Trồng nấm - Hướng đi mới cho Cù lao Phố?

Câu chuyện một Việt kiều Úc trồng nấm bào ngư đã râm ran ở Biên Hoà, Đồng Nai từ nhiều ngày qua. Khi dẫn chúng tôi đến địa điểm, anh Châu Văn Hiệp – phó chủ tịch hội nông dân xã cho biết anh bận rộn cả sáng nay vì vừa dẫn một phó chủ tịch thành phố Biên Hoà phụ trách kinh tế đến gặp tác giả trồng nấm, chị Quỳnh Chi.

Làm chơi ăn thiệt

Nuôi nấm khoảng 10 tháng nay, chị Quỳnh Chi hiện có vài đầu ra ổn định: hệ thống siêu thị Co.opmart, Metro, các nhà hàng khách sạn. “Nhưng nếu ra chợ Biên Hoà mà hỏi nấm bào ngư Nhật thì chẳng ai biết đâu”, chị khẳng định. Như mọi câu chuyện làm ăn “vạn sự khởi đầu nan”, cây nấm của chị Quỳnh Chi khởi đầu cũng khá trầy trật. “Đợt đầu tiên thu hoạch cả mấy trăm ký, chị đem ra chợ mà chẳng ai mua vì họ thấy nấm to lạ quá. Một tai nấm to cỡ bàn tay, nặng vài trăm gram là bình thường. Sau có người bạn làm ở Co.opmart đến nhà chơi, thấy nấm ngon và nhiều nên bảo chị đi đăng ký và cung cấp cho siêu thị. Nay nấm hái được bao nhiêu là người ta mua hết”.

Trại đầu tiên của cơ sở nấm bào ngư Cù lao Phố có tổng cộng 25.000 bịch. Mỗi lần hái được trung bình từ 70 – 100kg, lúc nấm rộ có khi lên tới 200kg. Chị Quỳnh Chi đang triển khai thêm hai trại với số lượng 20.000 bịch/trại và dự kiến vận hành sau tết. Nấm bào ngư trên thị trường có nhiều loại, nói chung là được trồng theo phương pháp cấy meo, thuộc giống “nắng không ưa – mưa không chịu”, phải đủ độ ẩm, thoáng gió, ánh sáng vừa phải và đặc biệt phải làm vệ sinh thật sạch. Chị Quỳnh Chi giải thích: “Nếu không giữ được sạch thì nấm không ra. Khi bẻ nấm, phải chú ý hái luôn cả nấm nhỏ còn sót lại vì nếu một chân nấm bị hư sẽ làm thúi cả bịch. Bên dưới mỗi giàn nấm đều có lưới để hứng chất dơ khi hái nấm”. Đặc biệt nấm trồng ở đây không dùng thuốc hoặc bất cứ hoá chất nào.

Sinh sống và làm việc ở nước ngoài nhiều năm, khi về quê hương, chị Quỳnh Chi làm đại diện cho Costa Logistics, một công ty của Úc chuyên phân phối rau củ quả cho hệ thống siêu thị. Chị kể: “Ở hệ thống siêu thị nước ngoài, người mua đến các gian hàng rau quả rất ấn tượng với cách bài trí bắt mắt của từng sản phẩm theo quy chuẩn nhất định. Rất nhiều lần mình đi siêu thị, mua những túi rau, bịch nấm chỉ vì sản phẩm quá sạch, quá hấp dẫn, mang về nhà đôi lúc lại quên không dùng đến. Ý tôi muốn nói nhiều khi người mua bị thu hút bằng thị giác nhiều hơn là nhu cầu thật sự. Trong khi đó ở các siêu thị Việt Nam, việc bày biện rau củ vẫn chưa được chú trọng nhiều, rau thì cọng dài cọng ngắn, chất lượng không đồng bộ. Ngay cả bao bì cũng không bắt mắt. Điều này sẽ khiến người nông dân bị thiệt thòi...”

Từ ước mơ muốn chuyển giao công nghệ đóng gói bao bì rau quả của Úc cho hệ thống siêu thị trong nước, chị Quỳnh Chi “muốn có cái gì đó cho riêng mình sau khi không còn làm việc cho Costa Logistics”. Và trồng nấm là điều chị nghĩ đến, sau khi nhận thấy cây ăn quả không thành công trên đất cù lao quê hương. Nấm bào ngư ở bên Úc rất được ưa chuộng, giá đắt hơn cả thịt, đến 15 đô la Úc/kg, trong khi nếu sản xuất tại Việt Nam thì giá chưa đến 2 đô la Úc. Hơn nữa, người tiêu dùng cũng chuộng ăn nấm như một sản phẩm dinh dưỡng cao. Thậm chí có cả nhà hàng chuyên phục vụ lẩu nấm.

