Một vài phân tích lạc quan về thị trường Hoa Kỳ

Nền kinh tế đang trong tình trạng rối loạn và nỗi lo sợ đang bao trùm phố Wall. Không có gì đáng ngạc nhiên. Nhiều ngân hàng và các công ty tài chính thông báo mức thua lỗ khổng lồ. Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đã có kế hoạch cứu Ngân hàng đầu tư Bear Stearns. Giá nhà ở đang tụt dốc.

FED đang cắt giảm lãi suất để chiến đấu với suy thoái, thị trường chứng khoán vẫn không bình ổn. Chỉ số Dow Jones đung đưa dữ dội, thậm chí ngấp nghé mức chịu đựng tối đa của thị trường. Đồng thời, giá dầu tăng vùn vụt trong lúc đồng đô la tiếp tục giảm mạnh. Tất cả đang rối tung đến cực độ.

Nhưng vấn đề thực sự gây thêm nỗi lo sợ tiếp theo nữa là gì? Có phải chúng ta chỉ mới ở điểm khởi đầu của một đợt suy thoái sâu và một đợt sụt giảm đến mức triệt tiêu luôn giá cả cổ phiếu? Vấn đề là bằng cách nào bạn có thể bảo vệ tốt nhất việc đầu tư của mình?

Thật sự nếu tập trung suy nghĩ sâu hơn một chút về những mối âu lo khiến chúng ta phải mất ngủ trong thời gian này, thì có thể thấy rằng: triển vọng nền kinh tế, triển vọng danh mục đầu tư của bạn sẽ không đến nỗi tồi tệ như bạn nghĩ.

Đã từng có những đợt suy thoái kinh tế trước đó, tại sao những diễn biến trong hiện tại dường như gây cho chúng ta nỗi sợ hãi lớn hơn?

Thông thường, thị trường chứng khoán tụt giảm dài ngày và các đợt suy thoái đơn giản chỉ là một giai đoạn của chu kỳ kinh doanh. Nhưng sự suy sụp hiện nay của thị trường chứng khoán và của nền kinh tế có sự khác biệt và tiềm ẩn một mối nguy hiểm cao hơn, cội nguồn của cuộc khủng hoảng tài chính.

Những nội dung chính của câu chuyện hiện nay có sức ép tương tự. Khi thị trường bất động sản kết thúc thời hoàng kim, thì công cụ tài chính dùng để bảo đảm cho thị trường tín chấp nhà bình ổn trở lại đã hóa thành liều thuốc độc. Các ngân hàng và những tổ chức khác sở hữu món nợ này - hoặc là có dính líu một cách gián tiếp đến nó - đột nhiên nhận ra mình phải gánh chịu những khoản thua lỗ khổng lồ. Chính xác bao nhiêu thì không ai dám chắc. Tình trạng bất ổn này buộc họ thận trọng hơn đối với các khoản cho vay, và kết quả là các công ty lệ thuộc nhiều vào các khoản vay ngắn hạn lập tức bị thương tổn.

Giá nhà sụt giảm và lãi suất tín dụng tăng lên đã trực tiếp đánh vào người tiêu dùng. Lượng tiền mặt trợ cấp được tung ra để những người sở hữu nhà thanh toán nợ nần và hỗ trợ mức sống càng khó tiếp cận hơn. Nỗi sợ hãi to lớn này buộc người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu, lại giáng thêm một đòn vào tín dụng, kích khởi một đợt suy thoái còn tồi tệ hơn nhiều so với sự sụt giảm của một chu kỳ kinh doanh bình thường.

Những điều tồi tệ đó xảy ra như thế nào?

Thị trường chứng khoán sụt giảm dài ngày bị đánh bồi bằng một cú sốc có thể nói là nghiêm trọng.

Cuộc đại suy thoái của những năm 1930, tình trạng đình lạm gây ra bởi cuộc khủng hoảng dầu hỏa vào những năm 1970 và sự bùng nổ thị trường bất động sản ở Nhật Bản vào những năm 1990 - tất cả đã triệt tiêu khả năng hồi phục của cổ phiếu trong nhiều năm.

