itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Pháp luật / Cả nước có khoảng 25.000 trẻ em phải lao động trong điều kiện nặng nhọc

Cả nước có khoảng 25.000 trẻ em phải lao động trong điều kiện nặng nhọc

Nhiều trẻ em đang phải lao động để kiếm sống

Ngày 17 - 4, Hội trợ giúp người khuyết tật Việt Nam (VNAH) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ tôn vinh người lao động khuyết tật và doanh nghiệp vì người lao động khuyết tật năm 2013. Ông Phạm Gia Túc, Phó Chủ tịch VCCI cùng Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm đã tham dự hội nghị.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Trọng Đàm cho biết, công tác quản lý di cư cũng như biến động lao động tại các địa phương trong giai đoạn hiện nay là rất lớn. Vì vậy, số trẻ em vùng cao, nghèo đói bỏ học để di cư về các thành phố lớn làm thuê cũng đang gia tăng. Theo thông kê, hiện cả nước có khoảng 25.000 trẻ em đang phải lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm. Nhiều trẻ em nông thôn bị lừa gạt ra thành phố làm việc quá sức, gây tổn hại sức khỏe.

Được biết, từ tháng 9 - 2007, VCCI hợp tác với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thành lập Hội đồng Dải băng xanh (BREC) để thúc đẩy việc làm cho người khuyết tật. Hội đồng khởi đầu với 25 doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế, với mục đích nâng cao nhận thức về lợi ích của việc tuyển dụng lao động khuyết tật và cung cấp, hỗ trợ kỹ thuật cho các chủ sử dụng lao động. Hiện nay, BREC đã phát triển hơn 160 thành viên trên cả nước, tạo việc làm ổn định cho hơn 2.000 người khuyết tật thông qua nhiều hoạt động.
Dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cũng đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ và VCCI với nhiều sáng kiến thiết thực, tạo việc làm cho người khuyết tật, góp phần quan trọng đưa Luật Người khuyết tật và các chính sách đối với người khuyết tật vào cuộc sống. Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm khẳng định: Là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ đang rà soát, chỉnh sửa để có cơ chế dạy nghề linh hoạt hơn, có sự hợp tác chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, góp phần tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật.

Theo CAO