itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / “Du mục” theo công trình

“Du mục” theo công trình

Hằng ngày, những đứa trẻ ở khu lán trại phải đi nhặt ve chai để mưu sinh

“Sống du mục” nghe ngỡ chuyện đâu đó xa xôi lắm, nhưng không, ngay tại TP.HCM, vẫn có những gia đình nghèo sống, lang thang theo những công trình, rày đây mai đó.

“Nhà” 3 trong 1

Trời chập tối, đường phố đã lên đèn, một thằng nhóc ba tuổi trần truồng, mặt mày nhem nhuốc níu tay ba nó: “Ba ơi con đói bụng”. Người đàn ông đen sạm xoa đầu thằng nhỏ: “Con chờ chút, mẹ mua gạo sắp về rồi”. Vừa lúc đó, mẹ nó, gầy đét, xuất hiện, trút nhanh bị gạo ra nấu. Thức ăn bữa đó là mấy con cá rô vừa chài được ở bến Bạch Đằng (Q.1, TP.HCM). Đó là gia đình anh Nguyễn Văn Minh và chị Nguyễn Thị Còn, sống gần cầu Nguyễn Tri Phương. Anh Minh làm việc cho công ty xây dựng Hồng Giao Thái, đang thi công một gói thầu thuộc dự án Đại lộ Đông Tây. Trước đây, vợ chồng anh làm cùng công ty, anh rải đá, chị quét đường. Nay phần việc của chị không còn nữa, chị xin vào gói bánh cho một cửa hiệu gần đó. “Tui nghèo quá không có tiền thuê nhà, nên công ty thương tình cất nhà cho ở” - anh Minh tâm sự.

Chỗ anh Minh gọi là nhà rộng khoảng 12m2, sàn lót ván ép; vách và mái che chắn bằng những tấm tôn cũ, thải ra từ hàng rào công trình. Nhà chỉ có ba vách, một vách chừa trống để ra vào, chẳng có cửa nẻo gì. Cột nhà là những cây tràm bé cỡ nắm tay. Vừa khom lưng chui vào nhà, tôi đã muốn bật ra vì không khí ẩm thấp, ngột ngạt. Nhà nào nhà nấy đều lọt thỏm trong đống vật tư công trình đầy rác và bụi bặm. Nhà tắm tập thể được cất chung với nhà ở. Nhà vệ sinh là những “cầu tõm” gác tạm mé kênh Tàu Hủ. Chỗ ăn, ngủ và nấu nướng được gói ghém ba trong một.

Những người ở gọi là nhà, còn các “ông chủ” của họ gọi là lán trại. Hai gia đình khác cũng đang sống ở đây, tương tự gia đình anh Minh. “Chúng tôi đã trải qua bảy, tám chỗ ở thế này” – anh Minh nhẩm tính. Cứ chuyển công trình là lại có “nhà mới”. Nhưng, không phải lúc nào cũng “suôn sẻ” như vậy. Sáu tháng trước, anh làm cho một công ty thi công bờ kè trên kênh Tân Hóa – Lò Gốm (Q.6). Xong việc cũ, nhưng chưa tìm được việc mới, cả nhà anh phải mượn gầm cầu Lò Gốm làm nhà gần một tháng.

“Ra vỉa hè, xuống gầm cầu ở vài ngày hay vài tháng là chuyện bình thường với chúng tôi, chú ơi!” - ông Lưu Văn Cường đang nằm đu đưa trên võng trong một lán gần đó nói vọng lại. Ông Cường có thâm niên làm việc lâu nhất ở đây và không thể nhớ bao nhiêu lần gia đình ông đã phải ra vỉa hè, xuống gầm cầu ở. Anh Lê Văn Sóc "nhà" ở gần đó chen vào: “Có chỗ ở thế này là tốt rồi. Không phải công trình nào chủ thầu cũng chịu dựng trại cho công nhân ở. Vì vậy, khi xin việc, phần lớn anh em không cân đo nhiều chuyện tiền lương, mà điều quan tâm hàng đầu là chủ thầu có chịu dựng trại cho ở không”.

Những đứa trẻ “khát” chữ

Chỉ tính riêng khu lán trại gần cầu Nguyễn Tri Phương (Q.5) với khoảng 50 nhân khẩu thì đã có ít nhất 1/3 là trẻ em từ sáu tháng đến 14 tuổi. Hàng ngày, khi ba mẹ chúng mưu sinh vất vả, chúng cũng có nhiệm vụ của mình.

12g trưa, đại lộ Đông-Tây thưa thớt xe qua lại, nhiều người ngồi trong nhà nhưng vẫn căng bạt ra hành lang để che bớt cái nóng hắt vào. Giữa công trường, ba đứa trẻ đen nhẻm, còi cọc, phơi mình ngoài nắng, tìm kiếm những mẩu sắt vụn. Đó là ba đứa con của chị Còn và anh Minh. Chị Còn kêu cả ba vào “điểm danh”: Tiếp (11 tuổi), Nhí (7 tuổi), Trọng (3 tuổi). Tôi hỏi không đi học à?, Tiếp lí nhí: “Tại mẹ không cho chứ bộ”. Nghe con trả lời, mắt chị Còn đỏ hoe. Chị kể, lúc còn ở quê (Đồng Tháp), Tiếp học lớp một được bảy, tám tháng. Khi cả nhà đùm túm lên TP, em buộc phải nghỉ học. Còn Nhí, đáng lẽ năm nay đã vào lớp 2, nhưng chỉ biết chuyện trường lớp qua những lời kể mơ hồ của chị. Giờ, mỗi khi nhìn thấy quyển tập hay cuốn sách, chị Còn lại nhớ cái ngày chị đến lớp lôi con về vì kêu nghỉ học mà nó vẫn lén đi. Lúc ấy lòng chị đau thắt. “Vợ chồng tui cái tên mình còn không biết viết, đâu ai muốn con cái mình lại dốt tiếp! Chỉ tại nghèo quá!” - chị bật khóc.

