itaexpress / Quỹ ITA-s / Bên lề / Lời kể của người trong cuộc

Hồ sơ Quỹ ITA-s, lời kể của người trong cuộc

Chị Bảo Vân đang phân loại hồ sơ

ItaExpress - Đã có rất nhiều những câu chuyện diễn ra quanh những bộ hồ sơ được gửi đến Quỹ ITA-s. Câu chuyện về những bức thư, về những số phận và cả về sự sẻ chia….

Hàng ngàn hồ sơ gửi đến là hàng ngàn những cảnh đời, những số phận khác nhau. Nhân lực hiện làm trực tiếp cho Quỹ ITA-s còn rất mỏng do một số đồng nghiệp của tôi còn mắc kẹt ở Hà Nội, chưa vào được. Chị Lê Đình Bảo Vân dù rất bận việc cho sự kiện chuẩn bị đại hội cổ đông của tập đoàn vẫn tỉ mỉ ngồi đọc và phân loại từng bộ hồ sơ một. Tôi không biết nếu không được chị Bảo Vân hỗ trợ thì sẽ giải quyết ra sao với hàng núi công việc nữa.

Tôi tiếp nhận những bộ hồ sơ từ đồng nghiệp, chị Bảo Vân luôn trong tình trạng “Giang ơi, hồ sơ này thiếu..., Giang ơi đối tượng này không nằm trong đối tượng được trợ cấp… Giang ơi trả lời sao….”

“Họ đang phấp phỏng chờ đợi!”

Tạm gác tất cả những công việc khác để trả lời hết những câu “Giang ơi” của chị Vân, tôi cặm cụi ngồi trả lời từng lá thư một, gọi từng số điện thoại. Những lá thư được gửi đi hoàn toàn theo đường bưu điện. Lâu lắm rồi tôi mới ngồi viết thư. Internet đã khiến cho con người ta nhanh hơn, chính xác hơn, nhưng, những biểu hiện của tình cảm cũng ngắn đi. Gấp gáp trả lời những tin nhắn, nhưng email của bạn bè, công việc chỉ bằng những cái gạch đầu dòng. Đã từ lâu tôi không dùng đến những bì thư chỉ trừ đi đám cưới hoặc thăm hỏi ai đó ốm đau. Một tập phong bì dầy cộp với những cái tên, những địa chỉ hoàn toàn xa lạ với tôi. Nhưng tôi biết, ở những địa chỉ ấy, là những số phận, những hoàn cảnh đang phấp phỏng chờ đợi một niềm hy vọng từ phía Quỹ ITA-s. Trên tầng lầu, chị Bảo Vân vẫn cần mẫn giúp tôi nắm rõ nhất, nhanh nhất về từng hoàn cảnh một. Họ đang chờ đợi, chúng tôi hiểu điều ấy, dù cho, không ai nói ra…

Những email tới tấp “tấn công” inbox của sếp.

Mặc dù quy chế đã rất rõ ràng cho từng quỹ, nhưng, có làm việc mới thấy luôn luôn có những phát sinh ngoài dự kiến. Hội Chất độc nàu da cam/Dioxin tỉnh Phú Yên viết thư hỏi, đài phát thanh và truyền hình Ninh Thuận gọi điện hỏi, hội khuyến học tỉnh Thanh Hóa gửi công văn hỏi, báo Đà Nẵng đề nghị trả lời gấp… Và rất nhiều những cơ quan, đơn vị khác nữa, cùng với những lá thư của các cá nhân không thể xếp vào đối tượng của quỹ nào. Họ đang chờ đợi phản hổi của Quỹ ITA-s. Một mặt, tôi và chị Vân vẫn tiến hành trà lời rõ ràng dựa trên quy chế các quỹ. Mặt khác, địa chỉ hộp thư của Chủ tịch Quỹ ITA-s luôn được mở để cập nhật thông tin và tiến độ công việc. Những câu hỏi tới tấp được chuyển tiếp tới sếp sau khi đã được tổng hợp thành từng vấn đề một. Có những lằn ranh buộc chúng tôi phải thận trọng.

Bất cứ đâu, bất cứ khi nào.

Tôi làm việc với Chủ tịch Quỹ ITA-s hầu hết qua email bởi chị ở cách xa tới nửa vòng trái đất. Khoản cách về địa lý trong thời buổi này không quá ghê gớm, nhưng trở ngại thường gặp nhất là sự chênh lệch về múi giờ. Khi chúng tôi làm việc, thì bên kia đại đương đang là buổi đêm. Trước đây đêm nào tôi cũng thức đến 4h sáng để gửi thư, gửi bài đi vì nghĩ rằng, ấy đang giờ làm việc của chị. Những lá thư được gửi đi chỉ bằng một cái kích chuột ấy thường không bao giờ để tôi phải đợi lâu. Chỉ khoảng sau một đến vài tiếng là tôi đã nhận được hồi âm. Thế nhưng bây giờ, cho dù là sáng hay 3 – 4 giờ chiều. Tức là, vào cái giờ mà con người ta ngủ say nhất. Chị vẫn làm việc. Tất cả chung tôi, những người là dự án Itaexpress luôn luôn đặt câu hỏi: Không biết chị ngủ và nghỉ vào lúc nào?

 

 

Quỹ ITA-s vẫn sẽ tiếp tục và chúng tôi sẽ còn có nhiều những câu chuyện kể xung quanh mỗi bộ hồ sơ nhận được.

Cuộc sống còn có quá nhiều nỗi bất hạnh, tự nhiên tôi thấy, những thứ mà tôi thỉnh thoảng rầu rĩ gọi là nỗi đau của mình bỗng nhiên bé tị ti trước những bức thư từ những địa chỉ không quen biết…

 

Lại Thu Giang