Món ăn Việt: Bao giờ lọt vào top 5 của thế giới?

Tất cả đã sẵn sàng! Chuẩn bị đón khách.

Cách đây vài năm, người Thái đã dùng khẩu hiệu "Thái Lan - bếp ăn của thế giới" và kéo khách nước ngoài đến xứ sở này thành công không chỉ nhờ nền ẩm thực hấp dẫn, mà còn nhờ chiến dịch quảng bá kèm theo sự hỗ trợ có chiến lược của nhà nước. Để đưa được món ngon VN ra thế giới là cả một chiến lược mang tầm quốc gia lâu dài.

Ẩm thực vượt đại dương

Mỗi năm, tuy chưa có con số thống kê chính thức, nhưng có khoảng gần vài trăm đầu bếp Việt sang các nước làm việc, mở nhà hàng, hay làm bếp phó... trong các khách sạn 4-5 sao ở Singapore, Nhật, Ấn Độ, Arab Saudi... Theo Chủ tịch Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn Đỗ Kiều Lân, hiện nay tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Thái Lan..., có nhiều nhà hàng VN mới mở. Một số nhà hàng chuyên về những món ăn Việt ngon nổi tiếng, còn lại là các món ăn phổ biến ở khu vực, trong đó có món ăn VN. Đặc biệt ở Nhật Bản, rất nhiều TP lớn đều có nhà hàng VN. Riêng ở Nam Phi có 2 nhà hàng Việt ở Cape Town.

"Theo chỗ tôi biết, thực khách nước ngoài bắt đầu để ý đến món ăn VN. Ngoài yếu tố mở nhà hàng tại các nước, còn phải kể đến yếu tố quảng bá ẩm thực VN thông qua kênh hội chợ ẩm thực thế giới. Ngày càng nhiều đoàn đầu bếp VN tham gia hội chợ ở Mỹ, Nhật, Nam Phi... Nếu như trước đây, người ta chỉ biết đến các món quốc tuý VN kiểu như phở, chả giò (nem rán), thì nay, phong vị món ăn Việt cùng nhiều phong cách vùng miền cũng đã bắt đầu được thực khách ưa chuộng. Bây giờ món ăn Việt đã được chấp nhận, thì tiến tới, chúng ta phải có sự quảng bá sâu rộng hơn, như thế mới có thể hy vọng món ăn VN vượt qua Thái Lan để lọt vào top 5 của thế giới" - Ông Lân cho biết.

Loay hoay đầu bếp Việt

Một nhà hàng Việt Nam tại Tokyo (Nhật).

Lương đầu bếp Việt ở trong nước và nước ngoài cũng đã thay đổi. Có đầu bếp lương cao hơn lương của tổng giám đốc một công ty. Tuy tay nghề khá cao, nhưng do chưa có kinh nghiệm quản lý, điều hành, lên món..., thành ra, đa số đầu bếp Việt chỉ giữ chức bếp phó (executive chef). Lương của đầu bếp VN cao nhất thường từ 1.200 đến 1.800 USD/tháng, trong khi người nước ngoài từ 6-7.000USD, có những nơi lên tới 12-13.000USD.

Nói về kinh nghiệm nấu món ăn Việt, bếp trưởng nhà hàng Vàng Son (TPHCM) Chung Nghĩa Phát cho biết: "Trong xu hướng hội nhập, tay nghề của đầu bếp VN ngày càng được nâng cao. Lý do là họ đi làm nhiều năm ở nước ngoài, nhìn thấy tổng thể ẩm thực thế giới, các khuynh hướng mới nhất để có thể ứng dụng và cập nhật. Đặc trưng của món ăn Việt là rất có chiều sâu nếu người nấu biết khai thác. Điển hình như nước mắm, nếu nấu cho người Việt thì không nói gì, nấu cho Tây ăn thì phải biết pha chế chỉ còn 30-40%, giảm nồng độ để họ quen dần".

Cũng như nhiều đầu bếp giỏi khác, anh Phát thường làm ở nhiều khách sạn trong và ngoài nước, để lấy kinh nghiệm. Là con nhà nòi (bố là bếp trưởng nhà hàng Thiên Hồng, Rex...), anh từng đoạt nhiều giải, trong đó có Huy chương Bạc cuộc thi phong cách ẩm thực quốc tế 2006 (ban giám khảo quốc tế), Huy chương Vàng cuộc thi ẩm thực ASEAN... Điều mà anh băn khoăn nhất là đẳng cấp của đầu bếp VN: Tay nghề không thua các nước trong khu vực, nhưng vì không tốt nghiệp ở trường lớn như ở Thụy Sĩ, Mỹ... nên chưa được trọng dụng, cất nhắc ở vị trí cao, hoặc hiếm có ai nổi tiếng trên khắp thế giới. "Đó là vì khả năng điều hành của người Việt mình chưa tốt, chưa bài bản, khả năng sáng tạo không cao" - Ông nói.

Quảng bá món ngon Việt từ đâu?

Tại những tuần lễ ẩm thực VN ở nước ngoài, nhiều bếp trưởng cho biết, món ăn VN được khách quốc tế ưa chuộng. Tại Tokyo, chỉ một buổi bán buffet mà khách Nhật đến rất đông (trên 400 khách) để thưởng thức món phở. Tuy nhiên, kênh hội chợ thôi chưa đủ. Chính vì thế, kênh gửi người dự thi các cuộc thi ẩm thực thế giới rất quan trọng. Việc các đầu bếp sau khi đi khắp nơi trên thế giới lại về VN và không muốn đi nữa nếu mức lương dưới 2.000USD/tháng, cho thấy tâm lý tự ti đã đành, mà sự chênh lệch trình độ đầu bếp trong và ngoài nước vẫn còn xa.

Theo ông Lân, hoạt động của hội đầu bếp cũng là một cách tiếp cận với thị trường ẩm thực thế giới, cụ thể là hội cử đầu bếp ra nước ngoài để trao đổi, hỗ trợ, giới thiệu món ngon VN. Ngoài ra, VN tham gia diễn đàn đầu bếp thế giới, tổ chức tập huấn để các đầu bếp có ý thức giữ gìn món Việt. "Tuy nhiên, về lâu dài, sự quảng bá này phải có tầm chiến lược, có sự hoạch định của Nhà nước, trên các kênh thông tin nước ngoài, trong các chương trình quảng bá du lịch đồng bộ như Thái Lan đã từng làm. Như thế mới hy vọng món ngon VN thực sự ra được thế giới" - Ông nói.

Theo Minh Thi (LĐCT)

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as