Các số liệu kinh tế thiếu độ tin cậy của Trung Quốc: Máy tính hỏng?

Khi tầm quan trọng của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu tăng lên, các nhà đầu tư chú ý hơn đến các số liệu kinh tế của nước này. Tuy nhiên, các số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc có tiếng là kém chất lượng.

Một số nhà bình luận cáo buộc chính phủ nước này phóng đại mức tăng trưởng GDP vì những lý do chính trị, số khác than phiền có sự gian lận trong việc đưa ra tỷ lệ lạm phát chính thức thấp.

Một lý do khiến người ta nghi ngờ về số liệu GDP vì Trung Quốc luôn luôn là một trong những nước công bố số liệu này trước tiên, thường chỉ hai tuần sau khi kết thúc mỗi quý, trong khi hầu hết các nền kinh tế phát triển phải mất từ bốn đến sáu tuần mới tính toán xong.

Điều đáng ngạc nhiên la hầu hết các nhà kinh tế đều cho rằng, Trung Quốc đã nói giảm đi mức tăng trưởng của mình trong những năm gần đây. Cục Thống kê Quốc gia (NBS) của Trung Quốc mới đây đã sửa lại mức tăng trưởng GDP tăng thêm ½ phần trăm điểm trong các năm 2006 và 2007, tương ứng với 11,6% và 11,9%, do sự tăng trưởng mạnh hơn về các ngành dịch vụ - lĩnh vực mà các nhà thống kê chính phủ nhận thấy khó tính toán hơn so với ngành công nghiệp. Tuy nhiên, những số liệu được sửa đổi này thậm chí vẫn còn mang tính bảo thủ.

Các tỉnh thành Trung Quốc báo cáo GDP độc lập, và tính bình quân ra thì các số liệu của họ luôn luôn có tỷ lệ cao hơn về sản lượng và mức tăng trưởng so với các số liệu được Chính phủ trung ương báo cáo (Xem bảng). Thực ra, các quan chức địa phương có động cơ thổi phồng các số liệu tăng trưởng vì sự thăng quan tiến chức của họ tùy thuộc vào thành tích kinh tế. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy các bảng số liệu của chính quyền địa phương thì chính xác hơn các số liệu của Bắc Kinh. Ví dụ, các số liệu được xuất bản lần đầu tiên năm 2004 cho thấy tổng số GDP cấp tỉnh là 19%, lớn hơn số liệu được công bố ở cấp quốc gia. Lạ thay, vào năm 2005, sau một cuộc tổng điều tra kinh tế quốc gia, nhiều dịch vụ đã được cộng thêm vào, thế là NBS đã đưa ra mức GDP thành 17%; Cơ quan này cũng đẩy mức tăng trưởng hàng năm lên trong vòng hơn một thập niên qua.

Stephen Green, nhà kinh tế thuộc Standard Chartered, ước tính năm 2007 tổng sản lượng của các tỉnh là 10%, cao hơn con số Bắc Kinh báo cáo. Mức tăng trưởng bình quân của các tỉnh là 13,1%, cao hơn 1,2 phần trăm điểm so với mức tăng trưởng được trung ương tính toán lại ở cấp quốc gia, mặc dù khoảng cách đã được thu hẹp gần 3 điểm so với hồi năm 2005. Có lẽ chính điều này mà ông Green nhận định, nhân viên NBS trung ương đã dứt khoát rằng họ nên tin theo các bản báo cáo của địa phương hơn. Nhưng, chỉ có các viên chức địa phương mới có động cơ thổi phồng các con số, chính vì lẽ đó nên Bắc Kinh mới có lý do để giảm bớt các số liệu trên, với mong muốn giảm bớt sức nóng của nền kinh tế. Tăng trưởng GDP thật của Trung Quốc, vì thế, có thể vẫn cao hơn, điều dường như tăng thêm các mối lo ngại về sự tăng trưởng quá nóng của nền kinh tế.

Sự thiếu tin cậy vào GDP đã khiến nhiều nhà quan sát về Trung Quốc tìm kiếm các phương pháp đo lường khác về tăng trưởng hàng tháng. Jonathan Anderson, thuộc UBS, sử dụng cách đo lường dựa trên sản xuất (chẳng hạn, công nghiệp, điện và xây dựng) và cách đo lường khác dựa trên chi tiêu (kinh doanh bán lẻ, đầu tư cố định, xuất khẩu ròng). Không có cách nào trong số những cách đó chỉ ra được sự gia tăng đột ngột như năm 2004-2005 GDP đã tăng. Có một giải thích cho rằng sự gia tăng đột ngột được công bố trong GDP có lẽ là nhằm cố gắng sửa chữa những số liệu tăng trưởng được giảm bớt trước đây; với mục đích là có thể làm dịu bớt những quan ngại về sự quá nóng của nền kinh tế.

