Kỳ VIII: Giày Bata và Xe đạp Eska
Những năm còn nhỏ, hẳn mỗi đứa trẻ bao giờ cũng được bố mẹ mua cho những đôi giày vải mùa đông, gọi chung là giày ba ta. Giày ba ta là tên gọi chung cho tất cả những đôi giày vải, thậm chí là giày vải Đồng Xuân, Thượng Đình, Thụy Khuê…
Kỳ VII: Praha - Những ngày cuối
Vừa đi vừa kể
Thế nhưng ít ai biết Bata lại chính là một thương hiệu giày nổi tiếng nhất của nước Tiệp. Dân ta hay có thói quen “chủng loại hóa” tên gọi sản phẩm bằng một thương hiệu gắn bó nào đấy, kiểu như dép xốp gọi là “dép Bitis” (thương hiệu Bitis), áo thun ba lỗ gọi là “áo đông xuân” (thương hiệu Đông Xuân)… Dân Sài Gòn thì gọi xe máy nói chung là “xe hon đa”, xe ôm gọi là “hon đa ôm”. Điều này càng chứng tỏ giày Bata hồi đó rất “phổ biến” ở Việt Nam, đặc biệt là ngoài Bắc. Cũng dễ hiểu bởi trước đây Tiệp cũng thuộc khối Xã hội chủ nghĩa anh em, và giày dép cũng như quần áo là ưu tiên số một trong những lô hàng “viên trợ không hoàn lại” cho Việt Nam thời bấy giờ. Giày Bata hồi đó trong mắt tôi là những sản phẩm giày bình dân cho những người lao động, cho trẻ con đi học giữ ấm mùa đông. Đặc biệt các cô chú công nhân bộ đội thì mỗi năm kiểu gì chả được phát, được “phân phối” vài đôi Bata để làm đồng phục đi làm, thậm chí đi chơi nữa.
Đi mua giày ở chính xứ sở bata |
Ở Việt Nam bây giờ giày Bata gần như vắng bóng, nhiều người quên hẳn. Nó đã được thay thế bởi nhiều thương hiệu Việt, sản phẩm giày Trung Quốc áp đảo và những nhãn hiệu nổi tiếng nước ngoài tràn vào. Thế nên tôi mới bất ngờ khi sang đây, những cửa hàng, shop của Bata vô cùng hoành tráng, rất đông khách ra vào mua sắm. Và không chỉ là những kiểu giày vải bình dân rẻ tiền như từng thấy ở Việt Nam cách đây 20 năm, mà là những sản phẩm giày dép, túi xách, cặp da cao cấp, có những món lên đến cả vài ngàn USD. Tôi không nghĩ hồi ấy Bata chỉ sản xuất giày vải, mà chắc là Bata nghĩ do là hàng “viện trợ” cho dân nghèo nên chỉ “cho” xài đến thế là oách rồi. Nhưng dân Việt giờ “sành điệu” lắm rồi (bằng chứng là tôi cũng cố mua cho bằng được một đôi tại chính xứ sở của nhà sản xuất, dù hơi đắt so với giày bán tại Việt Nam, xem ảnh các bạn sẽ thấy cái túi đỏ cầm tay chính là đôi giày Bata đấy). Bao nhiêu nhãn hiệu đã sang. Vậy mà hàng Bata vẫn chưa thấy trở lại thống trị. Bata có chậm trễ không, khi vẫn để trong tiềm thức người Việt một hình ảnh quê kệch, xấu xí của những đôi giày vải lao động? Mà nói thế thôi chứ hình như bây giờ hoạt động thương mại giữa Việt Nam – Séc giờ chỉ là những áp-phe-đánh lẻ của những Việt kiều đang sinh sống tại Séc, mà cũng chỉ thuần túy là đánh hàng hóa từ Việt Nam sang chứ chiều “chính ngạch” ngược lại vẫn chưa thấy. Ngoại trừ việc đầu tư của một số Việt kiều gần đây về các Khu công nghiệp Việt Nam, còn lại có có thì cũng chỉ là rác thải (ô tô cũ, phụ tùng cũ) từ Séc được nhập về bán cho dân Việt. Ngay chính đoàn công tác của tôi đây, hình như cũng là đoàn đầu tiên kể từ… lâu lắm rồi sang đây để xúc tiến hợp đồng nhập khẩu thiết bị công nghiệp … (bí mật) cho một công ty Việt Nam. Nghĩa là chúng sẽ trở thành những người sử dụng, người mua sản phẩm, là … thượng đế. Mà thượng đế thì ở trên giời dưới đất đều được chăm bẵm, chiều chuộng, vì chúng tôi là những người trả tiền mà. Anh Hải, một Việt kiều ở Tiệp lâu năm nói: các anh sang đây là chúng tôi tự hào lắm, vì các anh sang là để làm giàu cho chúng nó, chứ không phải như chúng tôi sang để kiếm chác, bưng của về nhà. Chả biết cái sự tự hào nó thế nào. Nhưng tôi thì nghĩ, cả thế giới họ đều là những người tiêu thụ. Bỏ tiền (của mình) để mua một cái gì đó cho mình là điều bình thường, thế thì có gì đáng tự hào. Anh Hải bảo mừng lắm, Việt Nam giờ thay đổi nhanh quá, mừng lắm chứ! Vâng rất mừng thưa anh. Hình như câu nói của anh thì bất cứ Việt kiều nào cũng nói thế được cả!
