itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Pháp luật / Phía sau một quyết định bất thường

Phía sau một quyết định bất thường

Sau khi Thủ tướng chấp thuận, bất ngờ UBND tỉnh Kon Tum "gạt" Cty CP khoáng sản VN - đơn vị mà UBND tỉnh đã trình Thủ tướng - ra khỏi dự án wolfram ở Chư Mom Ray (Kon Tum) (!?).

Phát hiện được mỏ wolfram lớn ở huyện Sa Thầy (Kon Tum), tháng 7.2006, Cty CP khoáng sản Việt Nam đã gửi tờ trình lên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh Kon Tum báo cáo sự việc đồng thời xin được lập dự án thăm dò, khai thác và chế biến. Thấy rõ giá trị to lớn trong đề xuất của Cty, lãnh đạo tỉnh Kon Tum gấp rút vào cuộc, đệ trình Thủ tướng cho phép để thực hiện dự án... Thế nhưng sau khi Thủ tướng chấp thuận, thì bất ngờ UBND tỉnh Kon Tum lại "gạt" Cty CP khoáng sản VN - đơn vị mà UBND tỉnh đã trình Thủ tướng - ra khỏi dự án...(!?).

Cty khoáng sản VN - người "trồng cây"...

Trong một chuyến khảo sát địa chất ở Tây Nguyên, tình cờ Cty CP khoáng sản Việt Nam (gọi tắt là Cty khoáng sản) phát hiện thấy một mỏ wolfram có trữ lượng lớn ở khu vực Vườn quốc gia Chư Mom Ray, thuộc xã MonRay, huyện Sa Thầy, Kon Tum.

Ngày 10.7. 2006, Cty lập tờ trình báo cáo Thường vụ Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh Kon Tum, đồng thời xin phép được đầu tư thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản Đa Kim- wolfram tại khu mỏ vừa phát hiện.

Thấy rõ giá trị to lớn về kinh tế-xã hội của đề án, ngày 4.8.2006, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Xuân Quý đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành chức năng của tỉnh, trong đó đề nghị Cty khoáng sản phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh để tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất Chính phủ cho phép điều chỉnh khu vực thăm dò khai thác từ vùng lõi ra vùng đệm của Vườn quốc gia để "mở đường" cho việc thăm dò, khai thác...

Tiếp sau đó, ngày 28.8.2006, UBND tỉnh ký văn bản số 1779/UBND-NĐ gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNN) với nội dung: Cho phép chuyển mục đích sử dụng đất rừng tiểu khu 663, do Vườn quốc gia Chư Mom Ray quản lý tại xã MonRay từ rừng đặc dụng sang rừng sản xuất và cho phép Cty khoáng sản lập đề án thăm dò, khai thác và chế biến wolfram tại xã MonRay. Ngày 12.9.2006, UBND tỉnh lại ký văn bản 1884/UBND-UB trình Thủ tướng về nội dung tương tự như văn bản số 1779/UBND-NĐ.

Liên tiếp sau đó, trong các văn bản UBND tỉnh Kon Tum ký ngày 12.10.2006 (số 2088/UBND-NĐ) và 10.4.2007 (số 701/UBND-NC) gửi Thủ tướng và các bộ liên quan, UBND tỉnh đều có đề nghị cho phép thăm dò, khai thác và chế biến wolfram theo đề án của Cty khoáng sản.

Sau hơn 17 tháng nỗ lực hỗ trợ tỉnh Kon Tum với tư cách là "tham mưu chuyên môn", đến ngày 3.12.2007, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý tại văn bản số 1880/TTg-NN do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký về chuyển đổi chức năng rừng thuộc tiểu khu 663, đáp ứng điều kiện để triển khai dự án. Niềm vui mang đến không chỉ với tỉnh Kon Tum, mà các cán bộ, công nhân viên Cty khoáng sản cũng rất phấn khởi vì dự án dày công và đầy tâm huyết này...

