itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / “Cơn lốc” cá!

“Cơn lốc” cá!

Đất lúa chuyển sang đào ao

Chuyện con cá tra xuất khẩu đã đưa nhiều nông gia “tay lấm, chân bùn” ở ĐBSCL trở thành những “đại gia” nổi danh : xây nhà lầu, biệt thự, mua xe đời mới, sắm ca nô,… đã tạo nên giấc mơ đổi đời cho giới nông gia đồng bằng. Cũng như con tôm sú cách đây 10 năm, con cá tra đang tạo ra “cơn lốc” ở miền Tây.

Cá “lấn “ đất vườn, ruộng lúa

Nếu trước đây, Đồng Tháp , An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long là vùng nuôi cá tra trọng điểm ĐBSCL, thì nay Bến Tre và Trà Vinh đang “hội nhập” vào câu lạc bộ này với tốc độ phát triển chóng mặt. Đặc biệt, những tháng gần đây, người dân Cầu Kè, Tiểu Cần, Càng Long (Trà Vinh) hớn hở, vì giá đất ruộng, đất vườn đang lên “cơn sốt”.

Nếu trước đây đất vườn tạp, ruộng lúa nằm ven sông, rạch hoặc đất bãi bồi bán giá từ 15 - 30 triệu đồng/công (1.000m2), hiện nay “đã vọt” lên 50 - 70 triệu đồng/công. Kỹ sư Đoàn Chí Hải, cán bộ kỹ thuật Phòng Nông nghiệp - Thủy sản huyện Càng Long chia sẻ niềm vui: “Mới đây, nhiều doanh nghiệp, cá nhân về đây mua hàng trăm ha đất cập sông Láng Thé (Trà Vinh) với giá 60 đến 70 triệu đồng/công, thế nhưng địa phương chưa đáp ứng được. Với giá đất 600 đến 700 triệu đồng/ha, nông dân có nằm mơ cũng không ngờ”.

Thật ra, phong trào nuôi cá tra xuất khẩu ở Trà Vinh phát triển cách đây khoảng 3 năm. Học cách nuôi ở An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, nông dân Cầu Kè, Tiểu Cần (Trà Vinh) đã nuôi cá tra hầm. Do thiếu vốn, chưa có kinh nghiệm, giá cá bấp bênh, người nuôi bị lỗ vốn. Nay tình hình đã khác, con cá đang “lấn” dần cây lúa, cây ăn trái. Ông Đặng Quang Kha, Trưởng ban Nhân dân ấp An Bình, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè, cho biết: “Đất vườn trước đây giá khoảng 2,5 - 3 lượng vàng/công, bán chẳng ai mua.

Khi nghề nuôi cá phát triển mạnh, giá đất từ 35 triệu đồng/công nay tăng hơn 60 triệu đồng nên người dân sẵn sàng bán cả vườn cây thậm chí sang cả nhà ở của mình cho người nuôi cá”. Đất nuôi cá tra ở Trà Vinh đang “sốt”. Sau Công ty Mê Kông Cần Thơ mua 14,5ha tại xã Ninh Thới, An Phú Tân, Hòa Tân (huyện Cầu Kè) với giá từ 55 - 65 triệu đồng/công và chuẩn bị đào ao. Cafatex Cần Thơ cũng mua 17,5ha đất bãi bồi thuộc cồn Tân Qui, cồn Bần Chát tại ấp Tân Qui II, xã An Phú Tân với giá khá cao từ 55 - 65 triệu đồng/công. Tổng Công ty Lương thực Miền Nam đang chuẩn bị đào ao nuôi cá tra với diện tích khoảng 20ha tại cồn Thủy Tiên - ấp Long Trị, xã Long Đức (thị xã Trà Vinh)…

Thông điệp môi trường

Thu nuôi cá tra ven sông ở huyện Tiểu Cần

Trước tình trạng diện tích nuôi cá tra tăng mạnh, dọc ven bờ sông Tiền và sông Hậu, các nhà khoa học thuộc nhiều viện, trường bày tỏ lo ngại về sức tải sinh học của sông Cửu Long. Nghiên cứu của Đại học Cần Thơ nhận định, ô nhiễm toàn vùng do nuôi trồng thủy sản chưa xảy ra, nhưng ô nhiễm tại vùng nuôi tập trung hiện nay là rất cao.

Sau”cơn lốc” con tôm sú cách đây 10 năm, cơn sốt nuôi cá tra đang nóng bỏng ở ĐBSCL và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong lúc người nuôi cá hân hoan với món lợi bạc tỷ thì cả khu vực phải đối mặt với thảm họa ô nhiễm môi trường. Theo thống kê của ngành thủy sản, đến thời điểm này, toàn vùng ĐBSCL có hơn 5.000ha mặt nước nuôi cá tra, vượt 2.500ha so với cuối năm 2006. Dự kiến sản lượng cá tra, ba sa cả năm 2007 sẽ vượt con số 1 triệu tấn trong khi Bộ Thủy sản quy hoạch ĐBSCL đến năm 2010 mới đạt diện tích, sản lượng nêu trên.

Sự phát triển ồ ạt của nghề nuôi thủy sản và thái độ thờ ơ trong việc xử lý nước thải, bảo vệ môi trường của người nuôi đã làm các sông rạch mất khả năng tự làm sạch và phát sinh ô nhiễm nghiêm trọng. Nhiều dòng sông đang “chết” dần do chất thải nuôi trồng thủy sản.Thống kê mới đây của Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, chỉ riêng con cá tra, năm 2006 toàn vùng ĐBSCL cung ứng cho các nhà máy chế biến 800.000 tấn cá tra nguyên liệu.

Như vậy, trong năm 2006 đã có hơn 3 triệu tấn chất thải từ các ao nuôi cá tra xả ra môi trường, năm 2007 lượng chất thải sẽ lên đến khoảng 4 triệu tấn - những con số kinh hoàng. Các chất này là thức ăn dư thừa, thối rữa, bị phân hủy, các chất tồn dư trong quá trình sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh, vôi…, cấu thành các độc tố trong môi trường nước.
“Đừng vô cảm với môi trường!” là lời cảnh báo, thông điệp của các nhà khoa học về môi trường ở ĐBSCL hiện nay. Đây là vấn đề thời sự khi những vuông tôm, ao nuôi cá mới mọc lên ngày càng nhiều, lấn dần đất lúa, đất vườn, đất mía....

Đình Cảnh