itaexpress / Tin ITA / Công nghệ Kỹ thuật Số / Công nghệ mới / Công nghệ mới cho di động: Sợ chưa có người dùng

Công nghệ mới cho di động: Sợ chưa có người dùng

Xem truyền hình bằng dịch vụ IPTV

Nhiều nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đã đầu tư một số công nghệ mới để cung cấp những dịch vụ gia tăng cho khách hàng. Nhưng điều mà họ lo lắng chính là lượng người dùng công nghệ mới này không nhiều

Dè dặt đầu tư

Đầu tháng 10.2007, MobiFone đã chính thức thử nghiệm mạng EDGE (Enhanced Data for GSM Evolution – gia tăng tốc độ dữ liệu cho mạng GSM) hay còn gọi là mạng 2,75G. Về tốc độ truyền dữ liệu, mạng

EDGE có tốc độ lý thuyết là 236,8kbps. Với tốc độ này, người dùng dễ dàng truy cập internet ở nơi nào có sóng di động của mạng MobiFone.

Cũng theo nguồn tin từ MobiFone, đầu năm 2008, nhà cung cấp dịch vụ này sẽ chính thức cung cấp dịch vụ mạng 2,75G với những gói cước tương ứng. Ông Đinh Việt Hưng, trưởng phòng marketing của MobiFone cho biết “ban đầu dịch vụ EDGE chỉ có tại TP.HCM và Hà Nội, sau khi xem xét độ ổn định của công nghệ và nhu cầu thực tế người tiêu dùng, chúng tôi mới xem xét triển khai ở những địa phương khác”.

Trước đó, ngày 9.10.2006, S-Fone cùng lúc giới thiệu ba dịch vụ cao cấp: truyền hình số trên mobile, xem phim và nghe nhạc theo yêu cầu và internet mobile. Giới thiệu dịch vụ xem truyền hình kỹ thuật số trên điện thoại di động (chỉ có model Samsung F363 mới sử dụng được dịch vụ này với chi phí từ 100.000 – 400.000đ/tháng).

Theo chân S-Fone, những nhà khai thác dùng công nghệ CDMA như EVN, HT- Mobile cũng có những dịch vụ giá trị gia tăng dựa trên nền công nghệ CDMA như triển khai dịch vụ internet mobile... Cách đây hai năm, FPT Telecom cũng đặt vấn đề về công nghệ truyền hình trực tuyến trên nền tảng internet, gọi tắt là IPTV.

Tiếp thị là chính

Nhà khai thác dịch vụ viễn thông đang đứng trước bài toán đầu tư công nghệ mới như thế nào cho có hiệu quả. “Không thể không đầu tư những công nghệ mới, những dịch vụ mới nhưng đầu tư cái gì, ở đâu là một vấn đề nan giải. Khi đầu tư, chúng tôi sẽ xem xét thời gian cho phép thu hồi vốn nhưng khi triển khai mới thấy nhiều vấn đề phức tạp xuất hiện, vượt khỏi tầm tính toán của chúng tôi”, một nhà khai thác mạng nói.

Đầu tư công nghệ mới có mục đích chính là phục vụ khách hàng nhưng việc đầu tư công nghệ mới còn có giá trị: dùng công nghệ để marketing cho thương hiệu của mình. Theo ông Hưng, nhu cầu của người tiêu dùng điện thoại di động hiện nay đối với việc truyền tải dữ liệu thông qua sóng di động còn quá thấp. Đây chính là một trong những lý do mà các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đầu tư cho công nghệ này “một cách cầm chừng”. Hầu hết các nhà khai thác mạng viễn thông ở nước ta đang trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” như vậy. “Không đầu tư thì sẽ không cạnh tranh được với mạng khác, nhưng đầu tư mà tỷ lệ người dùng quá thấp sẽ không kinh tế. Cũng cần nói thật rằng, hiện nay chúng tôi chưa thể phủ kín sóng EVDO ở Cần Giờ, Nhà Bè... được vì có phủ cũng không có khách hàng sử dụng”, đại diện S-Fone nói.

Ông Nguyễn Anh Dũng, giám đốc HT-Mobile tại TP.HCM cũng thừa nhận rằng, dù đã công bố sóng EVDO 2000-1X đã “phủ” ở TP.HCM nhưng trên thực tế, mạng này chỉ có ở một số quận như Q.1, 3, 4, 5, 7, 8, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh. Cũng ở những quận này, cũng chỉ có một số phường là có sóng EVDO chứ không phải phủ kín như HT-Mobile đã công bố.

FPT Telecom đã khá thành công trong việc quảng bá thương hiệu của mình khi cách đây hai năm họ tuyên bố sẽ sớm đưa ra dịch vụ IPTV phục vụ khách hàng sử dụng mạng của FPT. Một số khách hàng đã đăng ký dịch vụ ADSL của FPT để được hưởng dịch vụ này nhưng thực tế lại không diễn ra suôn sẻ. Không biết bao nhiêu lần FPT Telecom đã phải thông báo dời ngày chính thức cung cấp dịch vụ.

Tháng 11 này, FPT Telecom mới đưa vào khai thác dịch vụ IPTV dành cho những khách hàng đang sử dụng cơ sở hạ tầng mạng của họ.

Theo Gia Vinh (SGTT)