itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Chứng khoán / IPO Vietcombank: lại chờ

IPO Vietcombank: lại chờ

Khách hàng thực hiện giao dịch tại

Ngân hàng Ngoại thương VN chi

nhánh TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm

Đã có những dấu hiệu cho thấy Vietcombank (VCB) khó thực hiện chào bán cổ phần ra công chúng (IPO) trong tháng mười một. Nguồn tin từ VCB cho biết kế hoạch này sẽ chuyển sang tháng mười hai. Liệu đây có phải là thời hạn cuối cùng?

VCB vừa trình Chính phủ báo cáo về kết quả đàm phán vòng cuối cùng với các đối tác chiến lược. Từ danh sách này sẽ chọn ra 1-2 đơn vị để làm cổ đông chiến lược. Sau khi được Thủ tướng phê duyệt, VCB sẽ mất thêm 3-4 tuần chuẩn bị, tức sớm nhất cũng chỉ có thể IPO vào tháng mười hai.

Quyết định là ở… giá!

Theo các chuyên gia chứng khoán (CK), một trong những nguyên nhân chính khiến việc IPO của VCB phải lần lữa mãi là vì… giá. Trên thị trường đã xuất hiện những lời đồn đoán về giá mà các đối tác nước ngoài như Nomura, Goldman Sachs và General Electric đưa ra trên bàn đàm phán chỉ ở mức 43.000-65.000 đồng/cổ phần (kèm theo các điều kiện hỗ trợ khác nhau). Các mức giá này được giới trong ngành đánh giá là quá rẻ nếu so sánh cung - cầu đối với cổ phiếu các tổ chức tài chính "chất lượng cao" trên thị trường.

Một số nhà đầu tư (NĐT) còn quả quyết nếu so sánh VCB trực tiếp với Ngân hàng Á Châu thì giá của VCB phải lên đến 200.000 đồng/cổ phần. Chính vì thế, giá của VCB đến nay vẫn là một bài toán khó giải vì phải dung hòa giữa lợi ích của Chính phủ (không bán rẻ tài sản quốc gia) với lợi ích của NĐT trong và ngoài nước.

Đừng nói chuyện sớm muộn!

Bình luận về việc VCB cổ phần hóa không có lịch trình cụ thể mà làm tới đâu hay tới đó, một số chuyên gia CK cho rằng việc này đã ít nhiều gây tác động đến thị trường.

Những NĐT, đặc biệt là các NĐT lớn có kế hoạch đầu tư vào VCB, chắc chắn sẽ phải "xả hàng" ra để thu hồi vốn trước thời điểm được công bố IPO. Khi thời điểm IPO VCB bị trì hoãn, kế hoạch của những NĐT này chắc chắn sẽ bị đảo lộn. Ngoài ra, nhiều NĐT hiện vẫn đang có tâm lý "chờ và thấy" mức giá của cổ phiếu VCB. Bởi lẽ giá của VCB chắc chắn sẽ gây tác động đến các CP ngành tài chính ngân hàng đang niêm yết trên thị trường, từ đó ảnh hưởng dây chuyền đến thị trường, có thể tích cực hoặc ngược lại.

Theo nhà phân tích CK Lê Đạt Chí, giá cổ phiếu ngành xây dựng và bất động sản - những ngành ít chịu sự tác động của đợt IPO VCB - nóng lên trong thời gian gần đây cũng phần nào cho thấy nhiều NĐT đã "trú ẩn" sang lĩnh vực này để tránh bị ảnh hưởng. Một chuyên gia CK khác cũng cho rằng việc lùi thời điểm IPO VCB cũng tác động không ít đến tâm lý của những NĐT lớn của nước ngoài, nhất là những tổ chức có kế hoạch đầu tư dài hạn vào lĩnh vực tài chính ngân hàng. Báo cáo của một ngân hàng nước ngoài mới đây cũng cho thấy từ giữa tháng mười, những luồng vốn lớn đầu tư từ nước ngoài vào VN dường như đã chậm lại.

Tuy nhiên, các ý kiến khác cho rằng lộ trình IPO VCB không theo kế hoạch thời gian là điều rất khó tránh khỏi. Theo chuyên gia CK Huỳnh Anh Tuấn, phương án và giá bán cho cổ đông nước ngoài của VCB sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phương án và giá của các ngân hàng quốc doanh khác như Công thương, Đầu tư phát triển, Nông nghiệp, Phát triển nhà ĐBSCL trong thời gian tới. "Việc thận trọng trong chọn lựa cổ đông chiến lược, do vậy là điều hoàn toàn hợp lý và dễ hiểu. Không thể vì áp lực về lộ trình hay quyền lợi của một số, thậm chí một nhóm NĐT nào đó mà vội vàng đưa ra quyết định. Bởi lẽ thiệt hại không chỉ của riêng VCB mà của cả nền kinh tế nói chung" - ông Tuấn nói.

Ông Dominic Scriven - giám đốc Công ty quản lý quĩ đầu tư Dragon Capital (Anh): 

Không chỉ "chăm bẳm" vào giá

Tôi không ngạc nhiên khi nghe tin VCB lại lỗi hẹn IPO. Việc chậm trễ này có thể hiểu được bởi việc tìm kiếm các đối tác chiến lược phù hợp không phải là công việc dễ dàng. Nó đơn giản không chỉ là bán với giá nào mà đối tác nào có thể giúp ích nhiều nhất cho việc cơ cấu lại doanh nghiệp, tức là những đối tác phù hợp nhất. Ngay cả Bảo Việt cũng mất nhiều thời gian hơn dự kiến mới có thể chọn được đối tác chiến lược.

Trong khi đó, VCB được xem như là một điển hình trong cổ phần hóa, được giới đầu tư trong nước cũng như nước ngoài và cả các doanh nghiệp khác quan tâm. Sự quan tâm này không chỉ đơn giản là giá trị của VCB được định như thế nào, mà việc cổ phần hóa nó được thực hiện ra sao. Do vậy, sự chậm trễ trong kế hoạch IPO của VCB ít nhiều cũng sẽ gây ảnh hưởng đến tâm lý NĐT, nhưng tích cực hay tiêu cực còn phụ thuộc vào điều mà mỗi NĐT quan tâm. Dù sao tôi cho rằng nếu không làm nhanh với hiệu quả cao được, tốt hơn hết là nên làm chậm mà hiệu quả đem lại làm nhiều người hài lòng hơn.

Như Hằng – Hải Đăng