Nền kinh tế suy thoái: Công nhân bị cắt giờ làm việc

Cách đây không lâu, việc tăng ca là chuyện thường ngày tại nhà máy sản xuất tấm lợp Ludowici ở miền Đông bang Ohio, Hoa Kỳ. Nay chuyện đó đã kết thúc. Các đơn đặt hàng thưa dần và hàng tồn kho chất thành từng đống buộc công ty này phải giảm sản lượng và cắt giờ làm việc. Điều này gieo thêm nỗi lo lắng và đòi hỏi tăng tiết kiệm trong giới công nhân.

Anh Kim Baker, công nhân của nhà máy, cho biết: “Bây giờ chúng tôi không còn dám leo lên xe hơi để đi mua sắm hoặc đi ăn ở đâu đó nữa.” Thu nhập sau thuế của anh chỉ còn 450 Mỹ kim so với 600 như trước kia. Anh nói, “Bây giờ phải cân nhắc mọi thứ, chẳng hạn nếu mình muốn lái xe ra thị trấn thì phải có lý do chính đáng.”

Trên khắp nước Mỹ, doanh nghiệp nào đang phải vật lộn với mức doanh thu giảm sút đều tiến hành cắt giờ làm việc của nhân công. Những người làm nghề tự do như dạy nhạc, giải trí và tư vấn quản lý cũng bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm nhu cầu sử dụng dịch vụ. Số người phải làm việc bán thời gian tăng lên, chủ doanh nghiệp không đảm bảo được chỗ làm trọn thời gian.

Tiền lương bị cắt giảm dần vô hình chung tạo nên áp lực khiến nền kinh tế Mỹ càng thêm suy sụp. Mối bận tâm của hầu hết người dân đều tập trung vào nạn thất nghiệp và thời gian nhàn rỗi. Nhưng điều ít được quan tâm hơn là thời gian làm việc bị rút ngắn và việc giảm tiền lương đối với hàng triệu công nhân trên khắp đất nước vốn là tác nhân làm cho nền kinh tế bị sụt giảm, tác động lên nhu cầu nhà ở, tài chính và các lãnh vực quan trọng của nền kinh tế.

Các nhà kinh tế cho biết mặc dù nạn thất nghiệp tăng lên không đáng kể, chỉ 5.1%, nhưng việc cắt giảm tiền lương và giờ làm việc đối với những người đang đi làm là nguyên nhân chính gây ra sự túng thiếu, đẩy thêm nhiều người Mỹ lâm vào tình cảnh khốn đốn. Hơn nữa, việc cắt giảm tiền công là một chỉ báo cho thấy quốc gia này đang đứng trên bờ vực của một đợt suy thoái.

Theo chỉ số so sánh của Bộ Lao Động Mỹ, tháng trước tính theo bảng lương giờ làm việc của những người ở Mỹ đã giảm xuống so với 6 tháng trước đó. Vào tháng 2-2001, chỉ số này đã xuống tới mức âm khi nền kinh tế của quốc gia này bước vào ngưỡng cửa của suy thoái. Tương tự, một đợt giảm như vậy cũng đã xảy ra vào tháng 8-1990, chỉ một tháng sau nền kinh tế của nước này đã sụt giảm nghiêm trọng.

Theo khảo sát của Bộ Lao động, từ tháng 3-2007 đến tháng 3 năm nay, có hơn 4,9 triệu người, tăng thêm 400.000 người kể từ tháng 11 năm ngoái, đang phải làm việc bán thời gian, do họ không kiếm được việc toàn thời gian, hoặc bị cắt giờ làm việc.

Hôm thứ tư vừa qua, Chính phủ nước này cho biết kể từ tháng 3 mức lương trung bình đã giảm vì giá thực phẩm và xăng dầu tăng cao và tốc độ lạm phát trong 6 tháng liên tiếp đã không được kiềm chế.

Khi số tiền kiếm được của người dân giảm xuống, họ sẽ phải tiết kiệm, giảm chi tiêu ăn uống và sử dụng các dịch vụ trước đây, điều đó sẽ tác động lan truyền đến các ngành liên quan khác. Thậm chí người dân còn phải cắt giảm chi tiêu cho việc cắt tóc, mua sắm trang phục.

Robert Barbera, nhà kinh tế đứng đầu hãng nghiên cứu và thương mại ITG, nhận xét: “Điều này có nghĩa là chi tiêu đã giảm xuống và tiếp tục giảm nữa.”

Tiền lương đang bị cắt giảm đúng vào lúc có hàng triệu người dân Mỹ tìm kiếm cách tiếp cận với các khoản tín dụng đã bị giới hạn. Việc đi vay bằng thế chấp bất động sản - nguồn cung cấp tài chính của các hộ gia đình trong những năm gần đây - đã không còn ngang giá khi giá nhà tụt xuống và các ngân hàng siết chặt tiêu chuẩn cho vay sau khi bong bóng nhà ở bị đổ bể.

Jared Berstein, nhà kinh tế cấp cao thuộc Học viện Chính sách Kinh tế ở Washington, chuyên về các vấn đề của người lao động, cho biết: “Vào lúc này, các ngã đường tiếp cận nguồn tài chính đều bị phong tỏa”. Ông nói thêm: “Tiêu thụ giảm xuống phần lớn là do cơ chế vận hành lỗi thời đối với việc chi trả lương và phân chia lợi tức.”

Dù phải đứng trước việc cắt giảm tiền công thì việc trả lương cũng phải tương xứng với tình trạng giá thực phẩm và giá xăng dầu đang leo thang. Theo Bộ Lao động Mỹ, thời gian từ tháng 2 đến tháng 9 năm 2007, tiền công của công nhân trong các khu vực tư nhân vẫn tăng lên nhanh hơn so với tốc độ lạm phát. Nhưng kể từ tháng 11 năm 2007 đến tháng 3 năm nay, tiền lương của họ bị giảm tương đối so với tốc độ lạm phát bởi nhiều lý do khác nhau.

Khi nền kinh tế bị suy thoái, nó sẽ làm tiêu tan những cơ hội kinh doanh và việc làm.

Thao Nguyễn (Theo The New York Times)

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as