Nền kinh tế Hoa Kỳ đang chạm ngưỡng suy thoái

ảnh www.kcbs.com

Những khả năng cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ rơi vào đợt suy thoái thứ nhất kể từ năm 2001 đang tăng lên mạnh mẽ.

Theo một cuộc khảo sát được công bố hôm thứ hai, 30% các nhà kinh tế, so với 10% hồi tháng giêng, tin rằng nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ khựng lại trong nửa đầu năm nay. Cuộc khảo sát do Hiệp hội Quốc gia Kinh tế Doanh nghiệp, viết tắt là NABE, thực hiện.

Ông Ken Simonson - nhà kinh tế cấp cao thuộc Hiệp hội Các Nhà thầu Hoa Kỳ, chủ trì cuộc khảo sát - nhận xét: “Đó là một sự chênh lệch đáng báo động”, và kết quả của toàn bộ cuộc khảo sát là “cực kỳ tối tăm”.

Theo quy luật chung, nếu một nền kinh tế bị khựng lại trong vòng sáu tháng liên tiếp thì nó được xem là rơi vào suy thoái. Nhiều nhà kinh tế và dân chúng tin rằng đất nước họ đang lâm vào suy thoái kinh tế. Ngay cả Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang, ông Ben Bernake, lần đầu tiên cũng vừa thừa nhận rằng một đợt suy thoái xảy ra là điều hoàn toàn có thể.

Theo ông Simonson, các nhà dự báo “đã quan sát khúc dạo đầu của đợt suy thoái ảnh hưởng đến công ty riêng của họ và toàn bộ nền kinh tế”.

51% các nhà dự báo tham gia cuộc khảo sát nghĩ rằng tăng trưởng kinh tế trong nửa đầu năm nay sẽ đạt từ 0 đến 1%. Điều này đang báo hiệu về một hiện trạng suy yếu của nền kinh tế. 16% cho rằng mức tăng trưởng trong nửa đầu năm nay ở khoảng giữa 1 và 2%, trong khi chỉ có 3% đặt mức tăng trưởng ở vào khoảng giữa 2 và 3%. Không một nhà dự báo nào tin rằng tăng trưởng năm nay vượt mức 3%.

Quý 1 đã kết thúc, trong khi đó tốc độ tăng trưởng chỉ đạt được 0,6%. Nhiều nhà phân tích nói rằng tỷ lệ tăng trưởng bình thường phải ở mức trên 3%. Chính phủ sẽ báo cáo về hiệu suất nền kinh tế quý 1 vào cuối tháng này, trong khi các kết quả của qúy 2 không thể biết trước cho đến cuối tháng 6.

Ba cuộc khủng hỏang: nhà ở, tín dụng và tài chính, đã giáng một đòn lên quốc gia, tạo ra một sự nhiễu loạn như nhau trong việc chi tiêu của người dân và doanh nghiệp. Không những thế, điều này còn làm suy yếu hoạt động kinh tế của đất nước.

70% nhà kinh tế nói rằng họ đã tỏ ra bi quan hơn về triển vọng tương lai của nền kinh tế so với cách đây ba tháng.

45% các nhà kinh tế dự đoán sẽ có một đợt sụt giảm lớn về nhà ở trong sáu tháng tới. Sự sụt giá nhà ở, kéo theo giá trị nhà cửa giảm xuống dẫn tới số lượng nhà ở bị niêm phong tăng vọt, sẽ trở thành gánh nặng lớn cho nền kinh tế.

Cũng theo cuộc khảo sát này, 39% chủ doanh nghiệp, so với 26% so với hồi tháng giêng, nói rằng tín dụng xấu đã ảnh hưởng một cách tiêu cực đến doanh nghiệp của họ.

Cuộc khảo sát cho biết những quả đấm làm suy yếu điều kiện phát triển kinh tế và khiến giá cả năng lượng và các loại hàng hóa khác tăng vọt đang vắt kiệt biên độ lợi nhuận của các công ty.

Cuộc chiến đấu nhằm hạn chế mức độ thiệt hại cho nền kinh tế đã buộc Cục dự trữ Liên bang [FED] cắt giảm lãi suất và áp dụng nhiều biện pháp bất thường nhằm trợ giúp các hệ thống tài chính vượt qua những vấn đề tín dụng, vốn là mối đe dọa làm tê liệt toàn bộ hệ thống tài chính.

Thú vị hơn khi có tới 69% số người tham gia cuộc khảo sát nói rằng hành động của FED chẳng có tác dụng gì đối với doanh nghiệp của họ.

Cuộc khảo sát này, dựa trên kết quả trả lời của 109 thành viên thuộc NABE, được thực hiện từ ngày 24-3 đến 8-4.

Thao Nguyễn (Theo AP)

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as