Hàng ngày, Tiếp được ba mẹ phân công giặt đồ, nấu cơm, đi chợ, trông em và… đi nhặt ve chai. Đồng lương của ba mẹ còn phải lo nhiều việc khác, nên số tiền Tiếp kiếm được, khoảng 30.000đ – 40.000đ/ngày và đó cũng là nguồn thu nhập để lo bữa ăn cho gia đình. Em chỉ tôi những bảng hiệu trên phố: “Con biết đó là chữ gì, chữ B, A, O…” nhưng không thể ráp chúng lại thành vần. “Con thích đi học hơn, vì đi học con không phải làm nhiều nữa” - Tiếp nói rất nhỏ, như sợ mẹ nghe được. Hầu hết những đứa trẻ “biết đi” ở đây đều được giao việc. “Chiều nay, Nhí trông em cho chị, lát nữa chị đi nhặt ve chai xa, trời có mưa thì nhớ rút đồ vô”.

Trước khi đi, Tiếp dẫn tôi đến gặp “đồng nghiệp” là một thằng nhóc ở trần gầy nhom, lưng đang cõng một đứa em, phía sau có hai đứa khoảng ba và bốn tuổi trần truồng đang ngồi bới đất. Em tên Trần Ngọc Du (12 tuổi), là con của anh Trần Ngọc Hải làm chung công ty với anh Minh. “Nó nhặt ve chai được ít hơn con vì còn phải trông tới ba đứa em, nhưng nó lại biết đọc, biết viết” - Tiếp nói giọng buồn buồn. Du cho biết: “Hồi ở quê Vĩnh Long con học tới lớp ba lận đó chú. Ban đầu, chỉ có ba con lên TP, sau đó mẹ và con lên theo. Mới đầu, mẹ nói chỉ nghỉ một năm sẽ được học lại, nhưng giờ đã hơn ba năm rồi” - Du buồn bã.

Mong ngày an cư

Những cuộc đời “du mục” như thế đều có chung chữ “nghèo”. Nghèo, họ phải bỏ quê ra đi tìm miếng cơm manh áo, nhưng vẫn đau đáu ngày về an cư.

“Cái ăn không đủ no, cái mặc không đủ ấm” - là lý do vợ chồng anh Minh, chị Còn quyết định lang bạt theo các công trình mưu sinh. Những ngày đầu đến TP, anh tự tìm đến các công trình xin việc, ai nhận gì anh làm đó. Thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng, nhưng không ổn định. Trừ các chi phí, hàng tháng anh còn dư vài trăm ngàn gửi về quê, không đủ nuôi vợ con, chứ đừng mơ trả nợ. Thấy nhiều người đưa vợ con đi cùng, công ty làm lán trại cho ở, anh quyết định mang vợ con gia nhập cùng họ. Hai năm, cả nhà anh lang bạt gần chục công trình, vợ chồng cùng làm việc, đã trả được bốn triệu đồng (gần 50% số nợ).

Vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Hùng (quê xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau), thì ngay sau ngày cưới, đã sống đời “du mục” cho đến nay. Đứa con của hai vợ chồng anh sau khi sinh được bốn tháng ở quê, cũng phiêu bạt theo cha mẹ. Ở quê anh chị chỉ có hai công ruộng, làm vụ được vụ mất nên không đủ sống. Kế hoạch của vợ chồng anh là ráng làm kiếm ít vốn để về quê mua thêm đất mà an cư. Nhưng, từ ngày ra đi đến nay, vợ chồng anh chỉ mới dư được hơn sáu triệu đồng. Ngày về còn rất xa...

Ông Cường buồn rười rượi khi nhớ lại cuộc sống cách nay bốn năm, khi gia đình ông còn ở xã An Bình, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp). Ông có chiếc ghe đi buôn trái cây, do làm ăn thua lỗ, phải bán ghe trả nợ, vậy mà vẫn còn nợ hơn 40 triệu đồng. Ngày ông lặng lẽ dắt vợ con ra đi, người ta đồn ông đi trốn nợ. Ông nín lặng, lầm lũi làm việc để có tiền trả nợ, trả cả lời dị nghị xa gần; trở về quê cất lại nhà cho vợ con ở. “Đâu ai muốn cuộc sống không nhà không cửa, con cái không tương lai thế này” - ông ngậm ngùi.

Công trình Đại lộ Đông Tây chỉ còn bốn tháng nữa sẽ hoàn thành. Trước khi nghĩ đến một mái ấm an cư, những mảnh đời trên đại công trường này lại đang thấp thỏm trước cuộc sống “du mục” sắp tới.

Thei Phan Trí/ Báo Phụ Nữ