itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / AEC: Vì sao doanh nghiệp chưa mặn mà?

AEC: Vì sao doanh nghiệp chưa mặn mà?

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sắp “chào đời” với nhiều kỳ vọng sẽ giúp kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Nhưng theo kết quả khảo sát mới đây của Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), chỉ có 31% doanh nghiệp (DN) nhận định AEC có tác động đến DN. Hơn nữa, cái họ biết cũng chỉ là những thông tin chung chung.

“Thách thức lắm, cơ hội nhiều”

Là câu trả lời chung của đại đa số các DN khi được hỏi về tác động của AEC đến nền kinh tế và DN Việt Nam. Tại Hội thảo quốc tế “Hướng tới AEC và một số gợi ý chính sách đối với Việt Nam” mới đây, ông Nguyễn Hồng Sơn- Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế- đã chia sẻ một số kết quả của cuộc khảo sát điều tra về mức độ quan tâm của DN đến AEC. Theo đó, có 29% DN không biết có tác động hay không; gần 40% cho rằng không tác động; chỉ có hơn 31% nhận định AEC có ảnh hưởng đến DN. Tuy nhiên, khi hỏi các tác động cụ thể thì đa phần đều không trả lời được.

32 - 34% DN tham gia khảo sát chỉ biết đến AEC sẽ thành một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất, có sự lưu chuyển về hàng hóa, dịch vụ mà không biết AEC sẽ tạo ra sự tự do di chuyển vốn và lao động có kỹ năng trong khối ASEAN. Mặt khác, nhận thức của DN về cơ hội và thách thức do AEC mang lại cũng chỉ dừng ở những thông tin hội nhập vĩ mô, không đi sâu và cụ thể tới từng lĩnh vực, ngành hàng liên quan đến chính DN.

Thị trường chưa hấp dẫn

Việc DN chưa dành sự quan tâm đúng mức tới AEC, theo phân tích của ông Sơn, nguyên nhân chủ yếu là do các DN hiện nay có nhiều thị trường để lựa chọn hơn như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… Mặt khác, thị trường chung ASEAN có tính cạnh tranh thương mại cao; cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu tương đối giống nhau (dệt may, lúa gạo…); nhu cầu đối với sản phẩm xuất xứ Việt Nam không cao; thiếu sự hài hòa về các tiêu chuẩn kỹ thuật; hàng hóa phải kiểm định nhiều lần theo nhiều bộ tiêu chuẩn khác nhau ở các quốc gia thành viên…

Đồng quan điểm, ông Lê Triệu Dũng- Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) - cũng cho biết thêm, phần lớn DN Việt Nam ở quy mô vừa và nhỏ nên việc AEC ra đời chưa phải là mối quan tâm trước mắt, bản thân DN cũng chưa đủ nguồn lực hội nhập sâu. Đây là một trong những thách thức rất lớn đối với nền kinh tế của Việt Nam sau năm 2015, trong khi lực lượng DN này ở các quốc gia khác trong khối như Thái Lan, Malaysia đã phát triển mạnh.

Định vị lại thị trường

Theo các chuyên gia, tuy có tính cạnh tranh cao nhưng thị trường ASEAN có rất nhiều ưu điểm với đặc tính ít rủi ro. DN không phải lo lắng về vấn đề lừa đảo, “bắt bẻ”, kiện tụng, ép giảm giá, kiện bán phá giá… Các hàng rào kỹ thuật trong ASEAN cũng không cao so với các thị trường ngoài ASEAN; trình độ phát triển của các nước khá tương đồng; thị hiếu tiêu dùng gần gũi; môi trường kinh doanh ổn định. Mặt khác, trao đổi thương mại trong nội bộ ASEAN sẽ được hưởng ưu đãi về thuế theo CEPT/AFTA, ATIGA; thủ tục hải quan đơn giản hơn, giảm nhiều thủ tục hành chính.

Với những thế mạnh đó, nếu các cơ quan quản lý có chương trình giúp định vị lại thị trường, DN Việt có thể tận dụng, khai thác triệt để các cơ hội do AEC mang lại.

Nguyễn Phượng

công thương