Đồng khô, người khát
Những cánh đồng khô khốc, nứt nẻ. Những làng mạc thiếu nước sinh hoạt. Nhiễm mặn bao trùm toàn thành phố du lịch Hội An (Quảng Nam) và các vùng lân cận. Chưa bao giờ người dân vùng hạ lưu của thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn khốn đốn như lúc này. Hơn 90.000 dân của TP Hội An cùng hàng chục ngàn sinh viên và du khách đang sống cầm chừng bằng nước ngầm dự trữ.
Người dân, du khách cùng kêu
Ông Trần Xíu (82 tuổi, xã Cẩm Thanh, TP Hội An) phải đạp xe đèo can nhựa đi chở nước giếng cách đó hơn 3km về dùng. “Nước giếng mặn chát như muối. Nước máy không có, mọi sinh hoạt thường ngày như khựng lại” - ông Xíu than thở.
Ông Ngô Đức Liêm, giám đốc Nhà máy nước Hội An, cho biết tình hình nhiễm mặn do mực nước sông xuống thấp khiến nhà máy nước gần như tê liệt. Bình thường công suất của nhà máy là 6.000m3/ngày đêm nhưng nay phải chuyển qua dùng nước dự phòng chỉ đảm bảo 60-70% lượng nước thường ngày. “Nước nhiễm mặn đến quá sớm, đặc biệt là khi các thủy điện chặn dòng tiết kiệm nước để phát điện. Người dân kêu. Các khách sạn, resort điện thoại liên tục. Chúng tôi cũng đã bàn phương án với chính quyền tỉnh để tìm giải pháp” - ông Liêm cho biết.
Phó chủ tịch UBND TP Hội An Trương Văn Bay tỏ ra bức xúc: “Năm 2007 là năm hạn hán nhất Hội An cũng chưa lâm vào tình cảnh này. Bây giờ thủy điện đầu nguồn tích sạch nước nên nhiễm mặn kỷ lục đã xuất hiện. Doanh nghiệp, khách sạn lớn chỉ dự phòng tối đa chừng 40% nhu cầu nước. Trong khi đó nước thủy cục chỉ khoảng 1/3 trong đường ống làm sao sử dụng? Nhà máy nước chạy ì ạch vì cũ kỹ trong khi đó dự án nâng cấp nhà máy nước lên 21.000m3/ngày đêm vẫn còn đang bỏ ngỏ” - ông Bay nói.
Vựa lúa chính của Quảng Nam tại Duy Xuyên, Điện Bàn đỏ quạch vì thiếu nước hơn một tháng qua. Những thửa ruộng đã gieo cấy thì lúa cháy. Ông Lê Bốn (thôn 7, Điện Nam Đông, Điện Bàn) dẫn chúng tôi ra cánh đồng lúa hơn 3.000m2 của ông đã khô khốc vì thiếu nước. Những lỗ nứt đút lọt cả lòng bàn tay bên những thân lúa héo úa. Ông Bốn cho biết hạn hán đến quá sớm, nước sông Thu Bồn cạn rất nhanh, trong khi đó nồng độ mặn cao hơn những năm trước. Hàng ngàn hộ dân vùng hạ du Duy Xuyên, Điện Bàn... đang điêu đứng vì thiếu nước cho lúa.
Thủy điện xả nước nhỏ giọt
Tại cụm thủy nông Vĩnh Điện, nhà máy bơm nước tưới tiêu cho 700ha, với công suất 2.100 m3/giờ đang nằm trơ ra vì không thể bơm nước mặn vào cánh đồng. Ông Lê Quốc Trung, nhân viên vận hành nhà máy này, than thở: “Hơn 30 năm vận hành trạm bơm Vĩnh Điện nhưng chưa bao giờ tình hình căng thẳng như những năm gần đây. Mỗi năm nồng độ mặn càng tăng và đặc biệt nước sông cạn rất nhanh từ khi có thủy điện”. Theo ông Trung, hiện tại nồng độ mặn tại trạm bơm Tứ Câu là 1,36%, trạm bơm Cẩm Sa là 1,0%, Thanh Quýt là 0,95%, Vĩnh Điện là 0,56%, Xuyên Đông 0,20%... Trong khi đó nồng độ mặn tối đa cho phép với cây trồng chỉ ở mức 0,08%, vì vậy các trạm bơm trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn hầu như không còn tác dụng. Ông Trung cho hay không riêng gì nhà máy nhiễm mặn, nước sinh hoạt tại Vĩnh Điện cũng bị nhiễm mặn. Chưa bao giờ hiện tượng này xảy ra với người dân thị trấn Vĩnh Điện.