Từ những điều tai nghe mắt thấy ở hệ thống phân phối rau quả nước ngoài, chị Quỳnh Chi ứng dụng luôn vào sản phẩm nấm bào ngư trong trại của mình. Cách thu hoạch, kiểm định, làm vệ sinh, vô bao, dán nhãn… tất cả đều được các nhân công cẩn trọng, tỉ mỉ từng thao tác. Những túi nấm bào ngư thương hiệu cù lao Phố dần dần thu hút người tiêu dùng thành thị. Khi chúng tôi đến thăm trại, chị Quỳnh Chi tỏ ý tiếc rẻ là nếu được báo trước, chị đã để lại một giàn nấm chưa hái để chúng tôi mục sở thị, bởi nấm phải hái từ 3 giờ sáng rồi đóng gói bao bì để có mặt ở siêu thị lúc 7 – 8h.

Hướng đi mới cho Cù lao Phố?

Xã Hiệp Hoà bấy lâu nay chủ yếu canh tác lúa và nuôi heo. Thời cực thịnh của nghề chăn nuôi heo ở đây, ước tính tổng đàn trên 2.000 con. Đó là vào năm 2003. Anh Hiệp cho biết dịch lở mồm long móng làm giảm hơn phân nửa đàn và giảm cả giá heo hơi. Hai cơ sở nuôi lớn nhất là trại Lâm Thạnh Mỹ (chủ yếu heo thịt và nái) và Nguyễn An Đông (heo giống). Còn lại là các hộ gia đình chăn nuôi vài ba con. Nay giá heo tăng lại, nhưng dân không dám nuôi vì thức ăn gia súc tăng cao và thành phố có chủ trương chuyển hướng sang các hình thức canh nông khác. Đối với các hộ dân, nuôi chỉ vài con heo là cả một nguồn thu mong đợi nên phải có hình thức canh nông thật sự thuyết phục họ chấp nhận chuyển đổi. Vì vậy, nấm bào ngư Nhật của chị Quỳnh Chi đang là mô hình mà lãnh đạo thành phố Biên Hoà, theo lời của anh Hiệp, muốn triển khai rộng cho bà con nông dân.

Nói về chuyện trồng nấm, chị Quỳnh Chi thừa nhận cũng tích luỹ từ kinh nghiệm thực tiễn chứ chưa có cơ sở bài bản khoa học nào cả. “Thiếu gió thì quéo nấm, dư gió thì nấm khô”, chị đúc kết như vậy. Ngay cả chuyện độ ẩm tạo ra từ lớp cát ướt dưới nền trại và hơi nước phun ra từ hệ thống đường ống dẫn nước bao nhiêu thì vừa cũng chỉ “ổn” theo cảm nhận của riêng chị mà chưa có số liệu đo đạc cụ thể, chẳng hạn sử dụng máy đo độ ẩm. Đất cù lao Phố xung quanh bao bọc sông nước, nhưng nguồn nước ngầm rất sâu và bị phèn. Nước phun tưới nấm phải được trữ riêng và xử lý độ pH, nhưng tính chất của nguồn nước ngầm ở từng khu vực cũng khác nhau nên cần có quy chuẩn cụ thể.

Một điều chắc chắn là chị Quỳnh Chi không giấu nghề. Nhưng để có thể tư vấn hiệu quả, chị còn nhiều việc phải làm. “Nếu cần thiết thì sau tết, tôi sẽ về Úc, tham quan tìm hiểu thêm các trại trồng nấm ở đây và xin tư liệu hướng dẫn kỹ thuật của cục canh nông Úc. Phải như vậy mới có thể chuyển giao công nghệ an toàn và bài bản”. Trước đây, đã có một Việt kiều Mỹ đầu tư trồng nấm đến 85.000 bịch để có sản lượng đóng hộp xuất khẩu. Khi người này đến hỏi vì sao lứa đầu thu hoạch chỉ có khoảng 10kg nấm, chị Quỳnh Chi đoán có lẽ do thiếu nước. Câu trả lời của bà chủ mới vào nghề này không làm ông chủ làm ăn lớn kia cảm thấy hài lòng. Không liên lạc từ dạo đó do chị đi nhiều, sau này chị nghe nói dự án kia đã thất bại. Đối với những người nông dân muốn thu nhập bằng lao động chắt chiu trên những cây nấm, có lẽ chủ nhân trại nấm cù lao Phố phải nghĩ đến công thức “làm thiệt ăn thiệt”.

Lam Phong (SGTT)

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as