itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Băng rừng tìm truyện cổ người Tà Ôi

Băng rừng tìm truyện cổ người Tà Ôi

Tám năm qua, thầy giáo Phong đã vượt núi băng rừng, tới 210 bản làng để nghe kể hơn một ngàn câu chuyện cổ của người Tà Ôi.

Hơn hai giờ trèo núi, vượt 70 km đường đèo chúng tôi mới đến được thị trấn A Lưới để “mục sở thị” bảo tàng về văn hóa dân tộc Tà Ôi của thầy giáo Trần Nguyễn Thanh Phong, giáo viên ngữ văn Trường THPT A Lưới (Thừa Thiên-Huế).

Lên núi xây “bảo tàng”

Tốt nghiệp khoa Văn - Đại học Khoa học Huế năm 2001, trước sự ngỡ ngàng của người thân và bạn bè, Trần Nguyễn Thanh Phong làm đơn tình nguyện lên huyện miền núi A Lưới, nơi rừng rú heo hút, chỉ toàn người dân tộc Tà Ôi sinh sống để dạy học. Từ đó, cuộc sống của anh gắn với con suối, với ngọn núi mang hơi thở, tâm hồn của người Tà Ôi. Và cũng không còn nhớ được tự bao giờ, người thầy giáo trẻ ấy đã bị hút hồn bởi phong tục tập quán độc đáo của người dân nơi đây.

Như con ong cần mẫn, chăm chỉ, Phong bắt đầu gom góp, lưu giữ cẩn thận những hiện vật của bà con Tà Ôi một cách trân quý. “Lúc đầu tôi chỉ muốn tìm hiểu phong tục tập quán của người Tà Ôi, cố kiếm những món đồ dùng làm quà lưu niệm tặng người thân. Nhưng càng đi, càng hiểu, càng sưu tầm, tôi lại càng bị nó cuốn hút không dứt ra được” - Phong tâm sự.

Đến nay anh đã có một bộ sưu tập phong phú và đa dạng như một bảo tàng thực thụ về văn hóa của dân tộc này với hơn 1.100 hiện vật, khoảng 3.000 bức ảnh về quá khứ và hiện tại cùng với gần 1.000 câu chuyện cổ của người Tà Ôi do các già làng kể lại. Mỗi hiện vật sưu tầm đều được Phong ghi lý lịch đầy đủ, từ tên gọi, công năng, chất liệu, địa điểm sưu tầm, chủ nhân giao nhận hiện vật... đến ý nghĩa nhân văn và ý nghĩa tâm linh. Căn phòng 9 m2 của thầy giáo Phong giờ đây trở thành bảo tàng dân tộc Tà Ôi, thường xuyên đón khách ghé thăm.

Căn phòng rộng 9 m2 trở thành bảo tàng người Tà Ôi
và thường xuyên đón khách ghé thăm. Ảnh: Nguyên Linh

Phong cho tôi xem cái váy Dzèng, khoe: “Chiếc váy này được làm bằng chì, rất quý hiếm, chỉ một vài gia đình thật giàu trong vùng mới có. Để sở hữu chiếc váy này tôi phải đi lui đi tới xã A Ngọ gần chục lần mới mua được với giá 1,5 triệu đồng. Mất cả tháng lương nhưng mừng lắm”. Chẳng thế mà Phong kể đã có nhiều người cho anh là gàn, là điên, là người dở hơi... Bởi có bao nhiêu thời gian, tiền bạc, sức lực Phong đều “nướng” vào những thứ mà người ta cho là đồ bỏ đi...

Bị nghi là “gián điệp”

Không mệt mỏi, liên tiếp những chuyến đi, những lần băng rừng vượt suối, suốt tám năm qua bước chân người thầy giáo trẻ này đã in dấu 210 bản làng ở A Lưới và Đăkrông (Quảng Trị) để sưu tầm hiện vật cũng như những câu chuyện cổ của người Tà Ôi. Có những chuyến đi để lại trong Phong nhiều kỷ niệm khóc cười. “Một lần tôi đến xã Hồng Thủy để sưu tầm hiện vật thì bị công an xã bắt giữ vì nghi là gián điệp. Thanh minh mãi nhưng vẫn bị tịch thu tất cả giấy tờ, hiện vật và cả những tài liệu, bài nghiên cứu của tôi. Cuối cùng phải nhờ Công an huyện A Lưới can thiệp tôi mới được thả, lại còn được bà con tặng cho rất nhiều hiện vật” - Phong nhớ lại.