Thế nhưng cùng lúc đó, Cty khoáng sản nhận được tin "sét đánh": Cty đã bị gạt ra khỏi dự án và thế chân vào đó là Cty Hoà Phát - một cái tên xa lạ trong suốt sự kiện "wolfram ở Sa Thầy"!

Cty Hoà Phát - người "hái quả"!

Phải thấy rằng việc Chính phủ đồng ý chuyển đổi chức năng sử dụng đất rừng ở tiểu khu 663 có phần đóng góp không nhỏ từ đề án của Cty khoáng sản. Cty khoáng sản phát hiện ra mỏ wolfram, để từ đó mới có việc đề nghị Thủ tướng chuyển đổi chức năng sử dụng đất rừng ở tiểu khu 663.

Về khía cạnh pháp lý, Cty khoáng sản phải là đối tượng thụ hưởng của văn bản số 1880/TTg- NN. Điều này xin được lý giải: Thủ tướng chấp thuận văn bản số 2346/ BNN-LT - Bộ NNPTNT, tức là chấp thuận cả với văn bản số 701/UBND- NC của UBND tỉnh đã gửi và được Bộ NNPTNN chấp thuận.

Tuy nhiên, sự bất bình thường của vụ việc không phải bắt nguồn từ văn bản của Chính phủ và Bộ NNPTNN, mà xuất phát từ sự ưu ái khó hiểu của UBND tỉnh dành cho Cty CP khai khoáng Hoà Phát (gọi tắt là Cty Hoà Phát).

Vào thời điểm "nhạy cảm", khi việc chuyển đổi chức năng sử dụng đất rừng ở tiểu khu 663 sắp thành hiện thực, UBND tỉnh bất ngờ đưa ra cái gọi là "những điều kiện" chọn DN khảo sát thăm dò và khai thác khoáng sản wolfram, trong đó có cài "điều kiện" hết sức lạ lùng là: DN phải đăng ký kinh doanh tại địa phương! Bằng "điều kiện" này, UBND tỉnh đã loại được Cty khoáng sản một cách quá dễ dàng.

Trong buổi làm việc với Cty khoáng sản ngày 16.2 vừa qua, ông Đào Xuân Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đã cho biết: "Việc chọn, giới thiệu đơn vị thăm dò, khai thác mỏ wolfram, Thường vụ Tỉnh uỷ đã thống nhất chọn Cty Hoà Phát - SSG... và thực tế là ngày 24.10.2007, Thường vụ Tỉnh uỷ Kon Tum đã có cuộc họp để ra văn bản số 381- CV/TU chỉ đạo UBND tỉnh ra công văn số 2319/UBND-NĐ (ngày 1.11.2007) cho phép Cty Hoà Phát- SSG được thăm dò, khai thác...".

Điều này cho thấy Thường vụ Tỉnh uỷ Kon Tum đã sai phạm, bởi chọn chủ đầu tư dự án chỉ có thể là cơ quan quản lý nhà nước chứ không thuộc chức năng của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ! Hơn nữa, những quyết định quan trọng như trên đã không hề được lãnh đạo tỉnh báo cáo Thủ tướng trước khi có văn bản số 1880/ TTg-NN!

Phải đến khi sắp đặt được việc đại sự cho Cty Hoà Phát, ngày 21.2.2008, UBND tỉnh mới ký văn bản số 257/UBND-NĐ gửi Thủ tướng để xin được chấp thuận cho Cty Hoà Phát thăm dò, khai thác khoáng sản wolfram ở vị trí trùng với diện tích trước đây UBND tỉnh đã trình Thủ tướng cho phép Cty khoáng sản được thăm dò.

Trước những việc làm bất bình thường nói trên của Thường vụ Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Kon Tum, Cty khoáng sản đang đệ đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng trung ương với mong muốn được trả lại sự công bằng.

Nhân sự kiện này, dư luận trong giới DN làm ăn chính trực cũng mong muốn các cơ quan chức năng ra tay làm rõ sự việc, bởi không ít DN đã và đang bị lâm vào tình cảnh như Cty CP khoáng sản VN hiện nay.

Huỳnh Diệu Linh / Laodong