Trong mơ em gặp mẹ
Chẳng biết từ lúc nào người Việt Nam chúng ta có câu “lọt sàng xuống nia”, như để bao bọc chở che cho những cảnh ngộ trong gia đình mà chẳng may sự hạnh phúc “chưa có dịp” đến với họ.
Cũng như bao bạn bè khác, em Trần Thị Minh Sen ở thôn Đồng 1 xã Tân Thịnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang hàng ngày được cắp sách tới trường nhưng Sen lại có một hoàn cảnh thật khó khăn. Sen đã mồ côi mẹ từ năm 2004, em kể mẹ bị cảm, đột ngột chết mà không nói với chúng em một lời nào. Lúc đó em học lớp 6, còn cậu em trai chuẩn bị vào lớp 1, lúc đưa tang mẹ, nó còn chưa biết gì, thậm chí vẫn còn cười đùa với chúng bạn.
Từ thị trấn Kép vào nhà ông của Sen chừng hai cây số (em ở cùng ông bà). Kép là thị trấn mà trong chiến tranh phá hoại miền Bắc trước đây, Mỹ đã rải bom và để lại những hậu quả nặng nề. Cái tên Kép đã đi vào lịch sử. Quả là vùng quê Bắc bộ với những quanh co của hàng kênh và luỹ tre xanh, điều đầu tiên để cảm nhận nơi em ở cùng ông bà đó là một ngôi nhà cổ kính nhưng đầy mùi thuốc (do bà em ốm đã hơn 80 tuổi, hàng tuần phải có bác sỹ đến khám).
Sen và ông nội. |
“Cũng cảnh già cả, thỉnh thoảng con cái tập trung thăm nom, mới lại nhà quê nên hơi bừa bộn” - Ông Ích – ông nội của Sen năm nay 77 tuổi. Điều đặc biệt ở ông là sự lạc quan về cô cháu gái. “Con này nó tồ tệch nhưng được cái nó rất quyết tâm học tập để thoát khổ, các bác cháu cũng rất thương hại”. Ông rất vui tươi: “Hỏi Sen là tôi biết ngay ITA đến. Biết làm thế nào, mỗi người một số phận, nhưng quan trọng là con người chúng ta phải biết thương lấy nhau”.
Khi được hỏi đến người cha của mình, ông nội em nói bố nó ở chỗ khác. Nói đến cha đôi mắt em đượm buồn, mẹ mất sớm, cha không lành lặn, không còn khả năng lao động, nếu không có ông bà và các bác thì em cũng chẳng biết bấu víu vào đâu. Mỗi nhà mỗi cảnh như vậy nhưng các bác cũng có người khá, có người cực, sự giúp đỡ cũng chỉ phần nào cho nên nghị lực của em mới là điều quan trọng. Năm học lớp 9 vừa qua em được giải ba học sinh giỏi môn sinh vật cấp huyện. Đây là một điều đáng ghi nhận. Em tâm sự chẳng biết em thích môn Sinh vật từ lúc nào. “Em chỉ nhớ rằng em rất thích tìm hiểu những loài cây, những loài côn trùng. Nhìn những con côn trùng nhỏ nhoi mà chẳng bao giờ em dám xéo quằn”. Bên cạnh ông bà và các bác ( bố em là người con út ), phải chăng em đã tìm đến thiên nhiên, tìm đến các loài cây cỏ để nhớ đến hơi thở của mẹ. Mắt em ngấn lệ. “Thỉnh thoảng em vẫn hình dung như mẹ em đang ở đâu quanh đây. Trong mơ em luôn thấy mẹ. Em muốn học môn sinh vật tốt để sau này em thi khối B, thi vào trường Y, mong muốn của em là trở thành bác sỹ và học thật tốt để được học bổng”.
Em nhớ mẹ lắm, nhưng em còn thương em trai em hơn, nó cũng chẳng biết gì.
Thật xúc động khi người ta nhắc đến ITA rất đơn giản nhưng lại dễ nhớ và dễ mến. Ông nội của Sen nói rằng, mọi thông tin từ ITA tôi đều lấy từ trường Cấp II của cháu còn báo điện tử tôi không biết nó như thế nào. Nhưng một người cháu nội khác của ông (đang học trường Đại học Bách Khoa) chen vào nói rằng mọi thông tin từ Quỹ ITA Vì tương lai của Tân Tạo con sẽ đọc ông nghe. Ông lạc quan cười: “Thương cái con tồ tệch này”.
Hai chị em Sen. |
Chia tay ông Ích, em Sen và gia đình tôi cảm thấy dù ở đâu và dù cuộc sống của ai có khó khăn đến đâu trên đất nước chúng ta, bên cạnh sự giúp đỡ điều quan trọng chúng ta cần sự lạc quan, yêu đời để chiến thắng mọi khó khăn gặp phải. Tiếng ông Ích: “Ở làng tôi có một cậu mới hôm nào còn đi cày mà giờ đã ở nước ngoài. Được một bà Tây giúp đỡ giờ học giỏi lắm”. Tôi cảm phục sự lạc quan này, tôi biết ông cũng mong cháu mình có những may mắn như thế.
Tất nhiên Quỹ “ITA Vì tương lai” chỉ là một phần nhỏ trong cuộc đời em. Mọi sự thành công của em phải phụ thuộc vào nghị lực của em sau này. Nhưng sự quan tâm của Quỹ sẽ là bước đệm vững chắc cho em vượt lên số phận, để trong mơ em sẽ mơ thấy mẹ và mẹ sẽ cho em những thành công…
Bài, ảnh: Ngô Quang Vinh
Tin đã đăng
- Điều ước dành cho mẹ…
- Nguyễn Văn Quý - Cậu bé giàu nghị lực
- Bé mồ côi hai từ
- Thủ khoa con nhà nghèo
- Giàu con út, khó con út
- Cô học trò muốn vẽ ước mơ
- Người cậu nghèo và những đứa trẻ đáng thương
- Trường THCS Tân Lân: Chắp cánh những ước mơ của tuổi thơ
- Ông Nguyễn Văn Hồng: “Biết đến khi nào mới trả hết nợ…”
- Bà Nguyễn Thị Hạnh - Nghèo đói và bệnh tật đeo mang…