itaexpress / Tin ITA / Công nghệ Kỹ thuật Số / Công nghệ mới / Để tránh rắc rối khi rút tiền tại ATM

Để tránh rắc rối khi rút tiền tại ATM

Một số đề xuất cho những khách hàng gặp trục trặc với máy ATM trong những dịp cao điểm.

Cứ đến gần Tết là giao dịch rút tiền mặt thông qua ATM lại tăng lên đáng kể, khiến hệ thống ATM của nhiều ngân hàng bị quá tải. Ông Lê Huỳnh Hà, Trưởng phòng dịch vụ ATM của Ngân hàng Vietcombank-chi nhánh TPHCM, đã đưa ra một số đề xuất cho những khách hàng gặp trục trặc với máy ATM trong những dịp cao điểm.

Khi khách hàng thực hiện giao dịch nhưng gặp lúc máy hết tiền thì nên làm gì, thưa ông?

Ông Lê Huỳnh Hà: Khách hàng có thể đến các chi nhánh hoặc phòng giao dịch của ngân hàng để rút tiền. Đặc biệt đối với các trường hợp rút số tiền lớn, thực hiện rút tiền 1 lần tại các phòng giao dịch của ngân hàng sẽ nhanh hơn nhiều, đồng thời sẽ tạo điều kiện cho các khách hàng khác sử dụng ATM.

Tại các điểm giao dịch ATM, hầu hết các ngân hàng đều có dán danh sách các điểm ATM gần nhất để khách hàng có thể quyết định tiếp tục chờ hoặc đến rút ở các điểm khác gần đó.

Hiện nay, các ngân hàng cũng đã hoàn tất việc liên kết với nhau nên người dân có thêm lựa chọn khi rút tiền từ ATM của ngân hàng khác với ngân hàng phát hành thẻ nhưng phải chấp nhận mất một khoản phí (thông thường hiện nay là 3.300 đồng/giao dịch).

Khách hàng cũng có thể cà thẻ để mua sắm tại hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mại tại các thành phố lớn mà không cần phải rút tiền mặt khi thanh toán. Hiện vẫn còn phổ biến tình trạng nhiều người xếp hàng chờ rút tiền từ ATM ngay tại các siêu thị (Co.opMart, Citimart, Maximark, Big-C, Metro Cash & Carry, Lotte-Mart …) để mua sắm và thanh toán bằng tiền mặt ngay tại các siêu thị này. Như vậy, rõ ràng là mất thời gian và góp phần làm mất thời gian của các khách hàng khác có nhu cầu rút tiền mặt thực sự.

Vì sao ngân hàng không đầu tư nhiều máy ATM để phục vụ công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp hiện đang rất khổ sở rút tiền trong thời điểm cận tết?

Công nhân các khu chế xuất, khu công nghiệp thường tập trung rút tiền vào cùng một thời điểm (tan tầm, tan ca) tại các máy ATM gần nơi làm việc nên gây ra tình trạng quá tải. Do đó, cũng như đã trả lời ở trên, nên chấp nhận rút ở những máy ATM lân cận hoặc chọn thời điểm khác để rút tiền. Mặt khác, các công ty cũng nên linh động cho công nhân thay phiên nhau rút tiền vào nhiều thời điểm khác nhau trong ngày để tránh ùn tắc.

Việc đầu tư ATM tại các khu chế xuất, khu công nghiệp thực sự là 1 bài toán khó cho các ngân hàng. Điểm khác biệt của ATM tại đây so với các nơi khác là tính thời vụ. Vào hầu hết các ngày trong tháng, các máy ATM vắng vẻ, rất ít người sử dụng. Nhưng đến kỳ lương, thưởng, Tết… thì có lắp bao nhiêu ATM cũng không thể đáp ứng đủ khi cùng 1 lúc, lượng khách hàng đổ dồn về tăng gấp nhiều lần.

Giá trị mỗi ATM là khá lớn (khoảng từ 500 đến 600 triệu đồng) cộng với các khoản chi phí khác (thuê mặt bằng, bảo trì, bảo dưỡng, phí vận hành, lượng tiền tiếp quỹ tại ATM …) nên buộc các ngân hàng phải cân nhắc thật kỹ trong việc đầu tư.

Nếu khi rút tiền bị “nuốt” thẻ thì xử trí như thế nào?

Khách hàng bị giữ thẻ tại ATM nên liên lạc ngay với chi nhánh ngân hàng quản lý ATM để được hướng dẫn với số điện thoại được dán trên bảng hướng dẫn gần khe đọc thẻ tại mỗi máy ATM. Hiện nay, theo thống nhất của các ngân hàng thì đối với thẻ bị giữ tại ATM cùng với ngân hàng phát hành thẻ, chi nhánh ngân hàng quản lý ATM sẽ hẹn giao thẻ cho khách hàng với thời gian và địa điểm cụ thể.

Đối với thẻ bị giữ tại ATM khác với ngân hàng phát hành thẻ, khách hàng sẽ đến ngân hàng phát hành thẻ của mình yêu cầu cấp giấy xác nhận và mang CMND đến ngân hàng quản lý ATM nhận lại thẻ hoặc có yêu cầu khác với ngân hàng phát hành thẻ của mình.

Các ngân hàng đã làm gì để hạn chế tối đa tình trạng quá tải tại các máy ATM trong những dịp cao điểm như tết?

Mỗi năm, dịp gần tết, các ngân hàng đều cố gắng tăng cường lắp đặt thêm nhiều ATM mới để phục vụ khách hàng. Ngoài ra, mọi khâu chuẩn bị phục vụ cho ATM đều được tăng cường tối đa như lượng tiền cung ứng, nhân sự, xe chuyên dụng, tăng giờ làm việc ngoài giờ nhằm đảm bảo ATM luôn có đủ tiền.

Tại mỗi ngân hàng đều có phần mềm quản lý cùng màn hình theo dõi để chủ động tiếp quỹ khi máy sắp hết tiền và xử lý khi máy ATM trục trặc (kẹt tiền, hết nhật ký, hỏng hóc…). Tuy nhiên, mặc dù đảm bảo máy ATM luôn có đủ tiền thì các ngân hàng cũng không thể cam kết rằng khách hàng không phải xếp hàng chờ đợi khi mà lượng khách hàng tăng nhiều lần trong cùng một thời điểm.

Ngoài ra, cũng phải kể đến thực tế là có nhiều ngân hàng đẩy mạnh công tác phát hành thẻ (với nhiều ưu đãi) nhưng không đầu tư ATM cũng làm cho hệ thống ATM của một số ngân hàng lớn phải “gánh” thêm một lượng khách hàng lớn nữa.

Xin cám ơn ông!

Theo Thủy Triều

TBKTSG