Trung Quốc mua đất ở nước ngoài để sản xuất lương thực

Giá thực phẩm tăng cao ở Trung Quốc

khiến chính quyền nước này lo ngại

Các công ty Trung Quốc sẽ được khuyến khích mua đất nông nghiệp ở nước ngoài, đặc biệt là ở Châu Phi và Nam Mỹ, để giúp đảm bảo an ninh lương thực theo một kế hoạch đang được Bắc Kinh xem xét.

Bản kiến nghị do Bộ Nông nghiệp phác thảo sẽ ủng hộ các công ty nông nghiệp nội địa mua đất dựa trên chính sách của chính phủ trung ương. Bắc Kinh đã phát động những chính sách tượng tự để thúc đẩy các ngân hàng quốc doanh, các nhà sản xuất và các công ty dầu khí đầu tư ở ngoại quốc, tuy nhiên đầu tư nông nghiệp ở nước ngoài cho đến nay chỉ được giới hạn trong vài dự án nhỏ.

Nếu được thông qua, kế hoạch này có thể phải đương đầu với sự chống đối mãnh liệt ở nước ngoài trong bối cảnh giá cả thực phẩm tăng lên vùn vụt và nỗi lo sợ về tình trạng chặt phá rừng. Tuy nhiên, một viên chức thuộc nhóm lập pháp này cho biết có lẽ nó sẽ được thông qua.

Viên chức này nói: “Việc thông qua chính sách này sẽ không có vấn đề gì. Vấn đề là các chính phủ nước ngoài có sẵn sàng bán đi những vùng đất rộng lớn hay không.”

Động thái này xuất hiện khi các nước dư thừa dầu hỏa nhưng thiếu lương thực ở Trung Đông và bắc Phi tính đến các giải pháp tương tự. Libya đang đàm phán với Ukraine để gia tăng sản lượng lúa mỳ tại quốc gia thuộc Liên Xô cũ, trong khi Arập Sauđi tuyên bố nước này sẽ đầu tư vào các dự án nông nghiệp và chăn nuôi ở nước ngoài để đảm bảo an ninh lương thực và kiểm soát giả cả hàng hóa.

Giá gạo tăng cao ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người nghèo (ảnh www.news.bbc.co.uk

Trung Quốc đang mất khả năng tự cung nguồn lương thực của mình khi sự giàu của nước này tăng lên tạo ra sự thay đổi nhanh chóng khẩu phần ăn từ gạo sang thịt, điều đó đòi hỏi một khối lượng lớn lương thực nhập khẩu.

Trung Quốc sở hữu 40% lực lượng nông dân của thế giới nhưng chỉ sở hữu có 9% đất sản xuất nông nghiệp của thế giới. Một số học giả Trung Quốc tranh luận rằng để đảm bảo tình hình an ninh lương thực cho đất nước và giảm bớt thương tổn khi thị trường toàn cầu lên xuống thất thường, các công ty nông nghiệp nội địa buộc phải phát triển ra nước ngoài.

“Trung Quốc phải ‘xuất ngoại’ bởi vì nguồn tài nguyên đất đang bị thu hẹp,” Jiang Wenlai, thuộc Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc, phát biểu. “Đó là một giải pháp win-win (không thua-không thắng) mà cả hai phía sẽ có lợi qua việc sử dụng tối đa những lợi thế của cả đôi bên.”

UBS, một trong những công ty tài chính hàng đầu thế giới đóng ở Thụy Sỹ, cho biết trong quý đầu của năm nay, giá thực phẩm tại Trung Quốc đã tăng thêm 25% so với đầu năm, đây là mức lạm phát nông nghiệp cao nhất kể từ những năm 1990.

Trung Quốc vẫn là một nhà xuất khẩu ròng các mặt hàng nông nghiệp tuy càng ngày càng dựa vào lượng đậu nhập khẩu và sắp trở thành nhà nhập khẩu ròng về ngô.

Một viên chức của bộ nông nghiệp cho biết, Trung Quốc đã nhập khẩu trên 60% lượng đậu mà nước này tiêu thụ vào năm ngoái và vụ mùa này sẽ tập trung vào chính sách hỗ trợ cho các công ty mua được đất ở nước ngoài để trồng chuối, rau quả và các loại cây chế biến dầu ăn. Viên chức này còn cho biết bộ này đang đàm phán với Brazil về việc mua đất để trồng đậu.

Một số quốc gia sẽ nhận ra vấn đề đặc biệt này nếu Bắc Kinh hỗ trợ các công ty Trung Quốc sử dụng lao động của mình để làm việc tại các vùng đất mua được hoặc thuê ở nước ngoài – một điều hiển nhiên mà hầu hết các công ty đang làm ăn ở nước ngoài thực hiện.

Chú thích: Các số liệu về lượng gạo sản xuất và tiêu thụ gạo trong năm, tính đến tháng 3-2008.
Màu đỏ: biểu thị mức sản xuất; màu vàng: biểu thị mức tiêu thụ (nguồn BBC)

Thao Nguyễn (Theo The Financial Times)

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as