Hoài niệm ở thủ phủ cà phê
Những ly cà phê ở đây không phải to như ly ăn chè mà chỉ bằng cỡ ly uống trà. Lượng cà phê chiếm khoảng nửa ly. Còn đá thì trở nên quý hiếm. Mỗi ly cà phê chỉ có một cục đá nhỏ, chỉ đủ để khi khuấy phát ra tiếng lanh canh mà thôi...
Tôi đã từng sống ở TP. HCM một khoảng thời gian đủ dài để nếm nhiều loại cà phê của Sài thành. Có một điểm nổi bật mà tôi nhớ rất rõ là ly và phê ở Sài Gòn to và nhiều đá. Nhiều đến mức uống xong ly cà phê thì châm nước trà vào là thành ly trà đá. Có lẽ tại Sài Gòn nóng.
Cà phê vỉa hè được pha sẵn và đựng trong chai. Tôi vẫn ấn tượng về cái dung dịch ấy. Đen, sánh và rất đắng. Tôi thường thắc mắc. Nhưng với túi tiền eo hẹp thời sinh viên, cái thắc mắc ấy không đủ giúp tôi cưỡng lại những chầu cà phê tán dóc, nổ vang trời. Đến khi có dịp đi chợ Kim Biên, thấy trên kệ nước xả, nước rửa chén gia công có bày thêm những can nhựa đựng dung dịch màu đen, bên ngoài viết rõ “cà phê Robusta”, thì tôi đã lý giải được phần nào.
Rút kinh nghiệm, những lần sau vào quán cà phê (quán hẳn hoi), tôi thường gọi cà phê phin. Tôi lại thắc mắc không hiểu tại sao phin lại đầy ắp cà phê thế kia. Nhưng kệ, cứ phải uống cho đã cơn ghiền dù cà phê có không được ngon. Sau này, một người bạn có kinh nghiệm phục vụ ở quán cà phê cho tôi biết sở dĩ phin đầy vì chủ yếu là bã cà phê pha từ những lần trước, chỉ có rất ít bột cà phê mới. Thế là tôi lại buồn cà phê Sài Gòn tập 2.
Đến khi tôi quay về sống và làm việc ở Buôn Ma Thuột, tôi mới cảm nhận được một phong cách cà phê khác. Ở đây cũng có nhiều loại cà phê, trong đó có cà phê pha sẵn và cà phê phin như ở Sài Gòn. Nhưng ly cà phê ở đây không phải to như ly ăn chè mà chỉ bằng cỡ ly uống trà. Lượng cà phê chiếm khoảng nửa ly. Còn đá thì trở nên quý hiếm. Mỗi ly cà phê chỉ có một cục đá nhỏ, chỉ đủ để khi khuấy phát ra tiếng lanh canh mà thôi.... Hương vị cà phê thì khỏi nói. Một chút thơm nhẹ. Đắng nhưng trôi qua cổ họng vẫn để lại vị ngọt dịu phía sau. Hầu hết các quán cà phê ở Buôn Ma Thuột từ vỉa hè đến những nơi sang trọng đều biết cách giữ chân khách bằng kiểu cà phê này.
Không thể nhớ hết ở Buôn Ma Thuột và cả Đăk Lăk nữa có bao nhiêu nhãn hiệu cà phê. Loại đặc biệt chỉ gồm hạt cà phê rang luôn được ghi rõ và có giá khá cao. Còn lại tất cả cà phê loại thường, cà phê sử dụng trong các quán đều chứa những chất độn. Thuở học phổ thông, tôi ở trọ tại một gia đình chuyên sản xuất cà phê. Mỗi mẻ rang cà phê của bác chủ nhà bay hương thơm lừng một góc phố. Cà phê sau khi rang sẽ được xay và trộn với một phần bắp và đậu nành rang cháy, một phần đường thắng thành caramen và một số phụ gia khác. Cà phê vẫn là thành phần nhiều nhất. Bác lý giải rằng làm như vậy cà phê sẽ sánh hơn, thơm hơn và có giá cạnh tranh. Tôi không đồng ý với cách làm này, nhưng ai cũng thế, biết làm sao được...
Sau này tôi mới biết, nhờ cách chế biến và tỷ lệ pha trộn các nguyên liệu khác nhau làm nên hương vị của mỗi nhãn hiệu khác nhau. Ông chủ nào cũng luôn giữ bí mật bí quyết làm cà phê của mình.
Tôi lại nhớ ngày còn bé, tôi thường ngồi bên bếp hít hà mùi thơm từ chảo cà phê của ba. Vào mùa, ba tôi thường chọn những quả cà phê chín để riêng rồi phơi khô, xát vỏ để dành. Mỗi lần rang, ba cho ít mỡ gà vào chảo gang dày, đợi chảo nóng, ba bỏ hạt cà phê nhân vào đảo đều.
Rang cà phê phải kiên nhẫn. Lửa nhỏ và đảo đều tay. Ba cũng phải canh hạt cà phê thật khéo. Rang chưa đủ vị cà phê sẽ chua. Rang quá tay, cà phê không thơm mà có mùi khét. Sau khi để nguội, ba dùng cối xay tiêu xay từng ít một. Quả thật rất kỳ công nhưng thành quả thì thật xứng đáng. Từng giọt, từng giọt cà phê rớt xuống ly, không phải đen mà ánh màu nâu hổ phách. Không sánh như cà phê ở tiệm, mà thơm lừng. Vị cà phê thì có đủ cả đắng, béo, ngọt. Tôi chỉ thường ké ba uống nước nhì (pha lại lần thứ 2) nhưng vẫn nhớ là rất ngon.
Lâu lắm rồi ba không rang cà phê nữa. Nhưng thỉnh thoảng ba vẫn nhắc về những hạt cà phê rang mỡ gà thuở ấy. Còn tôi, có lúc bỗng nhớ ly cà phê Sài Gòn quay quắt, kêu cô chủ quán cho một ly to đầy đá, đổ cà phê vào rồi khuấy rột rột, nghe thật là vui tai...
Đinh Nga/ Báo Thanh Niên
Tin đã đăng
- Về Châu Đốc đi chợ “si-đa”
- Chợ quê mùa nước nổi
- Bà Nà - những ngày đầu tiên
- Xây chùa ở thác Bản Giốc
- Tết Đoan Ngọ, nhớ ốc gạo Tân Phong
- Đến Ba Hòn Đầm hưởng thú lội đầm biển
- Mùa nóng, về vùng đầu nguồn lũ ăn “lía”
- Ăn hàng rong ở Hội An
- Phở Hà Nội qua con mắt của phóng viên nước ngoài
- Bánh tét thập cẩm nhà họ Huỳnh