itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Pháp luật / Công chứng khổ vì luật đá nhau

Công chứng khổ vì luật đá nhau

Công chứng rối vì Luật Nhà ở quy định nhà phải có giấy mới được thế chấp trong khi nghị định hướng dẫn lại cho phép thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai…

Tại hội nghị tổng kết năm năm thi hành Luật Công chứng trên địa bàn TP.HCM cuối tuần qua, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Lê Thị Bình Minh cho biết hiện có một số mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật Công chứng và các quy định khác gây lúng túng, khó khăn cho công chứng viên (CCV). Cụ thể, Luật Công chứng bắt buộc tiếng nói, chữ viết dùng trong công chứng là tiếng Việt nhưng Điều 649 BLDS lại quy định người thuộc dân tộc thiểu số có quyền lập di chúc bằng chữ viết hoặc tiếng nói của dân tộc mình.

Chủ tịch Hội Công chứng TP.HCM Phan Văn Cheo cho biết ngày 8-9, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đã có công văn với nội dung “… Tại thời điểm hiện nay, CCV cần từ chối công chứng hợp đồng thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai do vi phạm quy định Điều 91 Luật Nhà ở” (điều này quy định nhà ở phải có giấy chứng nhận mới được thế chấp - PV).

Tuy nhiên, theo ông Cheo, những giao dịch này tương đối phổ biến và từ trước đến nay các tổ chức hành nghề công chứng đều chứng nhận. Về pháp lý, việc thế chấp này cũng đã được ghi nhận tại Điều 320 BLDS và các nghị định về đăng ký giao dịch bảo đảm. Nghị định 71/2010 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở cũng quy định rõ: “Tổ chức, cá nhân mua nhà ở hình thành trong tương lai của DN kinh doanh bất động sản được quyền thế chấp nhà ở tại tổ chức tín dụng để vay vốn”. Do đó, Hội Công chứng TP kiến nghị Bộ Tư pháp sớm phối hợp với Bộ Xây dựng, NHNN ban hành thông tư liên ngành hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện.

Cũng theo ông Cheo, trường hợp bảo lãnh vay vốn bằng quyền sử dụng đất cũng đang gặp khó. BLDS và Luật Đất đai trước đây đã có chế định bảo lãnh nhưng đến Luật Đất đai hiện hành thì không còn đề cập. Một số hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất của bên thứ ba được công chứng, nay có tranh chấp đã bị tòa án tuyên vô hiệu gây hoang mang, bất an cho CCV và các tổ chức tín dụng. Điều đáng nói là tuy Luật Đất đai hiện hành không quy định chế định bảo lãnh nhưng Nghị định 84/2007 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai lại ghi nhận: “Bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo quy định của Luật Đất đai được hiểu là thế chấp bằng quyền sử dụng đất cho người thứ ba vay vốn theo quy định của BLDS”!

Ngoài ra, hợp đồng cho vay tiền có lãi suất giữa các DN mặc dù đã có công chứng nhưng có nơi vẫn bị tòa án tuyên vô hiệu. Vấn đề này cũng có nhiều quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng DN không có chức năng kinh doanh tiền tệ nên cho vay tiền là vi phạm pháp luật, loại hợp đồng này vô hiệu vì trái với Luật Các tổ chức tín dụng 2010. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng đây cũng là một loại hợp đồng vay tài sản thông thường theo luật dân sự, miễn lãi suất không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản của NHNN tại thời điểm vay. Việc vay này cũng không vi phạm điều cấm, vì một số công văn của Văn phòng Chính phủ, thông tư của Bộ Tài chính cũng từng đề cập “không khuyến khích” loại cho vay này và phải chịu thuế VAT 10%, tức mặc nhiên thừa nhận loại hình này.

Vì vậy, Hội Công chứng TP đã kiến nghị Bộ Tư pháp làm việc với các bộ, ngành liên quan ban hành hướng dẫn cụ thể những trường hợp vướng mắc để đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng được công chứng.

BÌNH MINH