Để có thể giải mã được thế giới văn hóa độc đáo của người Tà Ôi, Phong phải học tiếng nói, học cách ăn mặc, ứng xử của người Tà Ôi. “Không biết tiếng dân tộc thì khó gần được bà con. Phải biết tiếng thì bà con mới thương, mình mới làm được việc” - Phong tâm sự.

Với phương châm “đụng đâu hỏi đó”, “đi, ăn, ở” cùng người Tà Ôi, anh đã nhanh chóng giao tiếp thành thạo với người dân thôn bản bằng tiếng Tà Ôi. Nhiều năm qua, nơi đâu có người Tà Ôi sinh sống là nơi đó in dấu chân không mệt mỏi của Phong. Cùng với chiếc xe đạp cà tàng có từ thời sinh viên, anh đã đi qua không biết bao ngọn đồi, con suối, ngủ trong rừng bao nhiêu đêm để có thể gom góp cũng như thẩm thấu tất cả những gì thuộc về văn hóa, tâm linh của người Tà Ôi mà anh xiết bao yêu mến. Những thứ rất bình dị thuộc về đời sống người Tà Ôi từ nông cụ, ngư cụ như anóc, anúa (vợt xúc cá), apậc (cây gậy thọc xuống ruộng để trồng lúa), rồi tupal (cối giã gạo), ate (cái gùi)... cho đến các sản phẩm văn hóa như tượng, nhà mồ bằng gỗ, tấm áo Dzèng, chiếc khố, chiếc khuyên tai bằng ngà voi dường như đã ăn sâu vào máu thịt của Phong...

Truyện cổ Tà Ôi lên sách

Vốn là dân văn chương nhưng lại mê khảo cổ học, Phong thích tìm hiểu những phong tục tập quán của người dân tộc thiểu số, những sự tích cổ xưa... Như có duyên nợ với quá khứ, tất cả những gì thuộc về lịch sử Phong đều muốn tìm lời giải đáp. Đến nay Phong đã tậu được hơn 2.000 đầu sách viết về văn hóa và phong tục tập quán người dân tộc.

Phong may mắn “tậu” được chiếc cung tên dùng để săn thú đã có
hàng trăm năm tuổi của người Tà Ôi. Ảnh: Nguyên Linh

Vì lẽ này mà gia tài của Phong không chỉ là kho hiện vật mà còn có cả “kho” văn hóa người Tà Ôi. Hơn tám năm qua, ngoài công việc giảng dạy, Phong dành hết thời gian và trí lực để nghiên cứu văn hóa, phong tục tập quán của người Tà Ôi. Đặc biệt, anh say mê và cố gắng giải mã những bí ẩn trong những câu chuyện cổ của dân tộc này. Những lần đi sưu tầm hiện vật, Phong không quên năn nỉ các già làng kể lại cho mình nghe những câu chuyện cổ của người Tà Ôi, rồi ghi chép, thu âm lại cẩn thận. Hàng đêm bên ánh đèn, có khi Phong thức trắng đêm để dịch, biên soạn những câu chuyện cổ để rồi lần lượt từng cuốn sách mang bao tâm huyết của người thầy giáo trẻ đã ra đời.

Năm 2005, cuốn song ngữ Truyện cổ người Tà Ôi (NXB Thuận Hóa) của Phong được in gồm 33 truyện cổ do anh sưu tầm từ lời kể của các già làng. Cuốn sách này đã đoạt giải sách hay của Hội Xuất bản Việt Nam vào năm đó. Năm 2006, anh xuất bản cuốn Chàng Phuật Nà, gồm 26 truyện cổ. Năm 2007, Phong in thêm hai cuốn Apok Sầu Arâu Kônh và Người Tà Ôi... Phong cho biết sách của anh in ra không bán mà chỉ tặng cho các bảo tàng, thư viện và các em học sinh như một món quà tinh thần giúp mọi người hiểu thêm về nền văn hóa của cả một dân tộc. Nhiều phen vất vả chạy vạy khắp nơi xin tài trợ kinh phí mới in được nhưng Phong không nản chí. Hiện Phong đã hoàn tất bản thảo và đang cho in cuốn Được mang họ bác Hồ.

“Mình đã “lỡ” đam mê văn hóa cũng như con người Tà Ôi mất rồi! Tất cả những gì có được mình sẽ hiến tặng cho nhà nước làm bảo tàng người Tà Ôi” - Phong tâm sự.

Nguyên Linh - Thùy Trang / Phapluattp