sức để tiếp tục phấn đấu. Nghịch lý thay, tinh thần chính sách của Đảng là vậy, ý chí của dân là vậy, song việc làm của các nhà hoạch định giải pháp dường như chưa hẳn vậy.
Hiệu quả thực thi giải pháp càng có lắm chuyện đáng bàn. Tinh thần quán xuyến các chính sách của Đảng và Nhà nước là quá rõ. Toàn dân một lòng phấn đấu đưa đất nước vượt ngưỡng kém phát triển, theo kịp bạn bè, kiến tạo phồn vinh. Nhưng phồn vinh vì ai, phồn vinh cho ai trước hết? Câu hỏi nặng tựa quả núi ấy thường xuyên đè lên vai các công bộc: Những người thực thi chính sách, các nhà quản lý, các cấp lãnh đạo.
Theo Lao Động
Tin đã đăng
- TPHCM kêu gọi đầu tư giai đoạn 2007 – 2010: Ưu tiên các dự án về hạ tầng
- Ngân hàng Thế giới: Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2007 sẽ đạt 8,3%
- Tàu to chưa chắc đã bắt được cá lớn
- Xuất khẩu sang Mỹ tăng kỷ lục?
- Giá gas: Nơi nói giảm, chỗ nói không
- Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2007: Chuyển nhưng chậm
- Giá vàng lên mức kỷ lục: 16,5 triệu đồng/lượng
- Thương mại Việt - Mỹ: Lớn, nhưng chưa hết tầm
- Giá cả vẫn nóng
- Không quản lý giá bằng mệnh lệnh hành chính