Xe đạp Eska
Cặp lồng treo ghi đông phải, túi xách treo ghi đông trái, con nhỏ đèo sau lưng. Hình ảnh một công chức mẫn cán Việt Nam những năm 80 đấy. Anh/chị ta đang cố gò lưng đạp xe đi làm/tan sở, đón/đưa con đến/từ nhà trẻ…
Ở cái thời mà xe máy còn là của quý hiếm trên đường phố, mấy chục năm giời dân ta gắn bó với chiếc xe đạp. Chiếc xe hồi ấy là tài sản quý báu của mỗi gia đình mà phải dành dụm bao năm mới có được. Hồi ấy những chiếc xe đạp Mifa xanh ngọc, Favourite tím biếc, Eska xanh cánh chả… là niềm mơ ước của không ít bao người.
Eska là xe Tiệp, tôi vô tình gặp lại nó khi đi bộ lang thang ở trong một ngôi làng nhỏ gần Ostrava (chụp ảnh liền). Nó là chiếc xe Eska duy nhất tôi nhìn thấy ở đất nước này, được dựng ở cảnh một ngôi nhà nhỏ, bên ngoài vườn, ngay lối đi ngoài đường, chắc cũng được bỏ từ lâu. Cái kiểu dựng xe thế này ở Việt Nam gọi là “hớ hênh”, có thể mất cắp bất cứ lúc nào. Và nó làm tôi nhớ ngay đến việc năm 198x, mẹ tôi đã bị mất cắp chiếc xe Favourite màu hồng (quà của ông bác ruột cũng đi Tiệp về cho từ cuối những năm 70) còn rất mới dù đã gắn bó cả chục năm (chiếc xe này cũng là chiếc xe tôi đã dùng nó để tập đi xe đạp với những vòng quay đầu tiên trong đời). Khỏi phải nói cụ nhà tôi đã khóc sưng húp mắt thế nào. Mất mấy ngày mới nguôi nỗi tiếc.
Chụp ảnh với ký ức xưa |
Chiếc Eska hớ hênh kia cũng làm tôi nhớ tới một thằng bạn học cấp 2, bố nó lao động xuất khẩu bên này gửi về. Chiếc xe có hai cái ghi đông giãn như hai cái sừng nó vẫn đạp xe đi học, và thỉnh thoảng tôi vẫn được nó cho mượn để đi. Hồi ấy ai đi Tây kiểu gì cũng phải đánh hàng gửi về gia đình, dù đi ít hay đi nhiều. Kể cả đi ngắn hạn như bây giờ thì cũng phải tranh thủ kiếm chác. Nếu tôi sang đây 20 năm trước, chắc chắn cũng đầu đội nồi áp suất, chân đi bàn là, tay xách phích đá, tay dắt xe đạp Eska, người lèn đầy dây mai xo bếp điện, vòng bi 502, thuốc cảm, thuốc bổ… để mang về Việt Nam. Chắc chắn là như thế. Xe Eska ở Việt Nam giờ vẫn thấy có người đi, đặc biệt là ở các tỉnh. Bên này thì xe đạp (ngó qua ở trung tâm mua sắm Chodov) thấy cũng rẻ như Việt Nam, nhưng không thấy có xe Eska bày bán. Xe Eska bị tuyệt chủng tại đây rồi…
Nhưng thú vị ở chỗ toàn bộ khu vực nhà máy sản xuất xe Eska dù đã bị phá sản, nhưng đã được một doanh nhân Việt kiều ở đây mua lại, mua luôn cả thương hiệu. Chính tôi đã nhìn thấy toàn cảnh khu nhà máy Eska bỏ hoang lúc đến Chev và được anh Tr lái xe hướng dẫn (cũng người Việt) kể lại thế. Người Việt ở đây kinh doanh rất thành công, được dân bản xứ phục lăn. Đặc biệt là ở khu vực Chev này. Khu vực này sát ngay biên giới Đức, gần như là “thủ phủ” của người Việt tại Séc, sau Praha. Kinh doanh rất phát đạt vì nhắm trúng túi tiền của người Đức bên kia biên giới cuối tuần nào cũng sang mua sắm. Ở đây có cả sòng bạc của người Việt mở cách biên giới đúng 300m mà chính tôi đã được một Việt kiều thổ dân cho theo vào chơi, được mua “xèng” cho chơi thử để biết (mà vui nữa là cả nhóm tôi chơi lãi được khoảng 300 Eu và… biến luôn, gọi là ăn non, ra ngoài cười túy lúy). Chev đông dân Việt đến nỗi đón được cả những cô Mỹ Tâm, anh Đàm, anh Xuân Hinh… toàn những ngôi sao sáng chói của Việt Nam sang phục vụ đôi lần. Chị Yên, có 3 cửa hàng hoa quả ngay thị trấn ở Chev khoe thế.
Cũng có thể xe đạp Eska sẽ có mặt trở lại. Nhưng dự án kia chắc là còn lâu mới thành, anh Tr phán đoán. Mà nói chung phán đoán chỉ là phán đoán, chả ai đoán trúng bụng dạ dân làm ăn Việt bao giờ. Tôi thì vẫn chỉ thấy một nhà máy bỏ hoang, và cái chữ Eska trên nóc tòa nhà tróc lở. Xe đạp giờ kiếm thị trường hơi bị khó, có lẽ còn Trung Quốc xài. Tôi mới đọc đâu đó thấy Paris đang khởi động dự án hàng triệu xe đạp cho thuê rất hoành tráng nữa kìa. Anh Việt kiều ơi, cố lên mà mang Eska đi bán Trung Quốc, Paris nhé. Eska giờ chắc chắn không còn chỗ chen chân ở VN nữa đâu. Với lại về anh cũng chẳng đua được với Martin của anh Lâm Xuân Thi nữa rồi.
Quả thú vị khi bắt gặp lại ký ức về một thời ngay trên một đất nước khác.
Bài và ảnh: Phạm Trung Kiên