Thêm vào đó, chính phủ còn cân bằng mức tăng trưởng GDP hàng quý; những chỉ số được sửa đổi nhiều hơn thuộc vào loại ít nhạy cảm về chính trị, chẳng hạn như các chỉ số sản xuất công nghiệp. Ví dụ, mặc dù có những cơn bão tuyết nghiêm trọng và xuất khẩu ròng yếu hơn, nhưng mức tăng trưởng GDP quý đầu đã chậm lại hơn so với mức mong đợi và chậm hơn nhiều so với mức sản xuất công nghiệp. Chính phủ nước này có thể đã tạo ra được những con số trông hợp lý hơn để tránh bị chỉ trích về chính sách thắt chặt tín dụng của mình.

Trung Quốc hiện nay là cổ máy tăng trưởng toàn cầu

Thêm vào và bớt đi những gì?

Biểu đồ nằm bên phải đo lường độ tin cậy của các số liệu thống kê Trung Quốc, dựa trên sự phân tích của Goldman Sachs. Trong những con số được xem xét cẩn thận này thì số liệu ở cột đầu tư tài sản cố định là ít tin cậy nhất. Các số liệu đó tính luôn cả việc mua đất, điều chỉ phản ảnh những thay đổi quyền sở hữu, chứ không phải một sự tăng thêm về khả năng hay giá trị gia tăng. Vì vậy, sự gia tăng giá đất trong những năm qua đã dẫn tới việc phóng đại về mức độ và sự tăng trưởng đầu tư. Ngược lại, sự chi tiêu của người tiêu dùng dường như chắc chắn cao hơn và tăng nhanh hơn so với các số liệu chính thức đưa ra. Các ngành kinh doanh bán lẻ thường được sử dụng để giải thích cho việc tiêu thụ tư nhân, nhưng chúng lại không tính các ngành dịch vụ - phần gia tăng nhanh nhất về ngân sách của các hộ gia đình.

Mức lạm phát thật của Trung Quốc hầu như chắc chắn cao hơn các báo cáo chỉ số giá cả người tiêu dùng (CPI). Vấn đề ở đây là CPI dường như dựa vào những mức giá của dịch vụ sức khỏe, vận tải và giáo dục do nhà nước cung cấp trong khi lại lờ đi những thành phần tư nhân quan trọng ngày càng tăng lên.

Số liệu về 36 thành phố do Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia thu thập cho thấy kể từ năm 2001, lạm phát trong ngành y tế và giáo dục đang xoay quanh ở mức 5-10%, chính xác hơn 1-2% số liệu được báo cáo trong CPI. Tuy nhiên, nếu như tính toán chính thức này làm giảm mức lạm phát xuống, thì những thay đổi trong nó có thể vẫn là một sự đánh giá công bằng theo thời gian. Vì vậy, Goldman Sachs xếp loại nó ở mức độ tin cậy tương đối cao.

Ngoại thương có lẽ là chỉ số kinh tế chính xác nhất. Các nhà phê bình đã buộc tội Trung Quốc làm giả các số liệu thương mại, bởi vì giá trị hàng xuất khẩu của nước này do chính nước nhập khẩu tính toán lúc nào cũng cao hơn số liệu Trung Quốc báo cáo. Sự chênh lệch này phản ánh một thực tế rằng các số liệu thương mại song phương của Trung Quốc không tính lượng hàng hóa được chở đến Hong Kong trước khi chúng được tái xuất khẩu. Nhưng điều này sẽ không ảnh hưởng đến toàn bộ con số hàng xuất khẩu và số liệu Hong Kong tính toán chi tiết sẵn để điều chỉnh dòng chảy thương mại song phương.

Món quà trời cho về các số liệu khéo che đậy nhất đều thuộc về thị trường lao động. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị từng quý là vô nghĩa vì nó không tính số lượng công nhân bị sa thải tại các công ty của nhà nước cũng như số lượng lớn công nhân sống ở thành thị mà không có hộ khẩu. Chỉ số tiền lương cũng tệ hại không kém. Gần đây, có nhiều mối quan ngại về tốc độ gia tăng nhanh hơn mức thu nhập trung bình ở thành thị. Nhưng dãy số liệu này không tính các công ty tư nhân, thành phần tạo ra nhiều việc làm trong những năm gần đây.

Hiện nay, Trung Quốc là một cỗ máy tăng trưởng toàn cầu, điều cấp bách mà nước này cần làm là cải thiện dữ liệu kinh tế. Chỉ có người mất trí mới lái chiếc gia-ga-nat (1) với tốc độ tối đa bằng một công tơ mét hỏng, gương chiếu hậu nứt nẻ và kính chắn gió phủ đầy sương.

(1) Từ điển Lạc Việt giải thích: Gia-ga-nat [Juggernaut] là tên một vị thánh ở Ấn Độ. Hình ảnh vị thánh này (thường) được đặt trên một chiếc xe diễu qua phố và những người cuồng tín (thường) đổ xô vào để xe cán chết.

Thao Nguyễn (dịch từ bản in của tạp chí The Economist)

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as