Trong vòng hai tuần trở lại đây, sinh hoạt của hàng chục gia đình, đơn vị ở thị trấn Nam Phước, xã Duy Phước, xã Duy Vinh (huyện Duy Xuyên) cũng đảo lộn do thiếu trầm trọng nguồn nước sạch, thậm chí một số nơi mất hẳn. Bà Nguyễn Thị Sâm (ở thôn Xuyên Đông 2, thị trấn Nam Phước) than phiền: “Hơn một tuần nay, nước chỉ đủ phục vụ việc ăn uống, còn khâu giặt giũ, tắm rửa vợ chồng tôi phải mang thùng đi chở nước từ các giếng đào về dùng”.
Ông Nguyễn Xuân Hải - phó giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam tại Duy Xuyên - cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do từ ngày 23-6 đến nay, sông Thu Bồn tại Cầu Đen liên tục bị mặn tấn công khiến nhà máy nước “tê liệt”. “Theo quy chuẩn của Bộ Y tế, khi nồng độ mặn ở mức dưới 200mg/lít thì mới được hút nước lên hệ thống bể chứa để xử lý và cung ứng cho người dân. Trong khi nhiều ngày qua nồng độ mặn nước sông Thu Bồn cứ thường xuyên dao động từ 1.700 đến 6.000mg/lít” - ông Hải nói.
Chiều qua 5-7, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Nam Nguyễn Thanh Quang cho biết UBND tỉnh vừa chính thức ký văn bản gửi lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có phương án xử lý khẩn cấp tình hình khô hạn tại Quảng Nam. Còn theo chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam Nguyễn Minh Tuấn, mọi việc bây giờ chỉ chờ vào thủy điện. “Thủy điện Sông Tranh 2 coi như “hết phép” vì nước dự trữ không còn do phải tháo hết nước để sửa chữa rò rỉ. Thủy điện Đắk Mi 4 cũng đang hư máy phải sửa chữa. Nếu thêm mười ngày nữa không có mưa Quảng Nam sẽ thiệt hại rất nặng nề” - ông Tuấn nói.
TẤN VŨ
Hạ du sông Ba bị hạn
Sáng 5-7, ông Lê Chí Trọng - phó giám đốc Sở NN&PTNT Phú Yên - cho biết dù đã có một trận mưa giải hạn vào chiều tối 4-7, nhưng nhiều cánh đồng ở Phú Yên vẫn chưa thoát được tình trạng hạn cục bộ. Toàn tỉnh hiện có khoảng 170ha lúa hè thu bị khô hạn.
Cùng ngày, ông Trần Văn Mỹ - phó giám đốc Sở NN&PTNT Ninh Thuận - cho biết các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh hiện đang bị thiếu nước nghiêm trọng do không có mưa kéo dài. Nhiều hồ chứa nước chỉ bằng một nửa lượng nước so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng hồ Sông Trâu đã ở mực nước chết. Hiện Sở NN&PTNT Ninh Thuận đã triển khai bơm nước sông, suối cho đồng ruộng và không gieo trồng ở những vùng đất quá cao.
HOÀI TRUNG - VĂN KỲ
Tin đã đăng
- Thêm 20.000 tỉ đồng cho nông nghiệp
- Thuế cao sẽ cản trở dòng vốn ngoại vào Việt Nam
- ‘Bom’ phá giá địa ốc: Chưa nổ đã xịt
- Thủ tướng: Chưa điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng từ nay tới cuối năm
- Kinh tế Việt Nam “đã qua giai đoạn xấu nhất”
- Sức mua giảm, doanh nghiệp sống dở chết dở
- Doanh nghiệp Nhà nước có phải gánh nặng của nền kinh tế?
- Nghịch lý thị trường bất động sản
- Ngân hàng lấy chiêu “độ trễ chính sách” để “bóc lột doanh nghiệp”
- Xuất khẩu gặp khó