itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Người đàn ông tật nguyền trên đỉnh dốc Bòng bong

Người đàn ông tật nguyền trên đỉnh dốc Bòng bong

Dù vẫn còn khó khăn nhưng cuộc sống

của Anh Nguyễn Mạnh Tuấn luôn

êm ấm, hạnh phúc.

Quê gốc ở Kim Bảng (Hà Nam), nhưng lại sinh ra ở tận vùng cao nguyên đất đỏ. Mới 3 tuổi đã trở thành trẻ mồ côi vì mẹ bị Puro bắn chết trong rừng xanh núi đỏ ở vùng đất Gia Rai nghèo khó. Với đôi chân tật nguyền từ lúc mới sinh, bước vào tuổi 11 đã lang thang, lê lết khắp hang cùng, ngõ hẻm của thành phố Sài Gòn để ăn xin, bán báo, bán vé số. 22 tuổi lên tàu ra Bắc tìm về quê, mới biết mặt cha, nhận mặt anh em họ hàng.

Quê nghèo, nhà nghèo, cha già yếu, nhưng vẫn còn may mắn nhờ người anh trai khá giả hơn đôi chút đã ra tay cưu mang đùm bọc, đón anh lên cùng sinh sống ở đỉnh dốc Bòng Bong (Đồng Tâm - Lạc Thuỷ), với công việc ban đầu là trông nhà và trông cháu.

Ngoài đôi chân tật nguyền, Nguyễn Mạnh Tuấn có cơ thể khá cường tráng. Vì vậy, làm “Bảo mẫu” khiến chàng trai trẻ này luôn khó chịu, bứt rứt và mặc cảm. Anh thầm mơ ước và nung nấu một ngày nào đó sẽ có một mái ấm, có vợ, có con, có nương, có vườn để vươn lên bằng sức lực và trí tuệ của mình. Mơ ước vậy thôi, chứ Tuấn có dám đi đâu để tìm hiểu, tán tỉnh, yêu đương như những người bình thường khác.

Rồi ước mơ của anh cũng trở thành hiện thực, nhờ vợ chồng ông bà Cẩn hàng xóm mối mai, năm 1997, anh đã lấy vợ. Họ về với nhau trong một đám cưới đơn giản, đạm bạc nhưng đầm ấm. Vợ anh, chị Đặng Thị Thoả, hơn anh 2 tuổi, một chữ bẻ đôi cũng không biết, tuy hơi vụng về nhưng bù lại khoẻ mạnh, hiền lành, chăm chỉ.

Ông bà ngoại thương con gái, thương chàng rể tật nguyền đã cho vợ chồng anh gần 2 ha đất đồi ở đỉnh dốc Bòng Bong. Cuộc sống mới của họ bắt đầu nhen nhóm trong một túp lều canh nương bằng cột gỗ khẳng khiu, vách liếp, mái lợp bằng lá mía chưa đầy 4 m2.

Khu đồi lúp xúp bấy giờ cũng chỉ có vài chục cây keo với những hòn đá mồ côi xù xì, xung quang đầy lau sậy, cỏ dại. Trụ lại vùng đất đó với những người bình thường đã khó, với vợ chồng anh gian nan gấp bội phần. Anh nhớ lắm, khi ra ở riêng trong túi chỉ có vẻn vẹn 6 triệu đồng mà anh đã giành dụm suốt 11 năm ăn xin, đánh giầy, bán báo. Tổ chức đám cưới đã hết 3 triệu đồng, 3 triệu đồng còn lại là những đồng vốn quý báu, hiếm hoi để bắt đầu xây dựng cơ nghiệp.

Vài tháng sau, anh mừng khôn tả khi nghe tin vợ có bầu. “Rồi trong nếp nhà đơn sơ của mình sẽ rộn vang tiếng cười của con trẻ, rồi mình sẽ “lên chức” bố, rồi mình sẽ có người nối rõi tông đường…”, niềm vui, niềm hạnh phúc ấy như tiếp thêm nghị lực cho anh.

Với 2 miếng cao su bằng lốp ô tô, lót trong bằng mảnh vải mỏng, quấn buộc bằng dây cao su ở 2 đầu gối, ngày ngày anh cặm cụi miệt mài khai hoang phục hóa mảnh đất đã cằn cỗi. Rồi những vạt ngô, vạt sắn, luống lạc cũng đâm trồi, trổ bông giúp vợ chồng anh tằn tiện qua ngày.

Cuộc sống đói nghèo, thiếu thốn khiến anh luôn trăn trở. Nghe tin xã mở lớp KN - KL anh bắt chị lấy xe đạp ngày ngày đón đưa anh đến lớp. Tự anh còn đến các hộ trong chòm xóm để học hỏi kinh nghiệm làm ăn. Cuối năm 1998, anh đi nhặt hạt giống tự ươm và vay vốn tập trung đầu tư trồng na. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, khi cây na còn nhỏ, anh trồng xen sắn ngô, lạc, đậu. Ngoài ra, anh còn trồng thêm hàng chục cây đu đủ và chăn nuôi gà để tăng thêm thu nhập. Sau 3 năm, những cây na đầu tiên đã bói quả và bắt đầu cho thu nhập. Dù mới manh nha, nhưng vợ chồng anh tràn trề hy vọng vì cây na dai phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng ở đây. Sai quả, mã đẹp, thơm, ngon và bán được giá. Vậy là anh dồn hết công sức, vốn liếng để phát triển vườn na.

Anh Tuấn tâm sự: “Kỹ thuật trồng na không khó nhưng tốn khá nhiều công sức. Gốc na luôn phải làm cỏ sạch sẽ, phải đánh rạch để chống úng, khi ra hoa phải sới đất quanh gốc và bón phân, sau khi thu hoạch phải tỉa cành cho cây lớn đều…”.

Sau gần 10 năm, giờ đây vườm na của gia đình anh đã có hơn 1000 cây và có 600 cây đã cho thu hoạch, khi na chưa khép tán anh vẫn trồng xen thêm các loại cây màu. Từ năm 2001 đến nay, vườn na đã đem lại thu nhập gần 14 triệu đồng /năm, đã giúp gia đình anh từng bước cải thiện đời sống, trả dần được vốn vay đầu tư ban đầu.

Cuộc sống khó khăn, nghèo đói đang lùi dần, túp lều xưa của vợ chồng anh giờ đây đã được thay bằng nếp nhà xây. Dù ngôi nhà mới tường đá còn xù xì chưa kịp trát, mái lợp bằng Proixi măng, bàn ghế giường tủ còn sơ sài…nhưng với anh đó thực sự là bước ngoặt lớn. Mái ấm của người đàn ông tật nguyền trên đỉnh dốc Bòng Bong dù còn nhiều gian khó nhưng đầy ắp niềm vui. Mới đây, một bé gái của vợ chồng anh vừa chào đời bụ bẫm, khoẻ mạnh. Đêm về, vợ chồng con cái cùng xúm xít bên chiếc vô tuyến nghe thời sự, ca nhạc. Cu Tú, cậu con trai đầu lòng đã học lên lớp 4, năm nào cũng đạt học sinh giỏi, học sinh tiến tiến.

Chia tay họ, tôi hẹn tháng 5 tới khi mùa na chín rộ sẽ trở lại để được ngắm những trái na đang mở mắt, được thưởng thức hương vị ngọt ngào của na trên đất Bòng Bong. Mà mỗi gốc na trên vùng đất đầy đá sỏi này đều thấm đẫm những giọt mồ hôi của người đàn ông đầy nghị lực Nguyễn Mạnh Tuấn.

Theo Đức Phượng (Báo Hòa Bình)