Thuộc trường phái các nhà kinh tế bi quan, ông Nouriel Roubini - Trường đại học New York - lo ngại rằng FED khó lòng ngăn chặn sự thiệt hại do thị trường nhà ở sụp đổ. Roubini nhận định, nếu chính phủ không có sự can thiệp toàn diện thì giá nhà ở sẽ sụt giảm mạnh thêm nữa. Các ngân hàng buộc phải giảm giá trị của các tài sản được ghi trên văn tự tín chấp xuống thấp hơn nhiều so với giá trị thật của chúng.

Kết quả của các ảnh hưởng dây chuyền này có thể đánh sập toàn bộ khu vực tài chính, các khoản cho vay thương mại và thương mại bất động sản. Tiến trình khôi phục và giảm bớt thiệt hại cho các nhà đầu tư có thể mất một vài năm.

Những nhà đầu tư bi quan khác tỏ ra thận trọng, mặc dù nhiều người vẫn cho rằng sự sụt giảm giá nhà đã vượt qua được nửa giai đoạn trong những điều kiện tốt nhất. Họ cho rằng, cổ phiếu sẽ phải chịu đựng những đợt sụt giảm nghiêm trọng khác và bất kỳ phản ứng ngắn hạn nào về giá cả sẽ chỉ chứng tỏ được sức trì hoãn tạm thời mà thôi.

Điều đó nghe có vẻ tồi tệ, nhưng tại sao cần phải lạc quan?

Trước tiên, nên nhớ rằng những người dự đoán về sự sụp đổ như những dòng đầu của bài viết này chính xác là những quan điểm quá cực đoan. Còn hầu hết các dự báo đều lạc quan hơn. Tổ chức Dự báo UCLA Aderson vẫn tiên đoán rằng đợt sụt giảm này sẽ không đủ nghiêm trọng để xếp nó vào một đợt suy thoái chính thức. (Về phương diện lượng hóa, nền kinh tế phải thực sự bị suy sụp ít nhất là 6 tháng, chứ không phải chỉ đình đốn)

Edward Yardeni thuộc Trung tâm Nghiên cứu Yardeni, là một trong số các nhà kinh tế hy vọng đây chỉ là đợt suy thoái ngắn và nông trong nửa đầu năm nay và bắt đầu hồi phục vào mùa thu này (Mùa thu ở Bắc Mỹ bắt đầu vào ngày 21-9 đến 20-12). Ông cũng tiên đoán rằng lợi nhuận kinh doanh tính theo chỉ số S&P500 sẽ tăng 7% năm nay. Yardeni cũng lưu ý rằng tỷ số giá cả/lợi nhuận (P/E) của các cổ phiếu có giá trị cao là khá thấp và các cổ phiếu tăng trưởng ở mức giá rẻ nhất trong hơn một thập niên qua.

Ngay cả Warren Buffet, người từng nói chúng ta đang ở trong một đợt suy thoái, vẫn kỳ vọng vào việc kinh doanh dài hạn. Công ty Berkshire Hathaway của ông, về cơ bản đã bán đi nhiều quyền chọn để đánh cược vào thị trường chứng khoán đang sụt xuống mức gần đáy sàn.

Triển vọng tương lai của nền kinh tế sáng sủa hơn so với những gì mà hầu hết các nhà đầu tư suy nghĩ. Bởi một điều, dường như hầu hết mức thiệt hại đã xảy ra và giá cả cổ phiếu hiện nay phản ảnh những vấn đề đã được công nhận một cách rộng rãi. Thêm vào đó, nếu nhìn lại để tìm thấy những nét tương đồng giữa ba biến cố gây sốc của 80 năm trước với tình hình của ngày hôm nay, thì chẳng có gì thực sự phù hợp với những hoàn cảnh hiện tại:

(còn tiếp)

Thao Nguyễn (theo CNNMoney.com)

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as