Ăn mày thế gian
Sống trong gia đình hầu hết cả nhà đi ăn xin, em Lê Thị Thuý được coi là một “hiện tượng” khi mà trong tình cảnh lam lũ như vậy em vẫn học giỏi. Em sinh năm 1992 nhưng năm nay mới chỉ học lớp 5!
Ông Lê Hữu Tân, 66 tuổi là bố của em bị mù từ khi ông lên 4 tuổi, chẳng nhìn thấy trời đất đâu cả mà đẻ rõ nhiều. Ông có 2 vợ. Bà Nguyễn Thị Mùi, 58 tuổi có 4 người con, sức khoẻ yếu, tinh thần không bình thường. Vợ hai là bà Nguyễn Thị Khánh, 52 tuổi có 6 người con. Trong số 10 người con của hai vợ có 1 con gái đi lấy chồng, còn lại nheo nhóc, rách rưới bám vào 2 sào ruộng, ruộng không được đầu tư phân tro nên rất kém, gặp sâu bệnh là mất trắng. Ông Tân cứ mỗi quý được trợ cấp 195 ngàn! Các con của ông chỉ có 4 đứa là đi học, Thuý sinh năm 1992 học lớp 5, một cậu khác cũng ngang tuổi Thuý cùng học lớp 5, còn lại hai đứa bé, một đứa 10 tuổi, một đứa 8 tuổi năm nay mới bắt đầu vào lớp 1. Ở nhà ông Tân trẻ nhỏ thì đi xin ăn còn những đứa lớn hơn đi xúc đá, xúc đất làm thuê. Bà vợ hai theo lời ông nói chỉ ở nhà, cũng chẳng đi được đâu mà xin ăn vì luôn đau ốm, không đủ sức khoẻ để “lê lết”.
Quanh đi quẩn lại nhà cửa chẳng có cái gì, chẳng chăn nuôi con gì, nuôi con chó cũng gầy dơ xương vì người cũng chẳng có gì mà ăn nữa là chó. Mà khi chó lớn lên lại bán cho hàng Thịt Cầy để lấy tiền đong gạo, một con chó cũng được hơn trăm nghìn. Mấy đứa con nhà ông, đứa thì câm, đứa thì lé mắt, đứa thì méo mồm, mỗi em Thuý là xinh nhất nhà. Hàng ngày em phải dậy sớm để đi đến trường tranh thủ trực nhật cho mấy lớp khác kiếm mấy chục ngàn một tháng, việc này cũng do các cô giáo trong trường tạo điều kiện giúp đỡ em, thêm thắt đồng tiền cho em, em đi học vẫn phải đóng tiền học phí, chỉ mỗi tiền xây dựng trường là được miễn. Ngoài việc học hành chính khoá, Thuý tham gia vào lớp luyện chữ đẹp của huyện để giúp đỡ những bạn cùng khối và cùng trường.
Đại gia đình em Thúy. |
Nhà em trông cái gì cũng rách rưới, ông Tân bị mù từ năm lên 4 tuổi nhưng có lẽ do gien trong gia đình – ông nói vậy vì thân mẫu của ông cũng bị mù, nay đã mất. Bác Lưu Thị Đức, người hàng xóm và cũng là uỷ viên của Hội phụ nữ xóm Trung Sơn, thị trấn Nhồi, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá cho biết hàng quý Hội và xã cũng có chút quà giúp đỡ nhưng không ăn thua, nhà ông nheo nhóc vẫn hoàn nheo nhóc. Một người hàng xóm khác thì nói: Xã mấy lần mời lên để nói gia đình ông phải sinh đẻ có kế hoạch, nhưng chẳng có cách nào để ngăn nổi những đứa trẻ cứ sòn sòn năm một ra đời. Vì vậy hai vợ ông có cả thảy 10 người con. Bà hàng xóm còn cho biết thêm có thể ông ý nghĩ rằng đẻ ra những đứa trẻ trông chúng nheo nhóc xin ăn cho dễ, nhưng ông đâu biết nó là gánh nặng không những cho cả đại gia đình ăn xin của ông mà còn cho cả xã hội. Ngán ngẩm nhưng có lẽ sự thất học và không hiểu biết là nguyên nhân chính. Cái đó thực sự không quan trọng khi hàng ngày dạ dày của những đứa trẻ nhà ông nó cứ cào cấu!
Khi chia tay tôi còn nghe văng vẳng lời một bà cùng làng em Thuý: Tài trợ cho họ như muối bỏ bể thôi anh ạ. Nhưng thực tình chúng tôi thương em Thuý, tôi phải nhấn mạnh, đáng nhẽ tuổi em năm nay học lớp 10 vậy mà em mới có học lớp 5, nhiều hôm chỉ được ăn một bữa cơm 1 ngày. Tôn chỉ của Quỹ “ITA Vì tương lai” là giúp đỡ các em, tạo cho các em những cơ hội để học tập tốt, để thoát khỏi sự lam lũ, sự khổ cực. Chỉ có học đời em mới tươi sáng, chỉ có sự hảo tâm, sự định hướng và giúp đỡ thì cuộc sống của em, việc học tập của em mới có động lực để phát triển, để em không rơi vào cảnh ăn mày lê lết thế gian!
Bài, ảnh: Ngô Quang Vinh